5 Đầu sách để hiểu và thương người Việt hơn
Bạn có tự hỏi rằng mình thực sự hiểu nơi mình sống, hay thắc mắc rằng tính cách dân tộc của chúng ta tới từ đâu, đang ở đâu và sẽ đi tới đâu? Trong thời đại "thế giới phẳng", khi ta luôn phải đối diện với câu hỏi về bản sắc, việc hiểu rõ về nơi mình sinh ra là một điều cần thiết.
Vietcetera xin giới thiệu đến bạn 5 đầu sách với những nghiên cứu sâu sắc về con người, bản sắc dân tộc Việt Nam theo nhiều góc nhìn.
Lãng du trong văn hóa Việt Nam - Hữu Ngọc
Hữu Ngọc được mệnh danh là “Nhà xuất khẩu văn hóa Việt ra thế giới". Ông “viết sách như người đi du ngoạn, ngắm cảnh đẹp hết chỗ này sang chỗ khác.” Lãng du trong Văn hóa Việt Nam thể hiện rất rõ tinh thần này: đầu sách là một cẩm nang văn hóa với ngòi bút ung dung, cách kể chuyện tự nhiên nhưng vẫn mang tính khoa học.
Sách đưa cho người đọc những bài viết ngắn thuộc 3 mảng lớn: Đất Việt, Lịch sử-Truyền thống, Văn hóa-Bản sắc dân tộc-Văn học-Nghệ Thuật. Sau này, sách được chia thành 3 tập riêng lẻ bởi NXB Kim Đồng, bạn đọc hứng thú với mảng nào có thể mua riêng tập đó.
Một trong những bài viết ấn tượng của đầu sách là “Tính cộng đồng của người Việt.” Tác giả bàn về tính cộng đồng trên đất Việt qua các nét như tích Thánh Gióng, lễ trầu cau, lối sống nhân dân lúa nước và các biến thể của nó qua các thời kì từ tiếp biến văn hóa Trung Quốc tới thời hiện đại. Tư duy liên ngành và khả năng kết nối các chủ đề khác nhau của Hữu Ngọc thể hiện rất rõ qua bài viết này.
Nếu muốn bắt đầu tìm hiểu bản sắc Việt Nam, Lãng du trong Văn hóa Việt sẽ là một lựa chọn phù hợp.
Người Việt: Phẩm chất & Thói hư-tật xấu - Nhiều tác giả
Từ sự phản hồi tích cực của độc giả với chuyên mục “Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu” của báo Tiền Phong, tựa sách cùng tên đã được ra đời. Sách tuyển soạn các ý kiến chân thành, có giá trị của các nhà văn, trí thức, người dân, và cả các em học sinh. Từng bài viết là từng câu chuyện thực tế về những tình huống thường nhật, những nhân vật bạn chắc hẳn đã chạm mặt ngoài đời, hoặc chính là mảnh gương phản chiếu một phần của bạn.
Sách đề cập đến nhiều thói xấu quen thuộc của người Việt như việc cổ xúy vượt đèn đỏ khi cảnh sát không nhìn, thói xả rác vô tội vạ, hiếu kỳ với những chuyện không nên.
Qua Người Việt: Phẩm chất & Thói hư-tật xấu, bạn đọc sẽ ngộ ra nhiều vấn đề cần can thiệp trong xã hội người Việt bây giờ. Bao gồm cả nguồn gốc của chúng, cùng cách nhìn nhận dưới nhiều góc độ như loại hình kinh tế, lịch sử phong kiến, câu nói truyền miệng.
Tuy vậy, cần phải nói rằng đây chỉ là một số góc nhìn về tính cách người Việt. Mục tiêu của cuốn sách không phải để chỉ trích, mà là để chúng ta nhận diện, hiểu, thương người Việt và cùng tìm cách tự sửa mình để tránh căn nguyên của các thói hư tật xấu.
Nghệ thuật ngày thường - Phan Cẩm Thượng
Phan Cẩm Thượng là một nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ nặng lòng với di sản văn hóa, tinh thần người Việt.
Nghệ thuật ngày thường là một series gồm 2 tập, tập hợp một số bài viết ngắn của tác giả khi ông nghiền ngẫm về những gì đã có, đang có và chưa có trong văn hóa-nghệ thuật hiện đại ở bối cảnh kinh tế thị trường và văn hóa toàn cầu len lỏi trong xã hội.
Cuốn sách đề cập tới các mặt nghệ thuật, văn hóa đời thường với góc nhìn tinh xảo, từ “Cái bát,” “Bún riêu cua chùa Nhạn Pháp,” tới “Văn hóa trên một mặt phẳng.” Giọng văn đời thường với những bài viết súc tích mang tính diễn đàn, thời sự khiến cuốn sách hấp dẫn với những bạn đọc muốn nhập môn văn hóa-nghệ thuật.
Mỗi một đều mục là một nội dung khác nhau, bạn đọc có thể tự chọn cho mình một nội dung bất kì khiến bạn hứng thú. Cuốn sách được viết nhẹ nhàng nhưng không kém phần thú vị, bởi mỗi bài viết là một sự chắt lọc kỳ công của tác giả.
Văn minh Việt Nam - Nguyễn Văn Huyên
Tác giả Nguyễn Văn Huyên là một trong những người Việt đầu tiên tổng hợp các nghiên cứu khoa học từ trong tới ngoài nước và đồng thời sử dụng phương pháp khoa học phương Tây để tiếp cận chủ đề văn hóa Việt Nam.
Trong tựa sách, Nguyễn Văn Huyên đã viết “Chúng tôi không có tham vọng biến cuốn sách này trở thành một tác phẩm nghiên cứu độc đáo.” Sự “độc đáo” này khiến tựa sách là một lựa chọn phù hợp cho những độc giả muốn tiếp cận văn hóa, xã hội, con người Việt Nam một cách toàn cảnh.
Văn Minh Việt Nam bao hàm một lượng kiến thức lớn, cô đọng trong mười hai chương về xã hội, văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiều phần đề cập tới xã hội đương thời nửa đầu thế kỉ XX, độc giả có thể tự kết nối, so sánh văn hóa người Việt đương đại với người Việt những năm 1930. Việc xã hội hiện tại đang đón nhiều ảnh hưởng từ toàn cầu hóa có một số nét song song với việc Việt Nam thời trải qua quá trình thuộc địa hóa.
Với cách tiếp cận khoa học và có hệ thống, tựa sách là một công trình nghiên cứu cô đọng những nét cơ bản của quá khứ, hiện tại; bóc tách nguyên do, hoàn cảnh. Rồi từ đó đề xuất, vạch ra đường hướng cho tương lai.
Văn Hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành - Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh
Lối hành văn khoa học và lượng kiến thức dày đặc trong sách được viết bởi ba thế hệ gia đình khoa học của nhà sử học Trần Quốc Vượng. Vì là một công trình khoa học, nên đây không phải là một tựa sách dễ đọc.
Sử dụng chủ đề văn hóa Việt Nam, cuốn sách dùng lối tiếp cận liên ngành để đưa văn hóa vào các bối cảnh địa lí, lịch sử, xã hội.
Khi bàn tới truyền thống văn hóa Việt Nam, tác giả Trần Quốc Vượng đặt bối cảnh Đông Nam Á và Đông Á, rồi từ đó phân tích nhiều mặt như địa-văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Trong khi phân tích mảng địa-văn hóa, giáo sư tạo một mối liên hệ hấp dẫn khi lấy huyền thoại Âu Cơ-Lạc Long Quân làm minh chứng cho bản sắc văn hóa có tính chất bán đảo của Việt Nam, với trăm trứng nở trăm con và một nửa ở đồi núi, một nửa ở sông nước.
Với cách tư duy mở, Văn Hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành là một công trình với nhiều suy ngẫm, nghiên cứu sâu về văn hóa nước ta, trải dọc qua các thời kỳ, các khu vực, và các mảng khoa học-xã hội.
Ngoài 5 cuốn sách được kể trên, bạn cũng có thể tìm đọc thêm Lĩnh Nam Chích Quái để hiểu về thần thoại Việt và một số tựa sách để tìm hiểu thêm những khía cạnh khác của văn hóa Việt Nam.