Đích đến của tự nhận thức nên là chấp nhận bản thân
Khi đã đọc đến phần này, nhiều người sẽ bắt đầu ngẫm lại và nhận ra những cái bẫy ích kỷ trong tâm trí, lẫn những cảm xúc và suy nghĩ chẳng ra sao của mình. Họ bắt tay vào thực hành khám phá chính mình, cởi mở với mọi cảm xúc, để rồi rút ra được bài học chốt hạ: “Mình chỉ là một đứa tệ hại.”
Họ nhìn thấy được mọi sai sót của bản thân, biết rằng những thiên kiến và các cơ chế phi lý trí luôn diễn ra, và bắt đầu hiểu về những sao nhãng và cảm xúc yếu đuối trong mình.
Và rồi họ ghét tất cả những điều đó, dẫn đến việc ghét lây luôn chính họ.
Nếu bạn không thể chấp nhận mình, quá trình tự nhận thức trước đó chỉ lãng phí
Đổ lỗi cho chính mình chỉ vì những suy nghĩ và cảm xúc mà mình có không phải là đích đến của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trái lại, xu hướng này còn vô cùng nguy hại. Phán xét bản thân vì không thể xử lý cảm xúc ổn thỏa, vì có những suy nghĩ thiên vị và ích kỷ là một cái bẫy.
Khi nhận định như vậy, bạn có cảm giác như đang trong quá trình tự nhận thức và thấy thật tự hào khi nhận ra mình thiếu sót và tồi tệ như thế nào trước những người xung quanh. Nhưng không, đó không phải là đích đến. Việc tự nhận thức sẽ thật lãng phí nếu nó không giúp bạn chấp nhận được mình.
Nghiên cứu về seft awareness cũng chỉ ra rằng: nhận thức về bản thân không làm chúng ta hạnh phúc hơn mà chỉ khiến một số người đau khổ hơn. Bởi vì nếu tự nhận thức đi liền với tự phán xét, vậy thì bạn chỉ đang nhận thức rõ hơn những khía cạnh mà bạn đáng bị phán xét.
Những cơn bùng phát về cảm xúc lẫn những thiên kiến nhận thức này tồn tại trong tất cả chúng ta, tại bất cứ giai đoạn nào. Chúng hiện hữu trong bạn không có nghĩa bạn là người xấu, với người khác cũng vậy. Suy cho cùng tất cả chúng ta chỉ là con người mà thôi.
Đích đến của việc tự nhận thức nên là thấu cảm
Triết gia Plato từng nói, cái ác đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Những kẻ xấu xa nhất, tồi tệ nhất không phải do khuyết điểm của họ, mà bởi vì họ không chịu thừa nhận khuyết điểm của mình.
Tôi từng đọc một mẩu tin tức về thuyết âm mưu rằng tất cả những vụ xả súng hàng loạt đều được dàn dựng. Một trong số những người tin theo thuyết này còn tìm đến nơi xảy ra các vụ xả súng hàng loạt và đối chất với nạn nhân. Người đó đứng trước mặt cha mẹ của những đứa trẻ bị nạn và gọi họ là kẻ dối trá.
Tôi không thể tưởng tượng ra một định nghĩa về “xấu xa" hay “tồi tệ" nào hơn người này.
Tuy nhiên, sự xấu xa của người đó không phải là kết quả của lựa chọn có ý thức, mà chỉ là lựa chọn vô thức. Người đó không nhận thức được những điều bất hợp lý và lệch lạc trong suy nghĩ của mình, nghĩa là gần như chỉ đang ở cấp độ 1 của tự nhận thức.
Cấp độ 2 sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng những vụ bạo lực và vô nghĩa như xả súng hàng loạt có thể xảy ra xung quanh người đó, điều anh ta không thể kiểm soát được – cũng là điều khiến anh ta sợ hãi.
Và chắc chắn người đó vẫn cách rất xa cấp độ 3 – giai đoạn anh ta nhận ra rằng các thuyết âm mưu chỉ là một mạng lưới xâu chuỗi những niềm tin phi lý và nhận định bất khả thi, được thiết kế để bảo vệ chúng ta khỏi cảm giác bị đe dọa ở cấp độ 2.
Khi nhìn nhận theo cách này, bạn sẽ lấy làm tiếc cho anh ta. Bạn hiểu được anh ta phải chịu đựng tâm lý thế nào. Chính nó đã thôi thúc anh ta làm những điều kinh khủng với các nạn nhân thật sự.
Và một khi nhìn nhận được như vậy, bạn đã biết cách thấu cảm với người khác.
Thấu cảm chỉ có thể xảy ra khi bạn biết chấp nhận bản thân
Chấp nhận được những khiếm khuyết trong cảm xúc và tâm trí của mình, chúng ta mới có thể nhận ra điều tương tự ở người khác. Và thay vì phán xét hoặc thù ghét họ, bạn sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn với họ.
Khả năng thấu cảm và trắc ẩn không giải quyết được mọi vấn nạn trên đời, nhưng chắc chắn sẽ không khiến mọi thứ tệ hơn.
Có một câu nói tuy nhàm nhưng đúng, đó là bạn yêu thương bản thân chừng nào thì mới có thể yêu thương người khác chừng ấy. Nhận thức về bản thân cho chúng ta cơ hội để yêu thương và chấp nhận mình. Ừ thì đôi khi tôi thiên vị, tôi không xử lý ổn thỏa cảm xúc của mình, nhưng không sao cả. Vì tôi chấp nhận những thiếu sót đó ở bản thân, nên tôi có thể chấp nhận và tha thứ những thiếu sót đó ở người khác. Và chỉ như thế mới tồn tại tình yêu chân thành.
Nếu chúng ta từ chối chấp nhận mình như hiện tại, chúng ta sẽ lại rơi vào nhu cầu khiến mình sao nhãng. Tương tự, chúng ta cũng không thể chấp nhận người khác, và rồi ta tìm cách thao túng họ, thay đổi họ hoặc thuyết phục họ trở thành một kiểu người khác bản chất vốn có. Để rồi các mối quan hệ giữa người với người sẽ biến thành giao kèo có điều kiện, cuối cùng trở nên độc hại và tan rã.
Xem phần tiếp theo: Cân nhắc những thử thách thay vì chỉ ước mơ.