Khi người trẻ học thích nghi với danh tính mới

Bố mẹ già đi, con cái trưởng thành đối mặt với rắc rối khi phải thích nghi với danh tính mới: vai trò người chăm lo cho bố mẹ.
Vy Lâm
An Ho @meaptopia cho Vietcetera

An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Trong một bộ phim hội tụ đủ bài học về mọi hình thái của yêu thương như Reply 1988, tôi lại nhớ nhất câu nói của nhân vật Sung Dong Il – bố của nữ chính Duk Sun: “Những người bố không tự động trở thành bố khi đứa con của họ chào đời. Đây cũng là lần đầu bố làm bố.”

Câu trải lòng này như lời giải sau cùng cho nhiều khúc mắc giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ có thể tìm hiểu kiến thức để nuôi dưỡng một đứa trẻ, có thể dự liệu được tốt xấu dựa vào những gì từng trải… Nhưng có thể vẫn không biết cách trao đổi phù hợp để con mình không nghĩ rằng “bố mẹ chẳng chịu hiểu cho con!".

Cảm xúc yêu - ghét đan xen từ đó hình thành, càng sâu sắc và khó ngó lơ hơn khi người con dần trưởng thành, còn bố mẹ dần già đi.

Lúc này, vai trò đảo ngược. Từ vị trí đón nhận, đứa con dần chuyển thành người trao đi sự chăm sóc. Với bất kỳ ai, đây đều là lần đầu với nhiều sự thay đổi và sai sót.

Lần đầu trở thành điểm tựa của bố mẹ, con cái cần thích ứng với danh tính mới

Danh tính (identity) bao gồm cách chúng ta nhìn nhận bản thân và cách chúng ta mong muốn người khác nhìn nhận mình. Nó liên tục dung hòa những vai trò, khía cạnh mới được phát triển theo thời gian và trải nghiệm để tạo ra một cảm quan ổn định về việc “tôi là ai".

Những người con trưởng thành khi dần đảm nhận vai trò chăm sóc bố mẹ thì cũng đồng thời bước vào một trải nghiệm mới. Thời gian cá nhân nhường chỗ cho thời gian bên gia đình. Việc chăm sóc bản thân dần chuyển thành chăm sóc cho bố mẹ. Quyết định về sự nghiệp và tài chính cũng dần hướng đến sự ổn định và lâu dài hơn, thay vì chú trọng vào trải nghiệm ngắn hạn và giá trị tinh thần như thời chưa phải âu lo. Nhiều người đã có gia đình riêng nay sẽ cần nhân đôi trách nhiệm.

Ngoài ra, nhờ yếu tố văn hoá ảnh hưởng từ Nho giáo vốn đề cao chữ hiếu, nhiều người đã chuẩn bị tinh thần cho vai trò này từ sớm. Nhưng một số khác lại không được lựa chọn thời điểm, đôi khi biến cố đột ngột xảy đến khiến họ phải hoán đổi chỉ sau một đêm. Cũng có người chưa sẵn sàng để đối mặt với thực tế rằng bố mẹ mình đang ở “bên kia sườn dốc", do đó họ trốn tránh trách nhiệm như một cơ chế đối phó.

Lần đầu đổi vai trở thành điểm tựa cho bố mẹ, nhiều người con khó tránh khỏi bối rối, lo lắng về mọi mặt, cả về tinh thần, thể chất lẫn tài chính. Tất cả những thay đổi đột ngột ở mọi khía cạnh khiến họ bị quá tải trước khi kịp thích ứng. Từ đó khủng hoảng hình thành, ngăn cản họ làm điều tốt nhất cho bố mẹ mình. Chỉ khi nhận thức và hiểu được những khủng hoảng mình đang phải đối mặt, họ mới có thể tìm ra được đâu là điều tốt nhất mình nên làm cho bố mẹ và cho bản thân.

Lần đầu tráo đổi vai trò, không ai kịp trao đổi điều mình muốn

Dù việc trở thành điểm tựa cho bố mẹ là một danh tính luôn ở trạng thái nhận sẵn nhờ truyền thống, hay phải chuyển giao dưới tình huống không thể dự đoán trước, thì những chênh lệch về mong muốn và suy nghĩ của cả hai bên vẫn luôn tồn tại.

Từ kinh nghiệm cá nhân, tác giả cuốn sách “Caring for Yourself While Caring for Your Aging Parents”, Claire Berman nhận ra rằng trong giai đoạn này, những cố gắng duy trì sự độc lập của bố mẹ ở tuổi già có thể sẽ trái ngược với những “đề xuất” mà con cái cho rằng sẽ tốt cho bố mẹ mình.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi và hội nhập văn hóa đang dần tạo ra một số khác biệt về quan niệm phụng dưỡng bố mẹ về già. Nhiều bố mẹ không đặt nặng trách nhiệm này lên con cái. Họ vẫn luôn nhắc nhở con mình về tình thân, quý trọng những lúc sum họp, những món quà yêu thương hay lời thăm hỏi từ con cháu. Nhưng không muốn hoàn toàn phụ thuộc vào con mình.

Họ vẫn chắc chắn về khả năng tự chủ của mình, nhưng con cái lại cho rằng bố mẹ mình vẫn chưa chấp nhận thực tế và đang đánh giá thấp sự an toàn của bản thân. Điều này dẫn đến những hành động bảo vệ thái quá khiến bố mẹ cảm thấy gò bó. Nếu như trước đây con cái ngán ngẩm với kiểu “bố mẹ trực thăng" (helicopter parent), thì nay lại vô tình trở thành phiên bản “helicopter children".

Trong giai đoạn hoán đổi vai trò, dù là bố mẹ hay con cái thì đều lần đầu bước vào vị trí của bên còn lại. Không ai ngay lập tức hiểu được đối phương cảm thấy thế nào, việc thay đổi vai trò này ảnh hưởng đến họ ra sao, và ý nguyện của họ là gì. Những quan tâm, lo lắng đều bắt nguồn từ tình yêu, nhưng ít ai nghĩ đến việc học yêu để giai đoạn này bớt đi tổn thương hay tranh cãi.

Làm thế nào để vượt qua rắc rối trong giai đoạn này?

Ở vị trí của người con, chúng ta nên làm gì?

Học cách mở lòng:

Có thể vì hoàn cảnh gia đình, hoặc vì chưa từng thấy bố mẹ thể hiện tình cảm với nhau bao giờ, hoặc vì một sang chấn tuổi thơ nào khác mà chúng ta không được dạy cách bộc lộ cảm xúc từ nhỏ. Do đó khi lớn lên, ta cũng quen với việc che giấu cảm xúc hoặc suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, mở lòng lại là cách giúp bạn kết nối với bố mẹ dễ dàng hơn, qua việc cho họ biết mong muốn, ý kiến, cảm nhận của mình, cho họ một cơ hội để lắng nghe và biết rằng bạn cũng sẵn lòng lắng nghe.

Hiểu hơn về mở lòng: Khi bạn sẵn sàng chấp nhận khả năng bị tổn thương

Học cách lắng nghe:

Hay chính xác hơn là lắng nghe để hiểu. Khi đó, bạn lắng nghe không phải để tìm cách trả lời, mà để thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của người nói, biết được điều gì thúc đẩy hành động của bố mẹ, từ đó động viên và hỗ trợ họ.

Phân biệt: Lắng nghe thấu cảm và 7 cách giúp bạn tập trung vào cảm xúc trong câu chuyện

Học cách thấu cảm:

Thấu cảm thường bị nhầm với cảm thông, tuy nhiên sự khác biệt giữa hai khái niệm này có thể tạo ra thay đổi lớn đến tình cảm gia đình. Cảm thông chỉ dừng lại ở việc thể hiện sự thương tiếc hay đau buồn, do đó nó tạo cảm giác xa cách. Còn thấu cảm lại đòi hỏi chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của bố mẹ, suy xét đến tình huống họ có thể đã trải qua, từ đó không xem nhẹ những cảm xúc hay vội phê phán hành động của họ.

Tìm hiểu thêm về: Thấu cảm và vì sao bạn cần nó cho mọi mối quan hệ của mình.

"Cứ để con!" là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.
Ngoài ra, hãy đón xem Talkshow Học Yêu by Prudential, được phát sóng cố định vào thứ 7 tuần thứ 3 mỗi tháng trên 2 kênh Facebook của Prudential và Vietcetera.
Tìm hiểu thêm tại fanpage Prudential Vietnam


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục