Vì sao thời gian trôi lúc nhanh lúc chậm?
Thời gian từ thứ Hai bước qua thứ Tư luôn dài đằng đẵng, nhưng từ thứ Tư sang thứ Sáu chỉ như một cái chớp mắt. Vì sao lại có hiện tượng này?
Thứ Hai đã tệ, nhưng thật ra thứ Ba còn tệ hơn.
Thời điểm này trong tuần tạo cảm giác như đã cách Chủ Nhật tuần trước nửa cái xuân xanh, và cách ngày cuối tuần kế tiếp nửa cái xuân xanh còn lại. Thời gian từ thứ Hai bước qua thứ Tư luôn dài đằng đẵng, nhưng từ thứ Tư sang thứ Sáu chỉ như một cái chớp mắt. Càng không cần nói đến tốc độ thời gian vào cuối tuần.
Vì sao trong cùng một tuần mà chúng ta lại cảm thấy thời gian nhanh chậm khác biệt như vậy?
Khoảng cách thời gian ảo tưởng khi bước sang tuần mới
Não bộ sử dụng những manh mối về bối cảnh để phân nhóm các sự kiện. Những sự kiện có bối cảnh tương tự sẽ được gộp vào cùng một khoảng thời gian. Ví dụ, những gì xảy ra trong bữa tiệc sinh nhật sẽ được gộp chung thành một nhóm, và từ lúc bạn lên xe ra về sẽ được tách thành một nhóm khác.
Thứ Hai cũng đánh dấu một giai đoạn chuyển giao như thế trong não chúng ta. Bước vào văn phòng vào sáng thứ Hai, chúng ta đang thay đổi cả về địa điểm và thời gian biểu so với cuối tuần. Do đó não tự động tách riêng hai giai đoạn này, đồng thời cũng làm sai lệch cảm nhận về thời gian.
Vào thứ Hai, bạn đang trong quá trình chuyển đổi từ “chế độ cuối tuần" sang “chế độ đầu tuần" nên vẫn dễ dàng nhớ lại ký ức cuối tuần. Nhưng sang thứ Ba, quá trình chuyển đổi hoàn tất. Bây giờ bạn đã được lấp bởi ký ức của ngày thứ Hai, và chúng chặn lại con đường tìm về ký ức của cuối tuần trước, khiến bạn cảm thấy như thể ký ức đó cách rất xa. Đây là lý do hai ngày đầu tuần thường dài hơn so với thực tế.
Não bị quá tải bộ nhớ
So với cuối tuần chủ yếu là nghỉ ngơi, não của chúng ta phải xử lý nhiều thứ hơn trong những ngày làm việc. Thông tin nhiều và chi tiết hơn khiến thời gian dường như trôi chậm hơn vào đầu tuần.
Cuối tuần là thời gian thảnh thơi, độ đa dạng của hoạt động không nhiều, hầu như chỉ là những hoạt động dự đoán được: nghỉ ngơi, giải trí, giao lưu với bạn bè. Trái lại, đầu tuần dồn dập nhiều việc khác nhau và gần như không thể đoán trước. Chúng được mã hoá với độ chi tiết cao và chiếm nhiều dung lượng não hơn, do đó ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về thời gian.
Thời gian trôi chậm hơn khi ta chán
Các nhà nghiên cứu, dẫn dắt bởi nhà khoa học tâm lý John Eastwood thuộc Đại học York tại Ontario, Canada, định nghĩa buồn chán là "trạng thái ác cảm xảy ra khi bạn không thể tham gia vào hoạt động nào đó mình mong muốn".
Trạng thái ‘chán’ diễn ra khi sự tập trung không được phân bổ cho một nhiệm vụ cụ thể. Môi trường đơn điệu, thiếu tính kích thích như công việc trùng lặp, nhiệm vụ thiếu tính thử thách, bài giảng không có thông tin nào mới, giọng đọc đều đều,... là những tác nhân thường thấy của tình trạng này. Và những ngày đầu tuần thì không thiếu những yếu tố như vậy.
Khi đang tập trung vào công việc hoặc hoạt động gây hứng thú, ta thường không cảm nhận được thời gian trôi qua. Nhưng khi chán, ta bắt đầu chú ý đến thời gian còn lại và mong muốn tình trạng này nhanh chóng kết thúc. Bằng chứng là chúng ta liên tục tự hỏi “Bao giờ mới hết ngày?” “Bao giờ mới đến cuối tuần?”
Cảm giác này xảy ra như một vòng lặp: chúng ta càng chán thì càng chú ý đến tốc độ thời gian trôi và mong nó mau kết thúc, nhưng mong muốn này lại khiến thời gian như dài thêm.