Takashi Niwa: Kiến trúc đồng điệu thiên nhiên

Takashi Niwa là kiến trúc sư đằng sau nhiều dự án được cả giới hàn lâm và người yêu thích kiến trúc trân trọng.

Nancy Zhou
Takashi Niwa: Kiến trúc đồng điệu thiên nhiên

Tám năm trước, theo lời mời của Võ Trọng Nghĩa, Takashi Niwa chuyển đến Việt Nam và gia nhập Vo Trong Nghia Architects (VTN) với vai trò đối tác. Sau khi mở văn phòng VTN tại Hà Nội, với nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về kiến trúc Việt Nam, Niwa đã thành lập Takashi Niwa Architects nhằm hướng đến các dự án mang đậm tính thử nghiệm.

Trong suốt quá trình làm việc tại VTN cũng như tại công ty riêng, Niwa đã thực hiện nhiều dự án được cả giới hàn lâm và người yêu thích kiến trúc trân trọng. Trong đó, có thể kể đến các công trình đạt nhiều giải thưởng như Nhà trẻ Xanh, Pizza 4P’s Phan Kế Bính, và Nanoco Gallery.

Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện với kiến trúc sư người Nhật tại ban công nhà hàng Pizza 4P’s, một trong những công trình gần đây nhất của anh. Với ý tưởng cho Pizza 4P’s bắt nguồn từ những bữa tiệc pizza cùng bạn bè trong sân vườn, Niwa đã tái tạo không khí thân mật của tiệc vườn trong không gian cởi mở, sum vầy mà không kém phần tĩnh tại, trang nhã.

Lật giở qua những bản phác thảo và thiết kế, Niwa đã cho chúng tôi thăm lại những nguồn cảm hứng đầu tiên, những dự án đáng nhớ nhất, và những định hướng trong tương lai cho Takashi Niwa Architects.

Sau khi tốt nghiệp tại Tokyo, anh đã bắt đầu với những dự án nào?

Tôi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành kiến trúc tại Tokyo Metropolitan University và dành một vài năm tham dự các workshop về kiến trúc đô thị; thực hiện triển lãm, cuộc thi, cũng như dự án với bạn bè. Thời gian đó tôi cũng cộng tác với những người bạn trong giới thiết kế đô thị, thiết kế xây dựng, công trình, ánh sáng, và nghiên cứu. Tất cả đều giúp tôi trở thành một kiến trúc sư đa năng, tự tin như ngày hôm nay – điều mà tôi luôn hằng mong muốn.

Tôi gia nhập Noriaki Okabe Architecture Network (NOAN), công ty của kiến trúc sư Noriaki Okabe, năm 25 tuổi. Mong muốn phục vụ xã hội qua thiết kế của ông đã ảnh hưởng sâu sắc nhân sinh quan của tôi, là nền tảng để tôi phát triển các ý tưởng kết nối thiết kế sản phẩm và thiết kế xây dựng sau này.

Trong các dự án đã từng thực hiện, đâu là dự án có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp kiến trúc của anh?

Những công trình có ảnh hưởng sâu sắc nhất phải kể đến rạp nghệ thuật trình diễn ngoài trời Toga, thiết kế bởi Arata Isozaki. Dự án này, đặc biệt là rạp hát ngoài trời hướng ra thiên nhiên, khiến tôi nhận ra khả năng truyền tải cảm xúc của kiến trúc, đặc biệt là khi kết hợp với các hoạt động trong không gian đó.

Bên cạnh đó, hai dự án khác mà tôi tham gia – một tòa tháp cao 888 mét với những kết cấu hyperbolic-paraboloid, và nhà máy JST tại Malaysia, nơi hàng ngàn công nhân chế tạo các linh kiện điện tử. Thời gian tại Noriaki Okabe cũng cho tôi biết tầm quan trọng của trải nghiệm người dùng trong thiết kế, đặc biệt là trong thiết kế ánh sáng.

Lý do nào khiến anh rời Nhật Bản để đến Việt Nam? Đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa hình thức kiến trúc của hai nước?

Tôi gặp Võ Trọng Nghĩa năm 1997, tại trường đại học ở Kanazawa, cũng là quê tôi. Chúng tôi trọ cùng ký túc xá và sớm trở thành bạn bè vì chung sở thích bóng bàn. Sau vài năm, chúng tôi bắt đầu hợp tác trong nhiều cuộc thi và dự án thiết kế trong suốt quá trình theo học tại trường.

Nghĩa trở về Việt Nam để mở công ty riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, và mời tôi gia nhập với vai trò đối tác. Tôi đầu quân cho VTN Architects, sau đó chuyển đến Hà Nội để mở chi nhánh cho VTN Architects tại đây năm 2010.

Trong quá trình làm việc tại Việt Nam, tôi nhận ra điểm khác biệt lớn nhất trong thực hành giữa Việt Nam và Nhật Bản là quá trình lên kế hoạch. Tại Nhật, trước khi tìm đến kiến trúc sư, khách hàng thường đã có sẵn ngân sách, mục đích, tính năng và lịch trình chi tiết.

Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Khách hàng thường có ý tưởng nhưng kiến trúc sư có trách nhiệm hiện thực hóa chúng. Ban đầu tôi cảm thấy áp lực khi có quá nhiều tự do như vậy, nhưng giờ thì thực sự trân trọng quá trình sáng tạo này.

Khí hậu nhiệt đới tại Sài Gòn và khí hậu theo mùa tại miền Bắc chi phối các công trình của anh như thế nào?

Khí hậu nhiệt đới tại đây vô cùng thích hợp với các diện tích bán ngoài trời. Điều này rất thú vị, đặc biệt khi so sánh với các diện tích bán ngoài trời tại quê hương tôi, nơi phục vụ chủ yếu các hoạt động về mùa tuyết.

Mọi người ở đây cũng chú trọng thiên nhiên trong không gian của mình hơn. Tôi cho rằng cây xanh là một phần không thể thiếu trong các thiết kế tại khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tại miền Bắc, độ ẩm có thể đạt tới mức khá cao. Thời gian đầu ở Hà Nội, tôi thường yêu cầu các kỹ sư nghiên cứu cách giảm độ ẩm mà không cần dùng điện, nhưng sớm nhận ra đó là điều rất khó thực hiện.

Thay vào đó, tôi chuyển hướng sang kiến tạo các không gian dễ chịu trong môi trường độ ẩm cao. Quan trọng nhất là giảm thiểu phóng xạ nhiệt và lưu thông khí một cách tự nhiên. Chúng tôi học được rất nhiều từ việc nghiên cứu nhà sàn – cấu trúc nhà vùng núi truyền thống với không gian sống tiện lợi cao, giao hòa với thiên nhiên.

Khía cạnh khó khăn nhất và hứng thú nhất khi làm kiến trúc sư tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, ngành thiết kế và kỹ thuật kiến trúc còn rất mới, và tài năng trong ngành còn rất trẻ. Các kỹ thuật viên về thiết kế, cơ khí, xây dựng cũng như trong quản lý dự án và công trường cần được giúp đỡ và phát triển nhiều hơn. Kiến trúc sư cần sự hỗ trợ từ họ để thực hiện những công trình tốt. Đó là khó khăn chính cho những dự án ở Việt Nam.

Mặt khác, khách hàng Việt Nam lại không ngại thử các thiết kế mới, tạo nên các dự án độc đáo và thú vị. Đây là thời điểm lịch sử để tạo nên các công trình vượt thời gian, có ích cho xã hội.

Cùng nhìn lại một trong những dự án gần đây nhất của anh, Pizza 4P’s Phan Kế Bính.

Ban đầu đó chỉ là một tòa nhà ba tầng đơn giản với kết cấu thép và bề mặt kính. May mắn thay có một khoảng sân vườn nhỏ với cây xanh ở mặt tiền tòa nhà. Thiết kế của tôi tập trung vào triết lý của Pizza 4P’s, “Delivering Wow, Sharing Happiness”.

Pizza 4P’s bắt đầu với chiếc lò pizza thủ công trong một khu vườn nhà tại Tokyo. Khu vườn dần trở thành nơi tụ họp nhiều bữa tiệc pizza và cuộc thi nấu ăn giữa những người bạn. Tôi thiết kế không gian nhà hàng này với ý tưởng chính là một bữa tiệc vườn.

Bề mặt kính ban đầu khiến cho nhà hàng cảm giác quá gần giáp với đường phố. Chúng tôi quyết định thêm vào các chi tiết gang đúc, tạo nên một cấu trúc như chiếc rèm giữa khách ăn và con phố bên ngoài. Một yếu tố độc đáo khác là các chi tiết hình tượng cây lá trên sàn và trên đồ đạc, tạo nên không khí vườn tạc cho nhà hàng.

Một trong những dự án đáng chú ý khác của anh là Nanoco Gallery tại Hà Nội…

Nanoco Gallery là phòng trưng bày các sản phẩm ánh sáng từ Panasonic và Nanoco. Công trình ban đầu nhìn ra một con phố khá ồn ào, và có cây to tại mặt tiền khiến tòa nhà bị che khuất. Chúng tôi bắt đầu dự án bằng việc cân nhắc làm sao để biến những điểm yếu này thành thế mạnh. Giải pháp của nhóm là biến chiếc cây cổ thụ thành một phần tòa nhà, đem lại bóng mát cũng như sự cân bằng trong thiết kế của công trình mới.

Chúng tôi thiết kế sao cho tòa nhà giống như một khối hộp trừu tượng, sử dụng gạch nung để gợi tả một chiếc đèn lồng khi có ánh sáng từ bên trong. Các hình mẫu truyền thống tương phản và làm nổi bật thiên nhiên bên ngoài. Những vật liệu địa phương như gạch nung và gang đúc rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Dù khiêm nhường, chúng có tiềm năng về cả thẩm mỹ lẫn thân thiện với môi trường. Đó cũng là một cách chúng tôi trân trọng vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.

Mục đích 5 năm của anh cũng như Takashi Niwa Architects là gì?

Takashi Niwa Architects sẽ kết hợp những gì tốt nhất của môi trường và văn hóa. Mục đích của tôi là có một đội ngũ đặc biệt để thực hiện sứ mệnh này. Về khía cạnh môi trường, chúng tôi muốn kết hợp thiết kế xanh với tính vận dụng cao, phát triển tiềm năng của một phong cách kiến trúc bền vững với khởi nguồn từ Việt Nam. Về văn hóa, chúng tôi muốn thực hiện những thiết kế có ý nghĩa với Việt Nam.

Kiến trúc sư người Việt có rất nhiều tài năng – từ kỹ thuật, phần mềm cho đến mỹ cảm – và chúng tôi muốn cùng hợp tác để phát triển những thế mạnh đó. Tôi chờ đợi nhiều điều thiết kế tuyệt vời từ đội ngũ này, và hy vọng họ sẽ dẫn đầu với vai trò phát triển văn hóa kiến trúc Việt Nam bền vững đến tận mai sau.

Cuối cùng, anh có thể kết thúc câu nói này: “Kiến trúc tốt thì nên…

…hỗ trợ và làm giàu trải nghiệm cho con người, và nâng cao những hoạt động mà không gian đó được tạo lập cho.”

Xem thêm:

[Bài viết] 3 trường học có thiết kế kiến trúc đẹp tại Việt Nam

[Bài viết] Không gian mở và xu hướng kết hợp ‘làm và chơi’


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục