Khi ảnh riêng tư tràn lan trên mạng
Lo lắng, sợ hãi, và xấu hổ vì hình ảnh riêng tư của mình tràn lan trên mạng, Nhã nói dối mẹ rằng trường cho nghỉ sau kỳ thi, rồi nhốt mình trong phòng nhiều ngày liền.
Lưu ý: Tên nhân vật đã được thay đổi nhằm bảo vệ danh tính.
- Để thật sự “kết thân" với cậu bạn mình thích, Nhã phải thực hiện một số yêu cầu từ cậu. Trong đó, có cả việc chụp những bức hình nhạy cảm. Em nào có ngờ, những bức hình tưởng chừng chỉ giữa 2 người lại có ngày bị cậu bạn kia chia sẻ ra ngoài.
1 người, 2 người,... rồi toàn bộ học sinh trường em và trường cậu bạn kia đều biết.
Sợ hãi và xấu hổ vì ảnh riêng tư tràn lan trên mạng, em nói dối mẹ là trường cho nghỉ, rồi nhốt mình trong phòng nhiều ngày liền.
Lúc mẹ biết chuyện, em run rẩy hết người. Lời đầu tiên em nói với mẹ là “Con xin lỗi". Em tự trách bản thân ngu ngốc rồi kỳ thị chính mình.
Lúc bấy giờ, mẹ Nhã cũng bàng hoàng vô cùng. Ở nhà, chính mẹ là người dạy Nhã những kiến thức về xâm hại. Mẹ Nhã cũng là người thường xuyên tham gia hỗ trợ những đứa trẻ rơi vào tình huống tương tự ngoài cộng đồng. Vậy mà khi chính con mình trở thành nạn nhân, mẹ Nhã sốc đến mức không biết làm gì tiếp theo. Chính vì thế, mẹ đã tìm đến Hagar để được hỗ trợ.
Bước đầu tiên trong hành trình chữa lành là giúp hai mẹ con Nhã bình tâm trở lại. Hagar đã giúp cho mẹ Nhã ý thức rõ hơn về vai trò của mình trong sự việc này. Không chỉ là người giám hộ hợp pháp cho Nhã, mẹ còn là “lá chắn” để đưa Nhã đi qua nỗi đau này một cách an toàn nhất có thể.
Và Nhã - may mắn thay, khi em đã không từ bỏ cơ hội tiếp nhận sự giúp đỡ, từ mẹ và Hagar. Em dần chấp nhận rằng sự việc đã xảy ra. Em hiểu mình là người bị hại; mình xứng đáng được yêu thương và bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.
Với sự hướng dẫn của Hagar, mẹ Nhã đã làm việc cùng Cơ quan Công an để nhanh chóng ngăn chặn những bức hình lan truyền rộng hơn. Mẹ cũng đề xuất giải quyết sự việc trên tinh thần giáo dục, thay vì hình sự, bởi mẹ mong cả hai đều có cơ hội làm lại từ đầu. Cơ quan Công An cũng đã yêu cầu người giám hộ, học sinh ở 2 trường và đặc biệt là cậu bạn kia phải huỷ bỏ tất cả hình ảnh, viết cam kết dừng phát tán.
Song song đó, chị (với vai trò là nhà công tác xã hội) đã phối hợp cùng Chuyên gia Tâm lý trong những hoạt động trợ giúp cho Nhã 2 lần/tuần, bất cứ khi nào mẹ và em có nhu cầu phát sinh, trong suốt một năm, để em có được sự trang bị tốt nhất về mặt tâm lý và kỹ năng xã hội khi đối diện với sự việc.
Khoảng 2 tháng sau khi sự việc xảy ra, cảm giác tự đổ lỗi trong Nhã giảm dần đi. Em bắt đầu có niềm tin rằng mình sẽ sống vui trở lại, và em muốn được tiếp tục đến trường.
Để Nhã có thể yên tâm quay lại trường học, thầy cô trong trường cũng thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề và hậu quả của việc bắt nạt, xâm hại; cách ứng xử phù hợp khi phát hiện ra có bạn trong trường rơi vào tình cảnh như thế.
Về phía Nhã, em đã biết cách để kết nối lại với bạn bè. Trong trường hợp bạn bè trêu chọc, bàn tán, em cũng biết phải làm gì để bảo vệ mình khỏi những tổn thương.
3 năm đồng hành cũng Nhã, chị đã chứng kiến em ấy từng bước làm chủ được hoàn toàn cuộc sống của mình.
- Từng ấy thời gian hỗ trợ cho mẹ con Nhã, khoảnh khắc nào khiến chị nhói lòng nhất?
- Sau một tuần hỗ trợ, trong một cuộc trò chuyện, mẹ Nhã đã oà khóc lên: “Chị ơi, thật ra Nhã là con em, chứ không phải đứa trẻ ngoài cộng đồng đâu. Nhưng vì cảm thấy quá nhục nhã, em buộc phải nói như thế…”
Nhưng thật lòng mà nói, vấn nạn xâm hại nào phải câu chuyện của riêng ai. Sự xâm hại không phân biệt giai cấp, vùng miền - ở đâu cũng sẽ có những chuyện nằm ngoài ý muốn xảy ra.
Và nếu nhỡ ai trong chúng ta rơi vào tình huống như thế, hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Chúng ta xứng đáng đi qua sự việc đó một cách an toàn nhất, và có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Câu chuyện từ chị Nguyễn Thị Khôi, Cán bộ quản lý ca (Case Manager) của tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam.
Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.
An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.