Lời đùa của "cá mập": Khi nào vô hại biến thành độc hại? | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 05, 2021
Truyền ThôngOpinion

Lời đùa của "cá mập": Khi nào vô hại biến thành độc hại?

Chuyện trên bàn nhậu, hãy giữ trên bàn nhậu. Đừng mang chúng lên mạng xã hội
Lời đùa của "cá mập": Khi nào vô hại biến thành độc hại?

Nguồn: Shark Tank Việt Nam

Bài viết thể hiện góc nhìn và trải nghiệm của tác giả.

Người trẻ phương Tây có câu thế này: Chuyện xảy ra ở Vegas, hãy giữ ở Vegas. Có nghĩa là những gì thác loạn xảy ra ở những nơi, vào những lúc vui đùa quá trớn, nên được cất nguyên ở đó. Đừng để lộ ra và cũng đừng mang về làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường.

Có những chuyện nói trên bàn nhậu cũng nên được mọi người nhắc nhau như thế: chuyện trên bàn nhậu, hãy giữ trên bàn nhậu. Đừng mang chúng lên mạng xã hội.

Từ bàn nhậu đến truyền thông

Tuần qua, mạng xã hội xôn xao vì những câu chuyện về giới. Tuần trước, cây bút kỳ cựu Nguyễn Hồng Lam có bài đăng tếu táo rằng điểm chung của Jeff Bezos và Bill Gates là trước khi bỏ vợ, cả hai đều rửa bát hằng ngày. Bài viết bị chỉ trích vì mang quan điểm định kiến giới nặng nề như: "Phụ nữ là vật cản vĩ đại nhất đối với lịch sử và sự tiến bộ. Các bà vợ có niềm vui chung là thích biến các ông chồng trí thức hay thiên tài thành người giúp việc hoặc kẻ sai vặt."

Tuần này, Shark Phú trong Shark Tank Việt Nam bị chỉ trích bởi lời nhận xét dành cho ứng viên tham gia gọi vốn rằng: “Em không cần giải thích gì thêm về business. Anh chỉ cần liếc mắt là biết business nào rồi. Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm. Anh đang quan tâm đến mỗi em thôi.” Chưa kể Shark Hưng còn kết luận: “Cứ xanh - sạch - xinh là xong.” Đây là đoạn hội thoại thiếu đứng đắn, thậm chí là quấy rối tình dục bằng lời nói.

Hai câu chuyện trên có những điểm chung:

  • Đều là những câu đùa.
  • Đều rất quen thuộc với người Việt. Người xem không ít người cười, chẳng nghĩ gì nhiều.
  • Và sau đó, họ giật mình khi phân tích và nhận ra tính nghiêm trọng của những câu đùa đó.

Những kiểu đùa như trên rất quen thuộc bởi nó xuất hiện trên bàn nhậu của người Việt, trong câu chuyện phiếm của những người đàn ông. Chúng vô bổ, thậm chí là độc hại ngay từ trong suy nghĩ chứ chưa cần nói ra.

Nhưng mọi chuyện sẽ trở nên độc hại gấp trăm lần khi họ rời bàn nhậu và mang theo mình những câu đùa cợt nhả lên sóng, và vô tình để sức ảnh hưởng của mình đẩy chúng đi xa.

Lằn ranh giữa vui đùa và độc hại

Khi thực hiện luận văn thạc sĩ về định kiến giới trên truyền thông Việt Nam, tôi nhận thấy khó khăn lớn trong việc đề cập đến vấn đề này là do xã hội chúng ta vẫn còn ranh giới mơ hồ giữa những câu đùa vô hại và những hành vi nghiêm trọng như định kiến giới hay quấy rối tình dục bằng lời nói.

Luật Bình đẳng giới của Việt Nam đã nêu rõ khái niệm: “Định kiến giới là nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.” Câu chuyện đầu tiên được liệt vào định nghĩa này.

“Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” của Uỷ ban Quan hệ lao động, Bộ Lao động — Thương binh và Xã hội định nghĩa “Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ.” Và đây là định nghĩa dành cho câu chuyện thứ hai.

Định nghĩa hay quy định đã rõ ràng. Thế nhưng, nhiều người vẫn tặc lưỡi rằng: “Đùa thôi, có gì phải nặng nề.” Vậy, để nhìn nhận sự việc đơn giản hơn, tôi mời bạn tưởng tượng rằng mình có một cô con gái. Bạn có muốn chứng kiến một người nam giới dùng những lời lẽ như thế với con gái mình không?

Nếu câu trả lời là “không”, thì những lời đùa đó đã bước qua lằn ranh và trở thành một lời xúc phạm.

Công chúng nay không còn dễ dãi

À, nếu bạn vẫn mơ hồ tìm ra cho mình lằn ranh đó, hãy tham khảo ý kiến của người khác.

Chuyện vui đùa kiểu này không phải lần đầu xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam. Trong mùa 1, khi đàm phán với ứng viên thuộc thương hiệu EmWear, các nhà đầu tư vô tư mang chuyện “đẹp, trẻ, khoẻ” ra để đàm phán và mặc cả.

Câu chuyện của anh Hồng Lam cũng không mới. Nhiều cây bút kỳ cựu có Facebook là một kênh đăng tải các bài viết sắc sảo cũng không ít lần mang những chuyện này ra để bông đùa.

Tuy nhiên, công chúng Việt Nam đã không còn dễ dãi.

Họ lên tiếng ngay sau khi chương trình phát sóng. Một loạt các bài báo cũng lên tiếng chỉ ra vấn đề này. Và dù post của anh Hồng Lam có 2,8 nghìn lượt tương tác thì bài báo phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai mang tên “Đàn ông hay đàn bà là vật cản của tiến bộ?” có tận 8 nghìn lượt tương tác và 1,9 nghìn lượt chia sẻ.

Tiếng nói phản đối đã mạnh mẽ hơn những tiếng cười xuề xoà.

Ai sẽ là người cần xin lỗi?

Nếu đội ngũ truyền thông của Shark Phú làm việc chuyên nghiệp, hay chính ông là người đáng kính trọng như hình ảnh tôi vẫn biết, mong ông sẽ sớm đưa ra lời xin lỗi. Và thích đáng hơn, chính ekip của Shark Tank Việt Nam cũng nên lên tiếng. Bởi chính sự chỉnh sửa, cắt dựng cũng như sự dễ dãi của họ trước những lời đùa thế này cũng sẽ vô tình dẫn dắt công chúng đến những văn hoá độc hại hơn.

Và sau những lời xin lỗi, điều quan trọng là những cơ quan và cá nhân sở hữu kênh truyền thông — hoặc đơn giản là tài khoản mạng xã hội của riêng mình — cần biết phân tách rạch ròi giữa chuyện đùa vô hại và lời bình độc hại, giữa chuyện vui trên bàn nhậu và phát ngôn trên truyền thông.

Chuyện trên bàn nhậu, hãy giữ trên bàn nhậu. Mà nếu thấy khó giữ quá thì tốt nhất đừng nói những chuyện như thế, kể cả trên bàn nhậu. Khéo lại mang tiếng “ra đường thì liếm mép, về nhà thì bặm môi.”