Vẹt cũng biết "video call" để bớt cô đơn
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Gần đây, một nghiên cứu được trình bày tại hội thảo về tương tác giữa con người và máy tính, tổ chức tại Hamburg, Đức, đã cho kết quả rằng việc có thời gian với những người bạn trên không gian ảo dường như làm giảm dấu hiệu cô đơn ở những chú vẹt. Hoạt động này còn cải thiện chất lượng sống của chúng nói chung.
Thông qua hoạt động chat video với nhau, vẹt nuôi có cho mình những trải nghiệm chất lượng. Những chú vẹt tương tác với nhau bằng cách chạm vào màn hình, và thực hiện cùng nhau các động tác như rỉa lông. Dường như chúng đang có sự gắn bó với nhau qua môi trường ảo.
Điều đặc biệt là các nhà nghiên cứu đã huấn luyện để vẹt có thể gọi một số người bạn cụ thể. Và chúng thực sự đã lựa chọn người bạn chúng muốn giao tiếp thông qua việc quan sát hình ảnh và gõ chuông.
Ý tưởng dẫn đến nghiên cứu này không đến một cách ngẫu nhiên. Jennifer Cunha, một đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng trong khi nhiều người nghĩ vẹt và các loài chim chỉ là vật trang trí, thực tế chúng là những loài vật xã hội rất thông minh. Việc nuôi nhốt trong môi trường gò bó, thiếu tương tác có thể khiến chúng có các hành vi gây hại như tự nhổ lông, hung dữ, hoặc ngủ quá nhiều. Một số quốc gia vì thế đã cấm việc chỉ nuôi một chú vẹt duy nhất.
2. Nghiên cứu được thực hiện ra sao?
Đầu tiên, các nhà khoa học đã chọn 18 chú vẹt và những người chăm sóc chúng thông qua một chương trình huấn luyện mang tên "Trường mẫu giáo vẹt." Sau đó, họ thực hiện một giai đoạn huấn luyện, trong đó vẹt học cách chọn ảnh của một con chim khác trên máy tính bảng để bắt đầu cuộc gọi trên Facebook Messenger. Những chú vẹt đã thực hiện thành công điều này chỉ trong vài tuần.
Sau đó, vẹt sẽ rung chuông khi chúng muốn thực hiện cuộc gọi. Khi người chăm sóc của chúng đưa máy tính bảng, vẹt sẽ chạm vào hình ảnh người bạn mà chúng muốn trò chuyện.
Ban đầu, những chú vẹt được thưởng khi rung chuông và chọn một chim "bạn", nhưng sau thời gian huấn luyện, chúng không còn được thưởng nữa. Nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi thấy những chú chim chọn cách gọi nhau một cách tự nguyện nhanh như thế nào.
Các nhà nghiên cứu cũng rất vui khi thấy vẹt lựa chọn tham gia vào các cuộc gọi video bằng cách dõi theo những con chim ở phía bên kia màn hình, vừa trực quan, vừa bằng cách chạm trực tiếp vào màn hình.
Nhiều chú vẹt phản ánh lại các hành vi mà chúng thấy bạn bè thực hiện, như tìm kiếm thức ăn, rỉa lông và bay. Nhóm nghiên cứu quan sát được sự đa dạng của các hành vi xã hội vẹt cùng thực hiện, từ cùng rỉa lông, cùng ngủ, cho đến cùng hót.
Hơn nữa, khi một chú vẹt càng nhận được nhiều cuộc gọi, chúng càng phấn khích được thực hiện nhiều cuộc gọi hơn.
3. Vật nuôi giao tiếp xã hội như thế nào?
Kleinberger và Cunha, hai đồng nghiên cứu, cho biết, vẹt hoang dã có xu hướng kết đôi trong một đàn vẹt lớn hơn và làm hầu hết mọi việc, như cho ăn, rỉa lông, ngủ, đi du lịch và nuôi dạy con non trong nhóm xã hội này. Vì vậy, khi những chú chim này sống một mình như thú cưng với sự tương tác xã hội tối thiểu, chúng có rất ít thứ để làm dù có nhiều khả năng nhận thức.
Khi sống thành đàn và tận dụng trí thông minh của mình, vẹt có thể làm nhiều thứ khiến cho con người bất ngờ. Ví dụ vào năm 2018-2019, các nhà khoa học đã quan sát được sự "tiến hoá văn hoá" (cultural evolution) của một đàn vẹt thuộc giống Cacatua galerita. Mọi thùng rác ở Sydney thường đóng nắp, còn một con vẹt trắng tình cờ học được cách mở nắp thùng để trộm rác.
Sau đó, nó đã "mở lớp" dạy kỹ năng cậy thùng rác cho những con vẹt khác, và chúng lại tiếp tục "làm mẫu" để những con vẹt ở xa hơn có thể làm theo.
Các nhà khoa học đã thống kê được ít nhất 3 mô hình mở nắp thùng rác khác nhau từ những chú vẹt.
Mô hình thứ nhất, vẹt chỉ dùng mỏ kẹp lấy thành của thùng rác và hất lên. Mô hình thứ hai, vẹt ban đầu sẽ dùng chân để mở nắp thùng rác rồi mới dùng đến mỏ. Và mô hình thứ ba, vẹt dùng đầu của chúng trong giai đoạn đẩy nắp ra ngoài.
Ba cách mở nắp thùng này lại phân bố ở các khu vực địa lý tách biệt nhau. Và càng ra xa điểm phát tán ban đầu, các mô hình của mở nắp thùng rác của vẹt lại càng bị tam sao thất bản.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy sự lan rộng của kỹ năng này không chỉ dẫn đến việc hình thành nền văn hóa trong quần thể vẹt, mà còn có thể hình thành cả các nền văn hóa rẽ nhánh có sự khác biệt về mặt địa lý"- nhà nghiên cứu thuộc viện Hành vi Động vật Max Planck cho biết.
4. Công nghệ can thiệp sao vào đời sống của động vật?
Quay lại với những chú vẹt gọi điện video cho nhau, những người nuôi vẹt trả lời rằng hành động video call giúp ích rất nhiều cho vật nuôi của họ. Một số người chăm sóc cho biết vẹt của họ phản ứng với những người bạn trong video giống như cách chúng phản ứng với người hoặc chim thật. Một người cho biết chim của họ thậm chí còn gọi "Quay lại!" khi con chim khác bước ra khỏi màn hình.
Hầu hết người chăm sóc cho biết họ tin rằng chú vẹt của họ thu được nhiều lợi ích từ cuộc trò chuyện video hơn là chỉ đơn thuần thích thú. Một chú vẹt dường như đã tự tin hơn và bắt đầu bay nhiều hơn. Những chú vẹt khác dường như thư giãn hơn.
Trong khi những cuộc gọi video không thể thay thế tương tác xã hội thực, đây vẫn có thể là lựa chọn giúp tạo ra các mối quan hệ gần gũi giữa người-người, vẹt-vẹt. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng nghiên cứu này không phải cơ sở để mọi người chăm sóc lập tức cho thú cưng gọi điện với bạn bè.
Vì những chủ vẹt tham gia nghiên cứu đều được huấn luyện bài bản, và người chủ có nhiều thời gian chăm sóc thú cưng của mình. Họ luôn theo dõi xem vẹt có biểu hiện sợ hãi, tức giận hay không thoải mái để lập tức dừng cuộc trò chuyện nếu cần thiết.
5. Chúng ta hiểu gì về trí thông minh ở động vật?
Phía trên là hình ảnh một đôi ngỗng ở Trung Quốc tạm biệt nhau lần cuối trước khi con cái bị đưa đến một lò mổ. Hình ảnh nhận được sự đồng cảm của hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc, và cũng có nhiều phản ứng tiêu cực được gửi đến người nông dân sở hữu hai chú ngỗng này. Nhiều video cũng cho thấy các loài gia cầm có thể rơi nước mắt khi biết mình sắp bị giết thịt.
Có vô vàn ví dụ khác khiến con người phải đặt câu hỏi ngược lại về giả định của mình rằng động vật không trải qua các hiện tượng tâm lý (trí thông minh và cảm xúc) giống như người.
Trí thông minh của con người được cho là có sự kết nối với khả năng tự nhận thức chính mình. Theo Big Think, hầu hết các loài vượn lớn đã thể hiện khả năng nhận ra mình trong gương, cá heo và voi cũng vậy. Trước đây, khỉ Rhesus đã được dạy thành công để nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính chúng khi chúng không có khuynh hướng làm như vậy một cách tự nhiên, cho thấy rằng có lẽ, nhận thức về bản thân là một kỹ năng có thể rèn luyện được.
Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được rằng mọi loài động vật có xương sống đều có khả năng cảm nhận nỗi đau, nhờ sự tương đồng về hệ thần kinh của chúng. Nhưng vì các nghiên cứu chỉ tập trung vào việc liệu động vật có trải nghiệm cảm xúc tiêu cực đối ngược với tích cực, nên còn rất nhiều điều về đời sống nội tâm của các loài động vật mà con người chưa thể khám phá.
Với sự phát triển của các phương pháp nghiên cứu mới, con người dần thừa nhận sự phức tạp về nhận thức của động vật. Dường như, con người và thế giới động vật có nhiều điểm chung hơn những gì chúng ta kỳ vọng. Điều đó đặt ra muôn vàn vấn đề đạo đức mới có liên quan đến quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên.