Thứ Hai có gì mà ai cũng ghét? | Vietcetera
Billboard banner

Thứ Hai có gì mà ai cũng ghét?

Không chỉ đơn giản là kết thúc thời gian thảnh thơi và lao vào công việc, ẩn sau thứ Hai còn những điểm nào đáng ghét?

Thứ Hai có gì mà ai cũng ghét?

Nguồn: Shutterstock

Thứ Hai là “kẻ thù chung" mà toàn nhân loại luôn ngầm thừa nhận. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy tâm trạng của nhân viên công sở tệ nhất vào ngày này. Nghiên cứu của The Telegraph cho biết, trung bình tới tận 11 giờ 16 phút sáng mọi người mới nở nụ cười đầu tiên trong ngày thứ Hai, thời gian làm việc hiệu quả cũng sụt giảm khoảng 3 tiếng rưỡi. Một khảo sát với 2000 người còn thống kê được, họ dành 34 phút chỉ để than thở vào sáng đầu tuần, trong khi cộng hết của những ngày còn lại mới được 22 phút.

Morning chuyen cong so
Tâm trạng mỗi sáng thứ Hai trong một câu. | Nguồn: Facebook Chuyện công sở

Cảm giác chán ghét này mạnh mẽ tới mức từ tận tối Chủ Nhật nó đã bắt đầu nhen nhóm. Suy cho cùng, thứ Hai có vấn đề gì mà bị ghét diện rộng đến thế?

Khiến nhịp sinh học của bạn bị đảo lộn

Trong tuần, thường do bận rộn với công việc nên chúng ta thường khó ngủ sớm và đủ giấc. Đến cuối tuần, chúng ta càng thức khuya hơn vì chủ quan cho rằng sáng hôm sau không cần dậy sớm. Tuy nhiên, việc ngủ nướng vào cuối tuần sẽ khiến đồng hồ sinh học của bạn bị đảo loạn, không kịp điều chỉnh lại vào sáng thứ Hai.

Đồng hồ sinh học có thể dễ dàng xử lý khoảng 1 tiếng đồng hồ chúng ta “nướng” thêm trên giường, nhưng nếu lên đến 2-3 tiếng hoặc hơn, khả năng cao bạn sẽ khó ngủ vào tối Chủ Nhật và uể oải vào sáng thứ Hai

Tiềm ẩn nhiều "nguy cơ" bạn không thể kiểm soát 

Bất cứ điều gì trong giai đoạn ‘bắt đầu’ cũng khiến chúng ta e ngại. Thứ Hai – điểm bắt đầu cho một tuần mới cũng thế. Nếu thứ Tư là ngày bạn đã quen thuộc với môi trường và nhịp làm việc, thứ Năm và Sáu là ngày chạy nước rút và hào hứng với cuối tuần sắp đến, thì thứ Hai lại là ngày bạn mơ hồ trước những gì mình sắp sửa đối mặt suốt cả tuần. 

Đó có thể là bài kiểm tra mà chưa biết bạn có “trúng tủ” hay không, một dự án không biết bao giờ được duyệt, hoặc vừa mở mắt là thấy trời mưa tầm tã, email thúc giục từ khách hàng, một câu thả nhẹ của sếp “Bắt đầu từ tuần này tăng KPI em nhé". Ai mà biết được!

Hate Monday 1
Thứ Hai tiềm ẩn quá nhiều "nguy cơ" mà bạn không kiểm soát được. Một buổi họp sáng sớm không báo trước chẳng hạn? | Nguồn: Unsplash

Luôn bị so sánh với Chủ Nhật

Đó là sự so sánh giữa cảm giác tự do và cảm giác gò ép theo khuôn khổ; giữa niềm vui cho mình và cảm giác trách nhiệm với công việc. Nhìn là biết chúng ta sẽ nghiêng theo bên nào. 

Theo Ben Fanning, chuyên gia tư vấn sự nghiệp, thứ Hai khiến bạn cảm thấy mất tự do và khả năng kiểm soát bản thân. Bạn sẽ phải tiến hành kế hoạch do người khác đặt ra, các quyết định của bạn cũng phụ thuộc vào họ. Mà chẳng ai lại thích bị người khác bảo phải làm gì.

Lý do bạn ghét thứ Hai cũng có thể do niềm vui của cuối tuần quá lớn. Thử tưởng tượng rằng những ngày cuối tuần như sinh nhật của bạn — bạn là nhân vật trung tâm, được mọi người tặng quà và chúc mừng. Vô hình trung những ngày kế tiếp, dù không hề tệ, vẫn khiến bạn cảm thấy ‘chưng hửng'. Mối liên hệ giữa những ngày cuối tuần và thứ Hai cũng thế, nhưng nó được lặp đi lặp lại, dẫn đến một ấn tượng sâu sắc hơn.

Cho thấy bạn chưa cân bằng được công việc và cuộc sống 

Nếu bạn không thích công việc của mình, việc bạn ghét ngày thứ Hai (và lẫn những ngày khác) là chuyện dễ hiểu. Nhưng nếu bạn hứng thú với công việc của mình mà vẫn ngao ngán khi nghĩ về đầu tuần, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng quá sức. Cảm giác né tránh này là tín hiệu mà tâm trí lẫn cơ thể bạn đang cố truyền tải.

Theo chuyên gia tâm lí thần kinh Sanam Hafeez, “Cặm cụi làm việc cả tuần không ngơi nghỉ sẽ tạo ra hệ luỵ cho tinh thần và thể chất. Đến nỗi dù bạn có nghỉ ngơi vào Chủ Nhật thì vẫn chưa đủ để quay lại guồng công việc.” Thậm chí nếu tình trạng chán nản này diễn ra liên tục và nghiêm trọng, rất có thể đó không phải là căng thẳng đơn thuần mà là dấu hiệu của hội chứng “cháy sạch” (burnout).

Hate Monday 2
Nếu bạn đang làm việc quá sức thì hai ngày cuối tuần vẫn không đủ để bạn quay lại guồng công việc vào thứ Hai. | Nguồn: Shutterstock

Đại diện cho một sự chuyển giao không mong muốn

Đặc biệt với những người đang trong hoàn cảnh sống đặc biệt, mỗi lần chuyển giao giữa cuối tuần sang đầu tuần càng là một trải nghiệm khó khăn.

Chẳng hạn với những ai sống xa gia đình hoặc người thương, thứ Hai có thể là lúc nói lời tạm biệt. Hoặc với một đứa trẻ vừa chuyển trường, chuyển sang môi trường mới, mỗi thứ Hai trong thời gian đầu luôn là lúc bỡ ngỡ và lo lắng nhất. Những cuộc chuyển giao càng lớn thì càng dễ tạo ra nhiều lo âu và khiến họ muốn tránh né.

Vì xung quanh ai cũng ghét thứ Hai 

Bạn có thể thấy một bộ phim khá thú vị, nhưng khi nghe những lời phê bình của người khác, bạn sẽ bắt đầu xét nét hơn và không thích bộ phim ấy như lúc đầu nữa.

Đối với kẻ thù chung của loài người — thứ Hai cũng không ngoại lệ, đây là do hiệu ứng đám đông. Khi thấy cả thế giới than vãn, chán chường ngày thứ Hai trên khắp các trang mạng xã hội, dù có thể bạn không có hiềm khích gì nhưng cũng sẽ không vì thứ Hai mà chống lại cả thế giới.