5 Kiểu phân-biệt-giới mà ai cũng có thể trở thành nạn nhân

Hẳn chúng ta đều đã chứng kiến ít nhất 1 trong số 5 kiểu tư duy phân biệt này.
Đông Hà
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Phân biệt giới (sexism) được hiểu là những tư tưởng kỳ thị, định kiến chống lại một giới tính nào đó. Phân biệt giới buộc mỗi người phải gò mình vào những khuôn mẫu sẵn có, ví dụ đàn ông phải ăn to nói lớn, không được thể hiện sự yếu mềm. Phụ nữ cần nhẹ nhàng, duyên dáng.

Phân biệt giới có thể được thể hiện qua hành vi, lời nói, thái độ, tập tục truyền thống, thậm chí là luật pháp, chính sách xã hội.

Bất kỳ giới tính nào cũng có thể bị tổn hại bởi tư tưởng phân biệt giới tính. Tuy nhiên, trong xã hội, phụ nữ vẫn được ghi nhận là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Phân biệt giới cũng là nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng bất bình đẳng giới (gender inequality). Dưới đây là 5 hình thức phân biệt giới thường gặp.

1. Phân biệt giới thù địch (hostile sexism)

Định nghĩa

Phân biệt giới thù địch là sự ác cảm đối với một giới tính nào đó. Theo tờ Washington Post, phân biệt giới thù địch bắt nguồn từ niềm tin rằng phụ nữ muốn kiểm soát đàn ông. Người ủng hộ tư tưởng này cho rằng, khi phụ nữ được lợi, đàn ông sẽ chịu thiệt.

Tư tưởng ghét bỏ phụ nữ (misogyny) là một nhánh của phân biệt giới thù địch. Trong hệ quy chiếu của tư tưởng này, phụ nữ được gắn với những đặc điểm: biết thao túng người khác, nóng giận, có khả năng quyến rũ nam giới. Người ủng hộ tư tưởng phân biệt giới thù địch cũng khó chấp nhận những người nam có biểu hiện nữ tính: thích mặc đồ sặc sỡ, trang điểm. Trong mắt họ, đàn ông có ưu thế hơn phụ nữ và những người thuộc giới tính khác.

Biểu hiện

Biểu hiện của hostile sexism khá đa dạng. Đó có thể là coi thường năng lực nữ giới, vật hóa cơ thể, quấy rối tình dục, đổ lỗi cho nạn nhân bị tấn công tình dục.

Vài ngày trước, các nhóm chat 18+ của một nhóm nam sinh cấp 3 bị phát giác. Trong nhóm này, các thành viên bình phẩm về bộ phận nhạy cảm của bạn nữ. Những biểu hiện này là một phần của tư tưởng vật hóa phụ nữ (female objectification) - coi cơ thể phụ nữ như một món hàng hay một thú vui tình dục.

Gợi ý một số giải pháp

  • Với trường hợp phân biệt giới bằng lời nói, bạn có thể im lặng hoặc thể hiện một cách rõ ràng là bạn không thoải mái với những lời nói này. Nếu cảm thấy không nhất thiết phải công khai, bạn có thể để lại một tin nhắn. Phản kháng bằng hành động là cách để đối phương nhận thức được giới hạn của mình.

  • Kết nối với những người ủng hộ bình đẳng giới. Tính cách của chúng ta có thể bị tác động bởi môi trường sống, môi trường làm việc và cả những người mối quan hệ thân thiết. Hãy thiết lập một vòng tròn gồm những người nói chung một ngôn ngữ với bạn, và bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ khi cần.

  • Ủng hộ nữ quyền nhưng không chống lại nam giới. Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất về phong trào nữ quyền là cho rằng nữ giới được lợi thì nam giới chịu thiệt. Bản chất của nữ quyền là hướng đến bình đẳng giới. Nữ quyền cũng giúp đấu tranh để giải phóng cho cả nam và nữ.

Đọc thêm bài viết: Con trai thích trang điểm thì đã sao?

2. Phân biệt giới thiện cảm (benevolent sexism)

Định nghĩa

Phân biệt giới thiện cảm bắt nguồn từ cách xã hội nhìn nhận các vai trò giới truyền thống. Theo đó, phụ nữ được cho là có một số khả năng trội hơn đàn ông, như hiền hậu, đảm đang, giàu lòng trắc ẩn. Nhưng đồng thời, họ cũng bị gắn với một số tính cách nhạy cảm như: mỏng manh, cần sự chở che từ phái mạnh.

Ngoài mặt, phân biệt giới thiện cảm tạo cảm giác khen ngợi, trân trọng phụ nữ, nhưng lại vô tình buộc nữ giới vào hình mẫu yếu thế. Kiểu tư duy này khuyến khích họ phát huy những nét tính cách truyền thống. Ví dụ ở nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam, nhiều người quan niệm phụ nữ nên biết hy sinh, nhẫn nhịn, công dung ngôn hạnh.

Biểu hiện

Biểu hiện của phân biệt giới thiện cảm có thể là: Đánh giá nghề nghiệp (phụ nữ làm y tá, đàn ông làm bác sĩ); Đánh giá độ trưởng thành (con gái thường suy nghĩ thấu đáo hơn con trai); Đánh giá năng lực dựa trên vai trò trong gia đình (người vợ thường quản lý việc nhà tốt hơn người chồng).

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai từng nói về khẩu hiệu có nguồn gốc từ thời chiến “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mặc dù là khẩu hiệu khuyến khích khả năng quán xuyến, quản lý công việc của phụ nữ, nhưng nếu áp dụng một cách máy móc vào thời bình, sẽ trở thành một đòi hỏi không chính đáng.

Bởi lẽ, mọi người đều có ước mơ, quan điểm riêng. Phụ nữ, cũng như đàn ông, có thể dành năng lượng để kiếm tiền, số khác thì muốn làm nội trợ, chăm lo tổ ấm, có người thì chọn cân bằng cả hai. Quan trọng là họ được chọn cách sống mình mong muốn.

Gợi ý một số giải pháp

Giống với trường hợp một, bạn có thể chọn nói lên quan điểm của mình hoặc kết nối với những người ủng hộ quyền bình đẳng giới.

Nhà khoa học nhận thức Sian Beilock từng viết trên tờ Forbes, một trong những cách để cô giải quyết phân biệt giới ở nơi làm là công nhận thực lực của đồng nghiệp nữ.

Khi ai đó khen đồng nghiệp nữ: “Chị ấy làm việc ngăn nắp quá, quản lý công việc tốt như mẹ của tụi mình vậy”. Cô sẽ không vội hưởng ứng lời khen mà nhấn mạnh vào mặt thành tích, kỹ năng : “Năm ngoái chị ấy quản lý team sale tốt thật, doanh thu tăng chóng mặt”. Sian hiểu rằng việc gắn khả năng làm việc của phụ nữ với vai trò giới truyền thống là điều không nên làm. Mỗi người nên được công nhận dựa trên thực lực của họ, không phải vì họ là đàn ông hay phụ nữ.

Đọc thêm bài viết: Tóm Lại Là: Tại sao chúng ta vẫn cần thêm hoa hậu?

3. Phân biệt giới nước đôi (ambivalent sexism)

Định nghĩa

Khái niệm này được kết hợp bởi phân biệt giới thiện ý và phân biệt giới thù địch. Theo trang Cambridge, học thuyết về phân biệt giới nước đôi cho rằng, hai tư tưởng phân biệt trên không trái ngược mà bổ sung cho nhau.

Với tư tưởng phân biệt giới thiện cảm, phụ nữ được hưởng sự bảo vệ, che chở từ phái mạnh, nhưng ngược lại phải phát huy vai trò giới truyền thống (làm một người mẹ đảm, một người dâu ngoan). Còn phân biệt giới thù địch góp phần bảo vệ quy trình vận động này, nếu một trong hai có ý định đi lệch khỏi vai trò giới truyền thống, họ có thể bị kéo về guồng quay cũ.

Biểu hiện

Mô hình truyền thống “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có thể đặt gánh nặng lên nhiều cặp vợ chồng. Nếu cả hai bị tác động bởi tư tưởng phân biệt giới nước đôi, người chồng sẽ phải chịu áp lực tài chính - kiếm tiền nuôi vợ con. Anh có thể cảm thấy xấu hổ nếu không đi làm mà phải ở nhà lo chuyện nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Còn người vợ sẽ phải chịu áp lực chăm sóc gia đình, cô cảm thấy tự ti nếu không thể nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, hay quán xuyến tốt chuyện gia đình.

Đọc thêm bài viết: Việc nhà: Một người gánh, không ngã cũng nghiêng.

4. Phân biệt giới có tổ chức (institutional sexism)

Định nghĩa

Đây là sự phân biệt giới cấp hệ thống. Tình trạng phân biệt giới lúc này không chỉ giới hạn giữa các cá nhân, mà còn xuất hiện trong những cơ quan, tổ chức lớn. Phân biệt giới có tổ chức cũng có mặt ở các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục, ví dụ điển hình nhất là các bộ luật, chính sách lao động gây bất lợi cho phụ nữ, người chuyển giới.

Biểu hiện

Nếu làm việc trong các môi trường trên, phụ nữ hoặc người chuyển giới nữ khó có thể làm quản lý cấp cao, hoặc có lương thấp hơn so với đồng nghiệp nam cùng vị trí. Theo báo cáo của thời báo Tài Chính Việt Nam, nữ giới kiếm ít tiền hơn nam giới trong mọi loại nghề nghiệp, dù họ có giữ chức cán bộ quản lý cấp cao. Và 12% là mức chênh lệch lương trung bình của nam và nữ (năm 2015).

Một nghiên cứu trên 57 học giả và tiến sĩ ở Mỹ cho thấy, nhiều phụ nữ phải từ chối cơ hội tiếp tục sự nghiệp học thuật vì định kiến việc làm mẹ (motherhood) có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc của họ. Sau khi có con, phụ nữ bị ngờ về năng suất làm việc và khả năng tập trung, vì vậy cơ hội tiến xa hơn với sự nghiệp cũng gặp hạn chế.

Gợi ý một số giải pháp:

  • Tìm kiếm việc làm ở những môi trường tôn trọng sự đa dạng tính dục, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Hãy đọc kỹ các hợp đồng lao động, chính sách công ty để hiểu về quyền lợi của nhân viên nữ.

  • Tìm kiếm “đồng minh” ở nơi làm việc, đó có thể là những đồng nghiệp nữ khác. Nếu không chỉ bạn mà rất nhiều đồng nghiệp nữ cũng cảm nhận được sự phân biệt đối xử ở nơi làm, đã đến lúc bạn cần hành động.

  • Trao đổi thẳng thắn với bộ phận nhân sự.

Đọc thêm bài viết: Lời đùa của "cá mập": Khi nào vô hại biến thành độc hại?

5. Phân biệt giới tiếp nhận (internalized sexism)

Định nghĩa

Khi một người được nuôi dưỡng trong môi trường có thành kiến giới tính, không khuyến khích sự bứt phá, dần dần họ sẽ hình thành rào cản với chính bản thân. Đây được gọi là phân biệt giới tiếp nhận.

Biểu hiện

Thế kỷ trước, nhiều nghiên cứu chỉ ra bộ não của nữ giới không ưu tú bằng nam giới, khiến nữ giới không thể học các môn khoa học giỏi bằng các bạn nam, định kiến này đã tác động rất nhiều đến cách nữ giới nhìn nhận bản thân họ. Kết quả nghiên cứu trên về sau bị bác bỏ.

Báo cáo của Psychological Science năm 2018 cho thấy, nữ sinh học ngang bằng nam sinh ở các môn khoa học. Bài kiểm tra năng lực được thực hiện ở 67 quốc gia khẳng định, khả năng hoạt động của não bộ của nam và nữ là tương đồng, nữ giới không kém cỏi hơn nam giới và ngược lại.

Ngoài ra, một số biểu hiện khác của phân biệt giới tiếp nhận có thể là: Một người muốn theo đuổi khuôn mẫu mà xã hội đặt ra, dù không thực sự thích. Hoặc phụ nữ đánh giá bản thân dựa theo cách nhìn nhận của đàn ông.

Gợi ý một số giải pháp:

  • Hiểu rằng giá trị của bạn nên xuất phát từ việc bạn cảm nhận bản thân thế nào.

  • Không ngừng trau dồi bản thân, học hỏi và làm mới các giá trị của mình.

  • Để được truyền cảm hứng, bạn có thể theo dõi trang cá nhân của những người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, như tiến sĩ Nguyễn Phương Mai chẳng hạn.

Đọc thêm bài viết: Internalized Homophobia - Khi ta là vật cản giới tính của chính mình


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục