Toxic positivity: Tại sao tích cực không phải lúc nào cũng tốt?

Sự tích cực độc hại (toxic positivity) xảy ra khi những điều tích cực lại chính là thứ làm chúng ta trở nên tiêu cực hơn.
Ngọc Hà
Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Khi trải qua một điều tồi tệ, đã bao giờ bạn lắng nghe lời khuyên Hãy tích cực lên!” nhưng vẫn cảm thấy rối ren trước áp lực vô hình, cùng những khó khăn chưa được giải quyết?

Trên thực tế, sự tích cực không phải lúc nào cũng tốt. Việc cố gắng tỏ ra lạc quan khi cảm xúc bên trong không như vậy để lại nhiều hậu quả. Nó được gọi là “toxic positivity”, hay là sự tích cực độc hại.

Toxic positivity là gì?

Toxic positivity (Sự tích cực độc hại) chỉ việc quá tập trung theo đuổi những suy nghĩ tích cực và bỏ qua những cảm xúc khác. Nó dẫn đến sự từ chối, đánh giá thấp, và xem thường những cảm xúc cũng như trải nghiệm thật của con người.

Trong cuộc sống, sự tích cực độc hại hiện diện qua:

  • Câu nói "Bây giờ tụi bây sướng quá rồi, thời tao..." của người lớn mỗi khi bạn nói về áp lực của mình.
  • Lời bình luận “Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực” mỗi khi bạn gặp vấn đề.
  • Bạn tự thuyết phục mình "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi", nhưng làm thế nào để ổn thì bạn lại không biết.

Khi nào sự tích cực trở nên độc hại?

Suy nghĩ tích cực cho bạn niềm tin và hy vọng trong nhiều trường hợp. Nhưng chúng có thể trở nên độc hại khi một người:

  • Che giấu cảm xúc thật.
  • Cố gắng chịu đựng những điều mình không thích bằng cách gạt bỏ cảm xúc khó chịu của bản thân.
  • Chối bỏ trải nghiệm tiêu cực của người khác bằng những câu nói tích cực.
  • Cố gắng đưa ra quan điểm thay vì thấu hiểu cảm xúc của người khác.
  • Hạ thấp người khác khi họ có những cảm xúc không tích cực.
  • Loại bỏ những điều phiền muộn với suy nghĩ “Mọi thứ vốn dĩ là như vậy!”.
  • Cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc tiêu cực (giận dữ, xấu hổ, thất vọng,...) của bản thân.

Tác dụng phụ của việc luôn suy nghĩ tích cực là gì?

Hình thành cảm xúc thứ cấp

Cảm xúc thứ cấp (meta/secodary emotion) là phản ứng của bạn trước cảm xúc của chính mình. Ví dụ, bạn buồn bã sau khi chia tay người yêu (cảm xúc) và bạn cảm thấy xấu hổ vì chính điều đó (cảm xúc thứ cấp).

Theo nhà trị liệu tâm lý Carolyn Karoll, cảm xúc là một phần của trải nghiệm con người và chỉ tồn tại nhất thời.

Tự đánh giá bản thân vì những cảm xúc này dẫn đến những cảm xúc thứ cấp dữ dội hơn như xấu hổ, đau khổ, thất vọng, lo âu. Chúng khiến bạn bị phân tâm khỏi việc giải quyết vấn đề hiện tại và đánh mất lòng tự trắc ẩn.

Tăng mức độ của cảm xúc tiêu cực

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Jaime Zuckerman, sự tích cực độc hại thực chất là một cách chối bỏ những khó chịu bên trong. Khi bị chối bỏ, những cảm xúc tiêu cực dần trở nên lớn hơn vì mãi vẫn không được xử lý.

Đánh mất thông tin quan trọng

Cảm xúc có bản chất là một nguồn thông tin. Nó giúp bạn nhận biết điều gì đang diễn ra và cảm xúc của bản thân về sự kiện đó.

Việc lờ đi những cảm xúc tiêu cực, chẳng khác nào bạn bỏ qua đèn đỏ khi đến ngã tư. Lúc này, bạn sẽ thiếu đi dữ kiện góp phần giúp mình đưa ra quyết định đúng đắn.

Khó kết nối với người khác

Khi phủ nhận cảm xúc của mình, chúng ta dần mất kết nối với bản thân. Điều đó cũng khiến người khác cảm thấy khó liên kết với chúng ta hơn. Khi ấy, bạn đang cố tạo nên "vỏ bọc" rằng mình ổn và không cần đến sự giúp đỡ.

Ảnh hưởng đến động lực

Việc luôn suy nghĩ theo hướng tích cực đôi khi lại là con dao hai lưỡi ngăn bạn đạt được mục tiêu của mình.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người chỉ dành thời gian mơ mộng về một tương lai tươi sáng khi làm điều gì đó (giảm cân, tỏ tình với "crush"), sẽ có ít động lực để biến nó thành hiện thực hơn.

Bởi vì lúc này, viễn cảnh tích cực đã nằm ở trong đầu họ. Họ quá đắm chìm trong vào nó nên nghĩ rằng mình đã thực sự làm điều đó rồi.

Làm cách nào để tránh bẫy tích cực độc hại?

Chấp nhận cảm xúc của bản thân và người khác

Thay vì chỉ nhấn mạnh tư duy tích cực, công nhận những cảm xúc thật của mình là một cách giải quyết vấn đề tốt hơn và hạn chế được sự tích cực độc hại.

Hãy bỏ mọi thứ ra khỏi lồng ngực, bao gồm những điều tiêu cực, ngay cả khi điều đó không dễ dàng lúc đầu.

Thể hiện cảm xúc qua lời nói hoặc câu chữ làm giảm mức độ của sự buồn bã, tức giận hay đau đớn. Nếu được, hãy viết xuống hoặc chia sẻ với người bạn tin tưởng về cảm xúc của mình.

Tránh những lời động viên sáo rỗng

Những cụm từ như “Mọi chuyện sẽ ổn thôi" thường đem đến cảm giác tồi tệ hơn. Nó dập tắt cảm xúc tự nhiên và từ chối giải quyết các vấn đề triệt để. Thay vào đó, hãy kết hợp việc công nhận lời nói của mình ở thực tại.

Ví dụ, thay vì nói“Ê, mày vui lên đi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”, hãy nói “Cảm thấy buồn là chuyện bình thường. Nhưng mày có muốn thử làm chuyện gì khác không?”.

Biết rằng cảm xúc không phải lúc nào cũng rạch ròi

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Jaime Long, sự tích cực lành mạnh công nhận những cảm xúc thật. Nó không đòi hỏi việc chỉ được giữ một góc nhìn nhất định, tức là hai cảm xúc trái ngược nhau có thể cùng tồn tại.

Chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy buồn bã vì mất công việc yêu thích nhưng cũng rất hi vọng có thể tìm một công việc mới.

Khi bạn không còn đánh đồng những cảm xúc tiêu cực (buồn rầu, thất vọng, đố kỵ,...) là có hại và phải được loại bỏ, bạn sẽ có lòng trắc ẩn với chính mình hơn.

Nhìn nhận thực tế

Việc thừa nhận thực tế trong khi hướng đến sự tích cực giúp bạn cân bằng giữa việc suy nghĩ tích cực và nhìn nhận thực tế. Giáo sư Grabriele Oettigen tại Đại học New York đã đề ra phương thức WOOP, viết tắt cho:

  • Wish: mong ước
  • Outcome: kết quả
  • Obstacle: chướng ngại
  • Plan: kế hoạch

Cụ thể, hãy viết ra mục tiêu, kết quả tốt nhất khi đạt được chúng, những trở ngại và kế hoạch để vượt qua. Với phương thức này, bạn có thể duy trì sự tích cực và đồng thời hạn chế được tác động của sự tích cực độc hại.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục