Silver economy - Khi người cao tuổi “áp đảo” thị trường

Nền kinh tế bạc có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, trong bối cảnh dân số cao tuổi nước ta ngày một tăng lên.
Hà Phạm
Nguồn: Nikkei Asia

Nguồn: Nikkei Asia

Bức tranh kinh tế của một quốc gia là tổng hòa của nhiều nền kinh tế nhỏ mang những “sắc màu” đặc trưng như nền kinh tế vỉa hè, nền kinh tế độc thân… Trong đó, nền kinh tế bạc (silver economy) là một gam màu đang ngày càng rõ rệt trên bức tranh ấy theo từng tháng năm.

Vậy nền kinh tế bạc là gì, và nó có ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng phát triển kinh tế quốc gia trong tương lai?

1. Silver economy là gì?

Nền kinh tế bạc, theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu, là tổng hợp tất cả các hoạt động kinh tế phục vụ nhu cầu của những người từ 50 tuổi trở lên (bao gồm việc mua bán các sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động kinh tế khác sinh ra từ giao dịch này). Nếu xét theo thời điểm bài viết được đăng tải (năm 2024), những người có năm sinh từ 1974 trở về trước sẽ được tính vào thành phần chính của nền kinh tế bạc.

Nền kinh tế bạc trải rộng ra khá nhiều phân khúc. Không chỉ gói gọn ở chăm sóc sức khỏe, hay dưỡng lão, mà nó còn bao gồm công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản, giao thông vận tải, năng lượng, thực phẩm, du lịch, văn hóa, cơ sở hạ tầng và dịch vụ địa phương.

2. Nguồn gốc silver economy?

Theo Nikkei, tên gọi “nền kinh tế bạc” bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm 1970 của thế kỷ XX. Không bất ngờ khi khái niệm này đến từ Nhật Bản - quốc gia đã có tỷ lệ dân số già luôn dẫn đầu thế giới. Dù chính phủ đã có nhiều nỗ lực, song tỷ lệ sinh tại quốc gia này vẫn không ngừng suy giảm, khiến Nhật Bản trở thành nước “siêu già” (tỷ lệ người trên 65 tuổi lớn hơn 20% dân số) năm 2006.

Giáo sư Zhou Weisheng (giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu 3E, Nhật Bản) nhận xét trong bối cảnh như vậy, tất cả ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ tại đây đều buộc phải xem nhóm người cao tuổi là khách hàng tiềm năng. Ví dụ khuôn viên nhà ở không có rào chắn, thuận tiện cho xe lăn và gậy chống đã được áp dụng cho mọi phân khúc nhà, dù nó từng là điểm cạnh tranh ưu việt của phân khúc cao cấp.

Với thâm niên xây dựng nền kinh tế bạc dày dặn, Nhật Bản chính là tấm gương cho các quốc gia chuẩn bị bước vào giai đoạn dân số già, trong đó có Việt Nam.

3. Vì sao silver economy phổ biến?

Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc 2024 hồi tháng 9, thí sinh Choi Soon-hwa gây chú ý vì đi thi hoa hậu khi đã… 81 tuổi. Vốn đã có kinh nghiệm làm người mẫu từ năm 70 tuổi, nên dù đi thi cùng các cô gái bằng tuổi cháu mình, bà Choi vẫn hết sức tự tin và được công chúng Hàn ủng hộ nhiệt tình.

Được biết ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc đã loại bỏ giới hạn tuổi tối đa cho thí sinh từ năm 2023. Bước đi này cho thấy ngành giải trí Hàn đang nghiêm túc cân nhắc đầu tư vào nhóm người cao tuổi, và họ có thể sẽ chiếm phần không nhỏ trong “làn sóng Hallyu” tiếp theo. “Nền kinh tế bạc” vì vậy cũng trở thành đề tài được bàn luận rộng rãi trên truyền thông Hàn Quốc và nhiều nước châu Á.

Ngay tại Việt Nam, quá trình già hóa dân số đã bắt đầu từ năm 2015. Hiện nước ta xếp thứ 3 Đông Nam Á về số lượng người cao tuổi, chỉ sau Thái Lan và Singapore, và được dự báo sẽ có cơ cấu dân số già vào năm 2035. Trong bối cảnh như vậy, nền kinh tế bạc có khá nhiều tiềm năng để phát triển tại Việt Nam vì:

  • Người cao tuổi có thu nhập ổn định từ lương hưu, tiền tiết kiệm và đầu tư. Họ cũng có thể vẫn đang tiếp tục đi làm do độ tuổi nghỉ hưu tăng hoặc tâm lý muốn tự do, giảm phụ thuộc vào con cái.
  • Người cao tuổi thế hệ mới cũng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí. Ý thức nâng cao chất lượng sống khi về già là một trong những khác biệt lớn của họ với thế hệ trước.
  • Người cao tuổi ngày càng cởi mở và đón nhận việc sử dụng sản phẩm công nghệ.

Theo nhà sáng lập Aging Asia Janice Chia, thế hệ baby boomer (sinh từ 1946 - 1964) sẽ là phân khúc khách hàng chính của các doanh nghiệp trong 1-2 thập kỷ tới. Nếu biết tận dụng và nắm bắt thời cơ, nền kinh tế bạc sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho quốc gia.

Về cốt lõi, ý nghĩa của nền kinh tế bạc không đơn thuần chỉ là phát triển kinh tế. Theo tiến sĩ Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nền kinh tế bạc là sự công nhận đóng góp của người cao tuổi cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng, thay vì xem họ là gánh nặng kinh tế.

4. Cách dùng silver economy?

Tiếng Anh

A: Have you watched this year’s Miss Korea? They lifted the age limit so there was an 81-year-old contestant!

B: I have heard about that. The silver economy will really become the next big thing.

Tiếng Việt

A: Cậu có xem Hoa hậu Hàn Quốc năm nay không? Họ bỏ giới hạn tuổi đăng ký, nên có bà cụ 81 tuổi rồi vẫn đi thi đó!

B: Mình có nghe nói. Đúng là “nền kinh tế bạc” sẽ trở thành cốt yếu trong thời gian tới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục