Ngoại ngữ đầu tiên tôi học là teencode

Teencode với tôi là đi tìm những khuôn mẫu bị phá vỡ.
Đông Hà
Nguồn: Thảo Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Thảo Nguyễn cho Vietcetera

Từ trước năm 2000, teencode đã tồn tại dưới một “hình thái sơ khai” trên những trang vở. Được truyền cảm hứng bởi bộ truyện tranh Conan, lứa tuổi cuối 8x, đầu 9x sáng tạo ra một ngôn ngữ mới dựa theo sự tương đồng về ký tự - tạm gọi là teencode thế hệ đầu:

1 = I, 3 = E, 4 = A, 5 = S, 6 = C, 7 = T, 9 = Y, 12 = D, 14 = H....

Teencode chỉ thực sự trở thành trào lưu từ sau năm 2000, khi internet, điện thoại di động cục gạch dần phổ biến ở Việt Nam, cuộc sống của tôi (thời đó là một đứa bé thò lò mũi xanh) và bạn bè được lấp đầy bởi một thế giới mới.

Giá cước gọi khi đó còn khá cao so với tụi học sinh chúng tôi, 700-1000đ/phút gọi, hình thức giao tiếp chủ yếu là thông qua tin nhắn, nhưng “đã nghèo còn đèo bòng”: bàn phím điện thoại có 12 phím, bấm đầy đủ thì chậm, tin nhắn lại giới hạn 160 ký tự.

Vậy mà không gì làm khó được thế hệ nổi loạn này, để “lách luật”, chúng tôi tìm đến giải pháp tối ưu nhất, nhắn càng ngắn càng tốt. Và đó là khi câu chuyện về teencode bắt đầu.

Teencode với tôi...

Là đi tìm những khuôn mẫu bị phá vỡ

Bị gò mình vào phương châm học tập “nét chữ nết người”, tôi từng miệt mài chạy theo chuẩn mực chữ viết, tham gia các lớp học chữ đẹp, cố gắng viết sao cho đúng, sạch và dễ nhìn nhất.

Teencode - thứ ngôn ngữ không đi theo bất kỳ quy tắc trường lớp nào - được tôi chọn và sử dụng, như một dạng phản kháng (psychological reactance) của tuổi nổi loạn.

Nếu mẹ mắng bạn lười, bắt bạn quét nhà khi bạn đang chuẩn bị làm việc đó, có thể bạn sẽ mặc kệ luôn. Trường bắt đọc sách văn học, sở thích của bạn trở thành một nghĩa vụ, có thể bạn sẽ mất luôn hứng thú và tìm đến một điều gì khác.

Đó là những biểu hiện khác nhau của tâm lý phản kháng, với tôi thì là chinh phục teencode. Khi viết teencode, chúng tôi chỉ cần theo quy chuẩn của riêng mình, thậm chí biến tấu “hại não” cho có màu sắc cá nhân một chút, rồi bật cười hả hê khi lũ bạn chẳng đoán ra.

Tụi thanh thiếu niên ngày ấy, như bao thế hệ trẻ khác, luôn kiếm tìm một mật mã riêng để khẳng định mình. Vì sợ cảm giác “lạc loài”, chúng tôi tiếp nhận teencode như một phương tiện hiệu quả để kết nối, để tìm được nơi mình muốn thuộc về, nó giống cái cách mà các bạn tìm đến một hội nhóm fan hâm mộ vậy.

Là phương tiện để giữ kín nỗi niềm, sự riêng tư

Lớn hơn một chút, chúng tôi tập tành trò gửi thư tay hoặc nhắn tin riêng trong lớp học. Cây kim trong bọc có ngày lòi ra, cô giáo bắt được, nhưng chật vật để hiểu ra ý nghĩa của những mật mã nguệch ngoạc. Chúng tôi cười thầm vì cô thấy chỉ thấy nửa cây kim.

Rồi tôi bước qua tuổi dậy thì, đối diện với những rung động đầu đời. Những xúc cảm đó được truyền đạt đứt quãng, mập mờ qua những dòng tin ngắn gửi cho crush.

Vào tuổi nổi loạn, thanh thiếu niên có nhu cầu rất lớn về quyền riêng tư, đây là giai đoạn họ đang hoàn thiện bản thân và đi tìm danh tính mới.

Một đứa trẻ khi lớn lên sẽ dần cảm thấy thiếu thoải mái khi thay đồ trước mặt ba mẹ, chúng bắt đầu khóa cửa phòng ngủ, đặt mật khẩu cho điện thoại để sự riêng tư được bảo toàn.

Tôi luôn ám ảnh với nỗi sợ vô hình về việc bị phát hiện ra tin nhắn, giống như khi bố mẹ đọc được nhật ký. Ranh giới cá nhân tôi đặt ra lúc đó không phải một cuộc nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ, rằng ba mẹ nên tôn trọng riêng tư của con, tôi chỉ thầm lặng đặt mật khẩu điện thoại, nhắn tin kiểu teencode.

Bảng tra cứu Teencode (phiên bản sơ lược)

Hk, hok, 0, hem: không.

Dấu ngã (~): những

Cg~: cũng

Vk, v, zok: vợ

Ck, c, chok: chồng

Pun`: Buồn

K: thay thế cho (h)

F: thay thế cho (ph)

J: gì, hoặc thay thế cho (i)

?: thay thế cho dấu (?)

Z: vậy, dạ

Dx: được

Of: của

4: thay thế cho A

0*J: ơi

Dj: đi

Mun’: Muốn

Để dễ tìm đường “hồi teen” nhanh hơn, bạn có thể tham khảo bộ công cụ chuyển đổi teencode tại đây.

Thật ra không có một nguyên tắc cụ thể về teencode, mọi người thường dùng theo những cách phổ biến nhất, đôi khi là theo bản năng - thấy hợp lý thì ứng dụng.

Teencode có xấu không?

Vào thời kỳ “đỉnh cao” của teencode, lứa 9x từng bị xem là “thế hệ đáng thất vọng”, thế hệ bị ảnh hưởng bởi công nghệ và phương pháp giáo dục sai lệch. Nhưng tôi nghĩ, thực ra teencode không xấu tới vậy.

Teencode không phải hiện tượng của riêng Việt Nam, ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn… những ký tự ngôn ngữ được sắp xếp trái với quy luật vẫn hiện diện khắp nơi.

Teencode phiên bản đời đầu, dưới sức tác động của thời gian, đã gần như biến mất, dẫu dư âm vẫn còn chút ít. Mới hôm trước, tôi mở một trang tin lên, đọc “từ điển” của Gen Z, thoáng giật mình vì sự biến hóa khôn lường của ngôn ngữ ngày nay. Kiến thức và kinh nghiệm xài teencode cả chục năm bỗng chốc không còn hữu dụng.

Ngay lập tức, tôi, chưa đến 27 tuổi, nghĩ mình đã già. Và chắc đây là cái cách người lớn nhìn chúng tôi năm đó.

Nhưng tôi lại bật cười, vì nhận ra mình đã đi qua sự đổi thay, đã đủ trải nghiệm để hiểu, teencode chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn nhất thời. Những thế hệ từng dùng teencode vẫn học được cách giữ gìn nét đẹp và tinh hoa tiếng Việt, không như những chỉ trích trên báo chí thời đó.

Teencode không đóng góp cho kho tàng tiếng Việt giàu đẹp, nhưng lại minh chứng cho sức sáng tạo của tuổi nổi loạn.

Dù teencode “xưa” không còn hiện diện, tôi nghĩ người ta vẫn còn rất nhiều những câu chuyện vui để kể. Nhờ đó, người ta hiểu mình đã đã lớn lên từ sự nông nổi như thế nào.

Viết đến những từ ngữ cuối, đầu tôi vang lên âm thanh của mẹ. Vào một chiều thứ Bảy xa vắng, tôi quen tay nhắn cho mẹ theo cái cách mình hay dùng để nhắn với bạn, mẹ về nhà chưa kịp ngồi xuống thở đã kịp lôi đầu tôi ra mắng: “Mày nhắn cái gì tao chẳng hiểu”.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục