5 Vấn đề mà COP27 phải giải quyết trước khi "giải cứu" Trái đất

Những chủ đề nào có khả năng gây chia rẽ nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 27?
Sơn Hoàng
Nguồn: The National

Nguồn: The National

Hội nghị COP27 đã bắt đầu vào ngày 06/11 giữa khủng hoảng năng lượng, căng thẳng chính trị từ xung đột Nga-Ukraine, suy thoái kinh tế, khủng hoảng lương thực,... Bên cạnh đó, một số vấn đề khác có thể khiến việc trao đổi và thỏa thuận tại COP27 trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Hãy cùng Vietcetera bóc tách 5 chủ đề nóng tại hội nghị môi trường COP27 năm nay.

1. Khi các nước giàu ngại mở hầu bao

Tiền nong là một vấn đề đã dông dài từ hội nghị này qua hội nghị khác. Từ COP16 vào năm 2010, các quốc gia đã nhất trí về vấn đề chi trả tài chính cho các dự án chuyển đổi.

Các nước phát triển sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, và thực hiện các dự án giúp các nước đang phát triển từ bỏ nguồn năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang nền kinh tế xanh. Số tiền thống nhất là 30 tỉ đô trong giai đoạn 2010-2012, tiến tới tổng đầu tư 100 tỉ đô vào năm 2020.

Các báo cáo tài chính cho thấy các nước phát triển chưa hoàn thành những gì họ đã hứa. Những quốc gia như Mỹ, Anh, Phần Lan, Canada, Tây Ban Nha, Pháp, Đức,... đã không thực hiện mục tiêu đề ra, và có khả năng sẽ còn chậm trễ ít nhất cho tới năm 2023.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này tới từ chênh lệch lớn giữa khoản đầu tư mà các quốc gia đã hứa sẽ chi trả, với số tiền thực sự cần phải bỏ ra. Để khắc phục điều này, hội nghị COP26 vào năm ngoái đã có điều khoản tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho các nước đang phát triển.

Nhưng theo Politico, điều này dẫn tới vấn đề thứ hai: các nước phát triển chỉ muốn chi tiền nếu dự án có khả năng sinh lời. Tất nhiên, không phải dự án nào cũng có thể mang lại lợi ích lập tức dưới dạng tài sản vật chất, một số dự án như xây đập, trồng rừng,... còn gần như tương đương với sự cho đi không hoàn lại trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, những thảm họa thiên nhiên đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2022 khiến các nước phải chịu hậu quả như Pakistan đang liên tục kêu gọi chi trả tiền khắc phục thiệt hại. Đây cũng là một điều khoản đã được thống nhất tại các hội nghị trước, nhưng câu chuyện chi trả thế nào, bởi ai, và qua kênh nào thì vẫn còn mông lung.

2. Dầu khí và than đá: Bỏ thì thương, vương thì tội

Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đẩy châu Âu và thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Nó cũng khiến cho các nước phát triển phải đi tìm và dựa dẫm vào các nguồn dầu và khí tự nhiên tại châu Phi, khiến một số ít nước châu Phi đang khởi động hoặc tái khởi động những dự án khai thác dầu mỏ, khí đốt, và than đá.

Điều này vừa không hợp lý trên khía cạnh môi trường, vừa đi ngược lại với chính những hiệp ước trong các hội nghị trước. Thế nhưng ngay cả khi không có khủng hoảng năng lượng, khả năng cao nhiều nước châu Phi vẫn sẽ tiếp tục dùng dầu mỏ, khí đốt, và than đá để xây dựng nền kinh tế.

Đó là bởi “năng lượng bẩn” là nguồn năng lượng duy nhất họ có - đâu rồi những khoản đầu tư để chuyển hướng sang nền kinh tế xanh mà các nước phát triển đã hứa? Hơn nữa, làm sao các nước châu Phi có thể từ tốn và túc tắc chuyển đổi sang kinh tế xanh, năng lượng sạch khi mà vấn đề thiếu điện, thiếu năng lượng sinh hoạt còn đang thường trực mỗi ngày?

Đây chính là nghịch lý của các nước châu Phi. Họ rất muốn là một phần của trào lưu kinh tế xanh, và cũng mong cải thiện tình hình môi trường bởi họ là các nạn nhân trực tiếp. Thế nhưng những nước này vừa không có lựa chọn nào khác ngoài dầu mỏ và than đá, lại vừa được các nước phát triển khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng này.

Tất nhiên vẫn có những nước châu Phi kêu gọi chuyển hướng sang năng lượng sạch, với ví dụ nổi bật là Kenya. Nhưng có lẽ những quốc gia như Kenya kêu gọi từ bỏ và chuyển đổi không phải vì họ thực sự muốn, mà vì họ không có trữ lượng dầu và than đá lớn.

Cộng thêm việc giá năng lượng tăng do cuộc khủng hoảng, thì việc chuyển đổi là kế hoạch dài hơi khả thi nhất cho Kenya và nhiều quốc gia châu Phi.

3. Phát thải khí nhà kính: Chuyện không của riêng ai

COP26 đã ra quyết định rằng các nước thành viên của hội nghị sẽ phải cập nhật mục tiêu chống biến đổi khí hậu của mình, trong đó quan trọng nhất là mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Cho tới nay, trong số 193 thành viên, mới chỉ có 24 nước thực hiện việc này, trong số đó không có những quốc gia phát thải nhiều nhất.

Sự trễ nải này cho thấy hầu hết các nước thành viên còn chưa chắc chắn về kế hoạch hành động của chính mình trong vấn đề xả thải, cũng như những lời hứa mà họ có thể đặt ra tại hội nghị. Nhiều nước không tìm được cách cân bằng giữa việc sản xuất, phát triển kinh tế và giữ mức phát thải dưới quy định.

Trên thực tế, đã có những triển vọng cho thấy mục tiêu giảm phát thải có thể thành hiện thực. Tiêu biểu là việc Liên minh Châu Âu sẽ ngưng bán các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel, đồng thời đã có kế hoạch tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Thế nhưng sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến mục tiêu trở nên khó đạt được hơn bao giờ hết. Mỹ thúc đẩy sản xuất dầu để hạ giá xăng, sản lượng khai thác than đá tăng, và nhiều nước phương Tây rút khỏi các thỏa thuận về môi trường cũng như khí đốt. Thêm vào đó, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt vẫn xả khối lượng khí thải ngày càng lớn.

4. Tín chỉ carbon: Hay nhưng chưa hoàn thiện

Tín chỉ carbon là một trong những giải pháp đầu tiên để cân bằng giữa việc xả thải vì mục đích sản xuất với việc đầu tư bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Đây hứa hẹn là một chủ đề quan trọng tại COP27, bởi gần như tất cả các nước đều ít nhiều được lợi từ một kế hoạch hoàn thiện về tín chỉ carbon.

Một số nước cũng như tổ chức đã bắt đầu thúc đẩy việc buôn bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, giải pháp này đang chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng” hay “cơ hội” bởi những nhiều thiếu sót cần nhiều thời gian để hoàn thiện.

Mỹ đã chuẩn bị một bản kế hoạch mới cho chủ đề tín chỉ carbon để vận động sự ủng hộ của các nước tại hội nghị năm nay. Theo đó, kế hoạch này sẽ hút tiền từ nhiều công ty lớn trên thế giới để mua tín chỉ carbon, sau đó sử dụng số tiền ấy cho các hoạt động tái tạo năng lượng và thiên nhiên.

5. Những người “trốn họp” và “drama” chính trị tại COP27

Đối thoại và hợp tác là hai yêu cầu chính của COP27 lẫn những hội nghị quốc tế khác. Hai việc này chưa bao giờ dễ dàng, và tại COP27 lại càng khó khăn bởi những mâu thuẫn giữa các nước đã trở nên trầm trọng hơn do các diễn biến chính trị trong năm nay.

Mâu thuẫn đầu tiên: Nga đối đầu với gần như tất cả các nước còn lại, đặc biệt là Mỹ và đồng minh, do chiến dịch quân sự của mình tại Ukraine. Điều này có nghĩa là sự đối thoại và hợp tác với Nga có thể sẽ giảm mạnh, hoặc trở nên khó khăn hơn. Nga thì lại là nước gây ô nhiễm lớn thứ 5 trên thế giới và có vai trò lớn trong các hội nghị.

Việc hợp tác về năng lượng và môi trường giữa Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia phát thải và gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới - đang gặp phải đình trệ do căng thẳng chính trị liên quan tới vấn đề Đài Loan. Khả năng cao là hai quốc gia này sẽ hạn chế trao đổi trong thời gian hội nghị - một tín hiệu không tốt bởi đây là hai quốc gia đi đầu trong cải cách môi trường, năng lượng xanh, và công nghệ sạch.

Cuối cùng, có vẻ như một loạt các nguyên thủ quốc gia đang rủ nhau… trốn họp. Danh sách bao gồm nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Vua Charles III của Hoàng tộc Anh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Úc Anthony Albanese,... Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và phái đoàn Mỹ sẽ chỉ tham dự hội nghị kể từ tuần họp thứ hai.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục