06 Thg 10, 2020Thưởng ThứcUống

Vòng quanh thế giới qua một tách trà

Văn hoá thưởng trà vòng quanh thế giới.

Eira
Nguồn: Unsplash.

Nguồn: Unsplash.

Theo truyền thuyết, 6000 năm trước tại Trung Quốc, Thần Nông bị trúng độc 72 lần. Sau đó, một loại lá vô tình rơi vào miệng Thần (có dị bản kể loại lá rơi vào ấm nước Thần uống). Ngay lập tức Thần cảm thấy khoẻ lại và gọi loại lá thần ấy là ‘trà’. Đến hiện tại, tuy không có bằng chứng trà có thể giải độc, thần thoại này cho thấy tầm quan trọng của trà đối với người Trung Hoa. Họ rất tin vào những lợi ích về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần trà mang lại.    


Qua thời gian, trà là thức uống được khắp nơi trên thế giới yêu thích không chỉ vì ngon và tốt cho sức khỏe. Người ta thích uống trà (hay thậm chí 'đổ trà') vì nó là mang đậm nét đặc trưng văn hoá của nhiều quốc gia.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia sản xuất trà lớn nhất thế giới, chính là nơi hoàn hảo để chúng ta bắt đầu cuộc thưởng ngoạn văn hoá trà. Dù xuất hiện từ sớm trong văn hóa Trung Quốc, trà chỉ phổ biến vào triều đại nhà Đường (618-906 sau Công Nguyên).

Cha Dao’ (茶道 - Trà Đạo) tại Trung Quốc có thể được xem là văn hoá ‘tam giáo đồng nguyên’. Là sự tổng hoà ba hệ tư tưởng lớn Nho - Phật - Lão, Trà đạo Trung Quốc nhấn mạnh sự cân bằng, hài hoà, trọn vẹn và gắn kết với tự nhiên. 

Qua thời gian, từ tôn giáo, thưởng trà trở thành hoạt động xã giao và mang đậm bản sắc văn hoá. Hiện nay, trà vẫn luôn là thức uống được người Trung Quốc ưa chuộng bởi cách pha đơn giản, không cầu kỳ. Bạn chỉ cần pha lá trà với nước đã đun sôi, chờ trong vài phút và tất cả đã sẵn sàng.

Cách pha đơn giản là vậy, nhưng khi thưởng thức, bạn chỉ nên tập trung vào tách trà và không sử dụng điện thoại, không nghe nhạc, không nói chuyện. Vì đối với Trà đạo Trung Quốc, quá trình thưởng trà cần phải chậm rãi và có sự tĩnh tâm như thiền định.

Nhật Bản

Trà được du nhập Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 từ Trung Quốc và được sử dụng như bài thuốc chữa bệnh chủ yếu trong giới linh mục và tầng lớp thượng lưu. Mãi đến thời Muromachi (1333-1573), thức uống này mới được mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội ưa chuộng. 

Matcha (抹茶 - bột trà xanh) là loại trà trứ danh tại Nhật Bản. Ngoài ra, đất nước này có nhiều loại trà đặc sắc với hương vị độc đáo như trà Mecha, Ryokucha, Sencha hay Houjicha. Nhìn chung, mỗi loại trà tại Nhật Bản đều có hương thơm, vị hơi đắng cùng hậu vị ngọt dịu.

Triết lý về trà của Nhật Bản được xem là chuẩn mực với ‘Wa, Kei, Sei, Jaku’ tượng trưng cho ‘hòa hợp, tôn trọng, thuần khiết, yên tĩnh’. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nổi tiếng với Trà đạo cùng bộ quy tắc cực kì phức tạp. 

Nước pha trà luôn ở nhiệt độ 80-90℃, dụng cụ cần được làm ấm trước khi pha, trà được pha tối đa 3 lần và được phục vụ cùng bánh ngọt để cân bằng vị đắng,... là những nguyên tắc cơ bản của Trà đạo Nhật Bản. 

Trước buổi Trà đạo, gia chủ phải dành rất nhiều thời gian để thuần thục các nguyên tắc pha và thưởng trà. Vì vậy, Trà đạo Nhật Bản chính là phương tiện tạo sự gắn kết về mặt tinh thần giữa chủ nhà và khách trong không gian tĩnh lặng, trái ngược với nhịp sống hối hả bên ngoài. 

Việt Nam

Tuy khó có thể thể xác định thời điểm trà xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, sự xuất hiện của văn chương thời Trần về thú thưởng trà, đã giúp thức uống này trở nên phổ biến trong đời sống người dân.

Khác với văn hoá Nhật Bản hay Trung Quốc xem trà là ‘đạo’, đối với người Việt, thưởng trà là phong cách sống rất ngẫu nhiên và bình dị. Chính sự ngẫu hứng đó đã làm nên văn hoá thưởng trà Việt Nam đầy sáng tạo, cởi mở.

Người Việt thường dùng trà mộc - trà chưa được ướp với nguyên liệu để bảo toàn hương thơm tự nhiên của trà. Ngày xưa, để có nước tinh khiết dùng pha trà, người ta cẩn thận chắt nước từ sương đọng trên lá sen, búp sen từ khi mặt trời chưa lên cao. Ngoài ra, các bậc tiền nhân pha trà bằng nước mưa để hậu vị chén trà thêm ngọt. 

Ngày nay, việc thưởng trà được đơn giản hoá hơn rất nhiều. Pha trà đậm hay loãng, thưởng thức chậm rãi hay uống ừng ực, tất cả đều là sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, ‘chén trà là đầu câu chuyện’ vẫn luôn là giá trị bất biến: trà là thức uống gắn kết mọi người theo cách tự nhiên nhất. 

Anh Quốc

Nhắc đến nước Anh là nhắc đến văn hóa trà chiều nổi tiếng. Dù trước đó trà đã xuất hiện tại Anh, nhưng chỉ đến khi những hình ảnh quảng cáo về trà xuất hiện trên báo Mercurius Politicus vào năm 1658, trà mới thực sự được quan tâm và trở thành thức uống tại quốc gia này.

Theo sau sự phổ biến của văn hóa trà chiều, hàng loạt loại trà đặc trưng của Anh Quốc cũng xuất hiện. Có thể kể đến như trà Earl Grey, trà English Breakfast, trà Assam, trà Darjeeling,... Điểm chung của chúng là đều có hương vị đậm đà, màu nhạt và vị đắng và ngọt thanh.

Trà Anh Quốc thường được dùng với đường và sữa để giảm vị đắng của trà. Ngoài ra, nhiều người giải thích rằng do trà nóng sẽ làm vỡ hoặc hư hại tách sứ, người Anh thường cho sữa vào trước. Một podcast khẳng định rằng khi nói về văn hoá trà ở Anh, chỉ cần nói ‘trà’, mọi người đều hiểu đó là ‘trà sữa’. 

Hơn cả uống trà, văn hóa trà chiều ở Anh được xem là dịp để chúng ta cùng bạn bè, người thân quây quần bên bàn tròn, ăn bánh ngọt, uống trà ngon trong không gian ấm cúng và thân thiết.

Ấn Độ

Người Ấn biết đến trà từ giữa thế kỷ XIX và bắt đầu thói quen uống trà từ những năm đầu thế kỷ XX, sau khi người Anh thiết lập những nông trại trà đầu tiên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trà lại là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Ấn Độ.

Ấn Độ nổi tiếng với trà đen, trà Darjeeling, trà Wallah,... nhưng nổi bật nhất là trà Assam và trà Chai. Nếu Assam gây ấn tượng với hương mạch nha và độ đậm đặc, Chai khiến mọi người nhớ đến với hương vị tinh tế từ trà đen và các loại gia vị như tiêu, hồi, nhục đậu khấu,... 

Trong văn hóa Ấn Độ, thưởng trà còn được xem là một phong cách sống, là văn hóa và truyền thống. Các gia đình Ấn Độ thông qua việc pha trà để thể hiện tình cảm của các thành viên.

Thái Lan

Ngành sản xuất trà của Thái Lan được cho là xuất hiện vào đầu những năm 90 với nỗ lực thay thế đất trồng cây thuốc phiện của Chính phủ. Đến hiện tại Thái Lan đã phát triển và trồng được nhiều giống trà nổi bật như trà xanh, trà đen và được biết đến nhiều nhất là trà Thái ‘cha-yen’ được làm từ trà đen pha sẵn, phục vụ với đá.

Không chỉ phổ biến trong các nhà hàng Thái Lan, thức uống này vượt sang các lãnh thổ lân cận và là một trong những loại trà phổ biến nhất trên thế giới. Khác với vị thanh của các loại trà thông thường, trà Thái đậm đà và dự vị đọng lại luôn rõ nét.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục