Điều gì xảy ra trong não khi đi bão?

Suốt 5 năm vừa qua, "đi bão" đã trở thành truyền thống ăn mừng chiến thắng độc đáo và khó phai của người yêu bóng đá Việt.
Hiền Lê
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Như vậy là huấn luyện viên Park Hang-seo chính thức kết thúc hành trình 5 năm với đội tuyển Việt Nam. Dù kết quả trận chung kết lượt về AFF Cup hôm 16/1 không được trọn vẹn, nó không thể phủ nhận những cống hiến to lớn của ông với nền bóng đá Việt.

Trong suốt 5 năm ấy, đội tuyển Việt Nam đã có nhiều chiến tích đáng nhớ, để người hâm mộ liên tục được "đi bão" hết mình. Người yêu bóng đá Việt đã "đi bão" từ cuối thập niên 90. Nhưng phải đến năm 2017, khi ông Park bắt đầu đồng hành cùng đội tuyển, chúng ta mới có nhiều cơ hội "đi bão" thường xuyên hơn.

Hình ảnh loạt người mặc áo đỏ, cầm cờ Tổ quốc chạy xe, đánh trống và hô vang khắp phố thực sự mang lại một cảm xúc khó tả, kết nối tinh thần người Việt trên khắp đất nước. Vậy sức hấp dẫn của “đi bão” đến từ đâu mà khiến bao người hào hứng tham gia, dù không biết nhiều về bóng đá hay thể thao?

Não “high” bởi âm thanh lớn khác thường

Khi đi bão, sự kết hợp của tiếng reo hò, động cơ xe máy, tiếng nhạc và kèn trống tạo nên môi trường âm thanh lớn hơn nhiều so với bình thường.

Theo nghiên cứu của Iannone (2006), âm thanh lớn (đặc biệt là âm nhạc với nhịp điệu nhanh, sôi động) kích hoạt hạch nền não (basal ganglia) - cơ quan phụ trách một phần cảm xúc và chức năng vận động con người. Nó cũng là một phần của mạch phần thưởng (reward circuit) - nơi sản sinh hormone endorphin khiến bạn hưng phấn hơn.

Một nghiên cứu khác của Todd & Cody (2000) cũng cho thấy, âm thanh lớn tác động mạnh lên túi tai (sacculus) - bộ phận kết nối với những phần não phản ứng với khoái cảm. Âm thanh lớn cũng lấn át các giác quan và khả năng tư duy logic. Điều này phần nào lý giải cho những hành vi mạo hiểm khi đi bão, như đua xe hay cổ vũ quá khích.

Đám đông vui thì mình cũng vui

Theo tạp chí Nature Human Behavior, con người vốn là một sinh vật xã hội, có xu hướng “điều chỉnh” suy nghĩ và hành động theo những người xung quanh. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc của cá nhân có thể được định hình bởi trải nghiệm cộng đồng.

Một ví dụ điển hình là cách công chúng thương tiếc sự ra đi của người nổi tiếng. Dù không quen biết họ, nhưng lời kể của số đông và không khí tang thương khiến bạn khó tránh khỏi cảm giác buồn bã. Là một phần của cộng đồng, bạn vô thức “đắm mình” vào nỗi buồn chung.

Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn đi bão. Bạn hô vang khẩu hiệu, múa cờ, đánh trống không phải vì hiểu biết hay yêu thích đội bóng, mà chỉ đơn giản là đang hòa nhập vào không khí chung. Trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là “niềm vui tập thể” (collective joy).

Trong nhiều trường hợp, bạn khó có thể ngồi yên khi thấy mọi người đều hào hứng ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nước nhà. Tâm lý FOMO khiến bạn không muốn bỏ lỡ trải nghiệm có một không hai đó.

Phép màu của hệ thần kinh gương

Trong bài Não làm gì khi ta đắm mình trong một trận đấu?, chúng ta đã hiểu sơ lược về cơ chế hoạt động của hệ thần kinh gương. Nhờ liên kết với vỏ não vận động (motor cortex) và hệ cảm giác thân thể (somatosensory system), hệ thống này tái tạo được trải nghiệm bạn đã thấy trong tâm trí, mang lại cảm giác chính bạn đang trải qua điều đó.

Nói cách khác, hệ thần kinh gương giúp bạn đặt mình vào vị trí của các cầu thủ, từ đó “sống” những khoảnh khắc của họ trên sân cỏ. Vì vậy khi đội tuyển quốc gia giành chiến thắng, bạn cũng sẽ cảm thấy vui mừng tột độ.

Theo chuyên gia tâm lý David Ezell, nếu đội nhà giành được thứ hạng cao, cảm xúc mãnh liệt của bạn sẽ kéo dài ngay cả khi trận đấu đã kết thúc. Điều này đã thôi thúc việc đi bão để ăn mừng cho chiến thắng của họ và của chính mình, bởi lúc này bạn và họ đã “hòa làm một”.

Bên cạnh đó, việc đội tuyển quốc gia vào chung kết một giải đấu tầm cỡ đã kích thích lòng tự tôn dân tộc ở hầu hết mọi người. Điều này khiến lượng lớn dopamine được sản sinh, khiến bạn phấn khích và trở nên “hướng ngoại” hơn. Đây là lý do đôi khi chúng ta vẫn đi bão, dù đội nhà có giành chức vô địch hay không.

Đi bão cần chú ý gì để “vui thôi chứ đừng vui quá”?

Đi bão không chỉ vui, mà còn là hình thức kết nối tinh thần người Việt Nam sau mỗi chiến thắng của đội nhà. Tuy nhiên vì không khí hào hứng và âm thanh lớn làm giảm khả năng tư duy logic, không ít người đã hành động mất kiểm soát, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Phổ biến nhất là đua xe hoặc dùng chất kích thích. Một số người còn sử dụng xe công an, xe chở rác, thậm chí… xe tang để đi bão. Số khác lại lợi dụng đám đông để truyền bá tư tưởng bạo loạn, kêu gọi hành vi quá khích không phù hợp. Bạn cần tránh xa các hành vi này.

Để đi bão an toàn, bạn nên lên kế hoạch trước cho cung đường định đi, tuân thủ đèn giao thông & chỉ dẫn của cảnh sát. Nếu về muộn, bạn cân nhắc xin nghỉ/tới muộn vào buổi sáng hôm sau để đảm bảo sức khỏe.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục