10 Câu chuyện được quan tâm nhất trên Vietcetera năm 2021

Bài viết có chủ đề gì, thuộc series nào được độc giả "click" nhiều nhất trong năm vừa qua?
Phan Chung
Vietcetera.

Vietcetera.

Năm qua, Vietcetera cho ra lò nhiều bài viết chất lượng để phục vụ độc giả; trong đó, các câu chuyện thuộc series Tóm Lại Là, Cởi Mở, Thử Rồi Thích, Tan Chảy, Bổ Não... đã nhận được sự quan tâm và theo dõi của rất nhiều người đọc.

Lần đầu "lên sàn", các series Tỏ Tiền, The Money Date, Đầu Tư Từ Đâu, Chiếu Tướng... thuộc chuyên mục Tài Chính Cá Nhân cũng đón nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Những chủ đề được Vietcetera triển khai mỗi tháng như Thương Thân, Độc Thân Có *... cung cấp nhiều bài viết thú vị.

Trong khoảng 2000 bài viết được xuất bản trong 2021, Vietcetera đã tìm ra 10 bài viết được độc giả không chỉ đọc nhiều mà còn tương tác và bàn luận rôm rả. Những câu chuyện được quan tâm nhất có chủ đề gì, thuộc series nào? Cùng Vietcetera nhìn lại với danh sách dưới đây.

1. Cởi Mở: Tôi là phụ nữ, và tôi thủ dâm

Bài viết là lời "tự thú" của một phụ nữ trẻ, một người đồng tính nữ, một người khám phá bản thân mình và thế giới thông qua hành vi... thủ dâm.

Từ người tự ti, cho rằng chẳng ai thích mình, "chọn nhầm đối tượng", nhân vật chính đã khám phá khả năng rung cảm bằng cách tự thương thân, cả về mặt tình dục lẫn tâm hồn. Để rồi từ đó, cô học được nhiều điều, không chỉ chuyện tự thỏa mãn bản thân mà còn là giá trị khác trong cuộc sống.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

2. Thử Rồi Thích: Làm bụng nhỏ đi mà không cần giảm mỡ

Được chắp bút từ một "người ngoại đạo" (không thuộc team editorial), Lê Hùng Luận đã chỉ ra các bước làm nhỏ vòng bụng mà không cần giảm mỡ. Từ những thử nghiệm và kinh nghiệm cá nhân, tác giả đưa ra các bước đơn giản để có một vòng bụng phẳng hơn, hấp dẫn hơn.

Nếu bạn muốn kiểm chứng khả năng làm nhỏ bụng không cần "tác động vật lý" hay ăn kiêng, tập luyện tại phòng gym thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Riêng các editor vẫn đùa (mà thật) với nhau rằng, đây là bài viết "evergreen" nhất trên Vietcetera năm qua.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

3. Vì sao nên (và không nên) sống thử trước khi cưới?

Sống thử không mới cũng giống như những hiểu biết xung quanh lối sống này không bao giờ cũ. Bài viết "Vì sao nên (và không nên) sống thử" của tác giả Huyền Chip đưa ra cho độc giả góc nhìn chủ động, về lợi ích và hậu quả của lối sống này.

Không chỉ cung cấp thông tin đa dạng và khách quan bằng các căn cứ khoa học, bài viết còn là cách nhìn thấu đáo, là lời gợi ý và "nhắc nhẹ" nếu bạn muốn sống thử trước khi tiến tới hôn nhân.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

4. Ai là ai? Làm quen với 8 nhân vật kinh điển trên bàn thờ

Gen Z được xem là thế hệ "chọn tụ", tâm linh. Nhưng thay vì chỉ lĩnh hội những kiến thức từ phương Tây như Horoscope (cung hoàng đạo), Tarot... thì tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cũng đầy hấp dẫn, thú vị.

Bài viết được chắp bút bởi Cao Miêu, đưa ra thông tin đầy đủ với 8 nhân vật kinh điển trên bàn thờ của người Việt. Những cái tên quen quen như Ông Thần Tài, Ông Thổ Địa, Ông Công, Ông Táo... được trình bày gọn ghẽ và tinh tế. Có khi nào bài viết này nhiều "view" vì được... Tổ đãi?

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

5. 6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường

Toxic relationship (mối quan hệ độc hại) là điều không một ai mong muốn gặp phải trong cuộc sống. Nhưng có những điều độc hại (toxic) trong mối quan hệ mà chúng ta không biết, xem đó là bình thường?

Bài viết "6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường" không chỉ đưa ra các dấu hiệu mà còn phân tích, kèm những lời khuyên hữu ích để người đọc có thể nghiên cứu và áp dụng.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

6. Con nhà giàu vs. Con nhà nghèo: Phân tích từ góc độ giáo dục

"Không so sánh người xấu, kẻ tốt khi nhắc đến "giàu", "nghèo", bài viết này cùng bạn phân tích sự khác biệt về lựa chọn trong giáo dục để phát triển bản thân." Tác giả Chi Nguyễn viết như vậy trong lời mở đầu của bài viết, "Con nhà giàu vs. Con nhà nghèo: Phân tích từ góc độ giáo dục."

Ở bài viết này, tác giả đưa ra những góc nhìn và phân tích khách quan, không chỉ sự khác biệt giữa giàu - nghèo tác động lên giáo dục, mà còn ở hướng đi để vượt lên áp đặt của giai tầng xã hội.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

7. "Cái bao cao su bị rách, xong chị cũng quên bẵng đi..."

Ở Vietcetera, Tan Chảy luôn là series được các editor "săn đón" và cũng "đau đầu" bậc nhất. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện nhỏ lại mở ra một thế giới đặc biệt, cả người viết lẫn độc giả.

"Cái bao cao su bị rách, xong chị cũng quên bẵng đi..." là câu chuyện "báo động giả" có thai ngoài ý muốn. Bài viết còn là câu chuyện về tình mẫu tử, sự bao dung giữa các thành viên trong gia đình. Bài viết ngắn mà miên man, kết thúc bởi chi tiết bất ngờ, "Cái mùng 5 (Tết) vui nhất cuộc đời chị!"

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

8. Vì sao chúng ta thấy mình trong ảnh xấu hơn ngoài đời?

Còn "đau khổ" nào hơn khi chụp 7749 tấm ảnh nhưng mãi chẳng ưng ý được tấm nào? Bài viết của editor Trân Lê giúp độc giả "bổ não" khi trả lời câu hỏi: Vì sao chúng ta thấy mình trong ảnh xấu hơn ngoài đời?

Não sẽ tự động điều chỉnh để mọi thứ trông đẹp hơn đời thực. Chúng ta có xu hướng đề cao nhan sắc của mình hơn thực tế. Còn điều gì tác động lên não mà sao nhìn ảnh xấu thế? Bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết để hiểu thêm về chủ đề này.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

9. Adorkable: Phong cách sống kỳ quặc nhưng thú vị của Gen Z

Vì sao Gen Z dán sticker ngôi sao lên mụn? Vì sao họ thích trang phục như những năm 2000? Tất cả những điều đó chính là sự thú vị và hấp dẫn của Adorkable. Vậy Adorkable là gì? Vì sao Gen Z lại cuồng phong cách này đến vậy?

Adorkable chỉ cùng lúc trạng thái của Dorky (ngố tàu, kì quặc, hơi đụt đụt) và Adorable (đáng yêu, hấp dẫn). Bài viết của editor Diệp Khoa mang đến một góc nhìn thú vị về phong cách này của Gen Z. Thông qua đó, tác giả cũng đưa ra các nhận định về Adorkable ở Việt Nam và dự đoán tương lai của phong cách này.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

10. Khủng hoảng bản sắc (identity crisis) — Điều tất yếu để trưởng thành

Con người có bao nhiêu căn tính (identity)? Khủng hoảng bản sắc (identity crisis) là gì? Vì sao đây là điều tất yếu để trưởng thành? Nếu bạn thắc mắc, bài viết "Khủng hoảng bản sắc (identity crisis) - Điều tất yếu để trường thành là để dành cho bạn.

Mai Hoa, tác giả của bài viết không chỉ giải nghĩa mà còn đưa ra những góc nhìn tích cực, giúp người đọc tiếp nhận và xử lý trong quá trình trưởng thành.

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục