2 Cạm bẫy tâm lý thường gặp và cách khắc phục

Tại sao các cạm bẫy tâm lý lại ảnh hưởng tới sự sáng suốt trong quyết định của mỗi chúng ta? Và làm thế nào để khắc phục?

Ngọc Hà
 2 Cạm bẫy tâm lý thường gặp và cách khắc phục

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác phân vân giữa việc lựa chọn nên mặc gì vào hôm nay, nên ăn gì vào buổi trưa, và nên đọc sách hay xem phim vào buổi tối. Theo UNC-TC Science, trung bình một người lớn đưa ra khoảng 35,000 quyết định mỗi ngày. Một nghiên cứu khác của Đại học Cornell cũng chỉ ra mỗi ngày, chúng ta đưa ra khoảng 221 quyết định về việc lựa chọn thức ăn. 

Chúng ta thường tin tưởng vào khả năng của mình, nghĩ rằng quyết định của mình luôn đúng. Tuy nhiên, hầu hết những quyết định của chúng ta đều dựa trên cảm tính. Thêm vào đó là cảm giác mệt mỏi để lại sau một chuỗi quyết định trong thời gian dài.

Vậy có cách nào giúp ta vượt qua cạm bẫy tâm lý để đưa ra những quyết định sáng suốt và nhanh chóng hơn không?

Hiểu rõ những cạm bẫy tâm lý thường gặp

Confirmation Bias: Thiên kiến xác định

Thiên kiến xác định: bắt nguồn từ việc chỉ cho rằng suy nghĩ của bản thân là đúng, dẫn đến thiếu khách quan khi nhìn nhận vấn đề

Thiên kiến xác định là khi bạn cho rằng suy nghĩ của bản thân là đúng, bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm, tiếp nhận và ghi nhớ những thông tin củng cố cho quan điểm của mình mà không cân nhắc đến những quan điểm khác. 

Chẳng hạn, bạn tham gia lớp học yoga lần đầu, trong lúc tập luyện bạn nhận thấy có một nhóm các học viên khác đang ngồi ở góc phòng trò chuyện với nhau. Lúc phải tập động tác giãn cơ, bạn đang rất chật vật, cùng lúc ấy nhóm bạn ở góc phòng bật cười thành tiếng. Bạn sẽ chỉ nghĩ rằng họ đang cười mình rồi cảm thấy tự ti và xấu hổ. 

Trên thực tế, nhóm bạn kia không hẳn đã để tâm đến bạn. Còn bạn đang bị mắc bẫy của thiên kiến xác định khi cho rằng họ đang nhắm vào mình. Lối suy nghĩ này thường diễn ra một cách vô thức và tồn tại trong mọi mặt của cuộc sống, từ lựa chọn một món ăn cho đến lựa chọn bạn đời. 

Đây là một hiệu ứng tâm lý có thể che mờ đi lý trí và gây sai lệch trong quá trình nhìn nhận vấn đề. Nó cũng sẽ vô tình đưa bạn vào một hướng suy nghĩ thiếu khách quan, dễ đem đến cảm xúc tiêu cực

Decision Fatigue: Chứng mệt mỏi khi phải đưa ra nhiều quyết định 

Đây là chứng suy giảm khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và lành mạnh sau khi bạn phải đưa ra quá nhiều quyết định trước đó.

Theo nhà tâm lý học Roy F. Baumeister, tương tự việc cơ bắp dần kiệt sức sau khi vận động liên tục, não bộ của chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên điểm khác biệt là khi não bộ kiệt sức, bạn sẽ không hoàn toàn nhận ra được và chúng sẽ khiến bạn đưa ra quyết định thiếu sáng suốt.

Baumeister cũng giải thích rằng khi mệt mỏi, não bộ có mong muốn được “nghỉ ngơi” nên chúng sẽ dẫn bạn đến những “lối tắt” trong suy nghĩ.

Chẳng hạn vào buổi tối, sau khi bạn đã dành cả ngày tiêu hao chất xám vào công việc, bạn sẽ có khuynh hướng lựa chọn ăn ngoài (một ảnh hưởng xấu) thay vì về nhà nấu ăn (một việc làm tốt). Lúc này bạn không còn đủ tỉnh táo nữa, điều bạn muốn là một giải pháp tức thời. Decision Fatigue giải thích việc tại sao bạn lại đưa ra những quyết định chóng vánh mà bỏ qua viễn cảnh lâu dài.

Làm sao để thoát khỏi những cạm bẫy tâm lý?

1. Thay đổi góc nhìn – Luôn đặt câu hỏi 

Tập đặt câu hỏi trước mỗi vấn đề sẽ giúp chúng ta tránh được "cạm bẫy tâm lý"

Trước khi đưa ra quyết định, hãy tập đặt những câu hỏi cơ bản và lập một danh sách về mặt tốt lẫn mặt xấu của vấn đề. Bước này giúp tránh sự thiếu khách quan do tác động của cạm bẫy tâm lý.

Chẳng hạn, thay vì chỉ tập trung suy nghĩ xem món ăn nào sẽ tiện hơn, bạn có thể thử cân nhắc về những yếu tố như giá cả, thời gian và cách chúng tác động đến sức khỏe của bạn. 

2. Đưa ra quyết định quan trọng vào buổi sáng 

Buổi sáng là khoảng thời gian lý tưởng để đưa ra các quyết định quan trọng

Theo một nhóm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ người Argentina – María Juliana Leone và Mariano Sigman, khả năng đưa ra quyết định sẽ giảm dần trong ngày.

Vào buổi sáng, bạn sẽ tốn nhiều thời gian để đưa ra quyết định nhưng chúng có xu hướng chính xác hơn. Khi não bộ được nghỉ ngơi và hồi phục sau giấc ngủ, chúng sẽ dần loại bỏ những thông tin không quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn. 

Buổi tối chính là lúc não bộ bị quá tải thông tin và cần được nghỉ ngơi, đừng bắt chúng làm việc quá sức. Hãy dành thời gian vào mỗi buổi sáng khi bạn đang tràn trề năng lượng để xem xét lại một lần nữa, ắt hẳn bạn sẽ ít phải hối hận hơn sau đó.

3. Sống tối giản

Quá trình đưa ra quyết định là một quá trình tiêu hao năng lượng. Prince Ghuman (một người theo chủ nghĩa tối giản, giáo sư mảng Neuromarketing) giải thích rằng bên cạnh những quyết định mang tính trực giác, một ngày não bộ của con người chỉ có thể xử lý khoảng 75 quyết định cần quá trình suy nghĩ và phân tích kỹ lưỡng.

Nếu bạn dành quá nhiều thời gian đắn đo trong việc mặc gì hôm nay hay mang gì khi đi du lịch, bạn đang tiêu hao năng lượng cho những việc không quan trọng. Thay vào đó, bạn có thể tối giản số lượng quần áo trong tủ hoặc lên sẵn một danh sách những đồ cần thiết phải mang khi du lịch để áp dụng nhiều lần. Điều này sẽ giúp bạn chuyển hướng năng lượng và thời gian vào những quyết định quan trọng hơn. 

Tối giản không chỉ là một xu hướng. Sống tối giản đòi hỏi bạn sắp xếp lại những ưu tiên trong cuộc sống. Từ đó, loại bỏ những điều không quan trọng để tập trung vào những gì thật sự có ý nghĩa.

Hình ảnh trong bài được thực hiện bởi Nhi Thanh.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục