Art toys - Đồ chơi hay nghệ thuật?
Làn sóng art toys đã khuấy động cộng đồng sáng tạo Sài Gòn trong những năm vừa qua. Hàng loạt các triển lãm, những concept store bán ý tưởng liên quan về đồ chơi nghệ thuật hoạt động một cách sôi nổi.
Những studio độc lập như Ti Du, Cơm Hộp, Iku dần nhận được nhiều sự chú ý của giới sưu tầm art toys Việt với các món đồ chơi chất lượng cao, không hề thua kém những sản phẩm quốc tế.
Dù chỉ mới bắt đầu nhen nhóm nhưng đây là một thị trường đầy tiềm năng phát triển, trung hòa được sự sáng tạo và những đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta.
Art toys - Khối nhựa chứa đựng niềm vui
Công thức để tạo nên art toys hoặc designer toys được cấu thành từ 2 yếu tố: Nghệ thuật và đồ chơi.
Tính nghệ thuật của mỗi tác phẩm nằm trong cách nó được người nghệ sĩ thiết kế, từ hình dáng tới màu sắc. Mỗi món đồ chơi mang theo một câu chuyện nguyên bản, là kết quả của tính cá nhân và bộ não sáng tạo của nghệ sĩ.
Còn đồ chơi vốn là thứ đem lại niềm vui cho trẻ em, mang tính tương tác cao. Art toys cũng kế thừa những đặc điểm này khi nó mang đến cho người chơi cảm giác hào hứng của những đứa trẻ với bộ sưu tập đồ chơi thưở bé.
Cảm giác thỏa mãn khi săn lùng được món đồ mình thích hay tìm được món đồ hiếm, được truyền tải trong các hộp đồ chơi "blind box". Sự ngẫu nhiên và bí ẩn được che dấu trong từng chiếc hộp tạo ra sức hấp dẫn cho người sưu tầm.
Các món đồ chơi này đôi khi cũng được gọi bằng cái tên khác như “urban vinyl”, nhấn mạnh rằng đây cũng là một phương tiện truyền tải ý tưởng của nghệ sĩ chứ không đơn thuần là một vật để chơi đùa.
Không giới hạn chỉ ở nhựa hay vinyl, các designers sử dụng đa dạng các loại chất liệu để tạo nên tác phẩm của mình từ gỗ, đất sét, resin tới vải.
Để sản xuất ra một sản phẩm art toys nghệ sĩ phải có kiến thức về production design - thiết kế sản phẩm. Đây là lý nhiều mô hình art toy được sản xuất giới hạn, vì nghệ sĩ vừa là người thiết kế, vừa là người mày mò sản xuất.
Art toys của những ngày đầu tiên
Vào những năm 1950, làn sóng D.I.Y (do it yourself) nổi lên mạnh mẽ, đề cao sự nguyên bản và tính thủ công trong việc sáng tạo, phản đối chủ nghĩa tiêu dùng.
Trong cuộc chơi hiện đại, tình thần D.I.Y cũng thể hiện qua những mô hình Munny trắng tinh, được các nhà thiết kế “custom" lại theo ý thích.
Đây có thể coi là thời kỳ hậu Dada khi tinh thần của nó được truyền đạt mạnh mẽ qua sự nổi dậy của văn hóa punk, thể hiện qua các poster tự làm.
Những người trước đây vốn phụ thuộc vào chủ nghĩa tiêu dùng nay trở thành nhà sản xuất, tự làm các món đồ thủ công. Tương tự như vậy người nghệ sĩ cũng trở thành những craftsman - thợ thủ công, tự lên ý tưởng và tạo ra tác phẩm của mình.
Đến những năm 1990, Web 2.0 phát triển tạo điều kiện cho những người thợ này trao đổi và phát triển phong cách thiết kế của mình. Những món art toys đầu tiên được cho là xuất phát từ Đông Á cụ thể hơn là Hồng Kông, nổi bật là với 2 cái tên Eric So và Michael Lau.
Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong cách Hip Hop và nghệ thuật đường phố, những tác phẩm của Michael Lau thể hiện rõ điều này.
Cuộc chơi này sớm thể hiện sức hấp dẫn của nó, lan rộng sang Bắc Mỹ và phát triển mạnh mẽ tới bây giờ.
Tinh thần của art toys
Sự nguyên bản trong sáng tác
Nhắc đến sưu tập mô hình thì Nhật Bản hay đế chế Disney là thứ đầu tiên nhảy ra trong đầu nhiều người. Nền công nghiệp manga, anime của Nhật tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ các nhân vật được ăn theo các series ăn khách. Tương tự như vậy, Disney cũng tạo cho mình chỗ đứng riêng với những sản phẩm nhiều phiên bản của Micky hay các nàng công chúa Disney.
Vậy đâu là đặc điểm khiến art-toys nổi bật hơn hẳn so với những sản phẩm ăn theo?
Câu trả lời này trở nên đơn giản hơn khi ta quay về lý do tại sao người ta mua một mô hình. Khi mua một mô hình công chúa Elsa, người mua đã bị ảnh hưởng bởi câu chuyện đằng sau nó, một bộ phim. Nói theo lời của Paul Budnitz, nhà sáng lập của Kidrobot, thì bạn đang mua lại “ký ức của bộ phim.”
Còn khi sưu tầm một món art toys ta mua vì nó mang theo cảm thụ của nghệ sĩ, những thiết kế và minh họa riêng biệt, tách bạch khỏi thế giới của phim truyện đại chúng.
“Nếu bạn tạo ra một con đậu phụ biết đi, mặc đồ phi hành gia và cao 25cm thì thứ duy nhất bạn có thể thuyết phục người mua chọn chúng, không phải vì bất kỳ bộ phim nào, đơn giản là do nhìn nó kỳ cục dễ sợ luôn.” - Paul Budnitz.
Thay vì chỉ là một món đồ chơi thứ cấp, được chuyển thể từ những phương tiện vốn đã mang tính hấp dẫn khác (truyện tranh, phim, chương trình TV), art toys bắt đầu với hướng đi nguyên bản: một khối sản phẩm độc nhất, hòa quyện giữa nghệ thuật, thiết kế và đồ chơi.
Sự cộng tác có làm mất đi tính nguyên bản?
Các thương hiệu art toys nổi tiếng vẫn thường có những màn bắt tay với nhãn hàng, các phim ảnh nổi tiếng, vậy điều này có làm mất đi tính nguyên bản của art toys?
Thứ giữ lại sự nguyên bản này chính là “platform” - nền tảng hay hình thái của một sản phẩm. Với bearbrick là hình chú gấu, Kidrobot là thỏ Dunny, hay là gấu Qee của Toy2R.
Bằng cách phân chia ra “nền tảng” và thiết kế trên bề mặt, sự tương đồng về thị giác của những hình tượng nổi tiếng bị xóa mờ, giữ lại nét nguyên bản cho art toys.
Với “platform", thay vì một nhân vật chỉ có một bộ mặt, một món platform toy có thể có hàng ngàn bộ mặt, dựa trên sức sáng tạo của designer.
Dù có những thay đổi về thiết kế, đặc điểm nhận dạng của những món đồ này, hình dáng của nó vẫn không thay đổi. Đồng thời bản chất của designer, thiết kế và áp dụng lên sản phẩm, nổi bật trên những phương tiện này.
Tại sao lại là art toys?
Tại sao nghệ sĩ lại sản xuất art toy và tại sao người lớn thích sưu tầm art toy?
Một bên là người sáng tạo, một bên là người sưu tầm nhưng cả 2 đều là kidult - những đứa trẻ trong hình hài người lớn.
Cảm giác hoài niệm và sự kết nối cảm xúc với đồ chơi của thời thơ ấu tạo ra cảm giác ấm áp, an ủi những người lớn, như cái cách mùi hương gợi lên ký ức. Mối quan hệ của người lớn và đồ chơi cũng tương tự như vậy.
Rất nhiều nghệ sĩ art toys ở Việt Nam như Ti Du đã chia sẻ rằng cô bắt đầu với bộ môn này khi lỡ yêu đất sét và yêu việc sưu tầm đồ chơi từ bé.
Đối với Liar Ben, chủ của Cơm Hộp, anh cũng yêu thích những món đồ chơi mang âm hưởng retro của Mỹ và Nhật trước khi tự tạo ra món đồ chơi nghệ thuật của riêng mình.
Rất nhiều những họa sĩ minh họa, designer hay cả những writer graffiti trong quá trình sáng tác đều tự mình xây dựng một nhân vật riêng, với những cá tính và câu chuyện phản ánh chân dung nghệ sĩ. Hiện thực hóa bức tranh nhân vật từ 2D lên 3D khiến việc tiếp xúc và cảm nhận nhân vật trở nên thực hơn hết.
Cái chạm, cầm, nắm, cảm nhận tình cờ tạo ra sức nặng và sự lan tỏa của các nhân vật này khi nó đánh thức đứa trẻ bên trong mỗi người, mở ra cánh cửa giải thoát cho những người lớn bận rộn.
Vậy cuối cùng art toys có phải là nghệ thuật?
Designer toys khởi nguồn từ những ký ức về các món đồ chơi thuở bé, chuyển mình thành một loại hình nghệ thuật cao hơn, định hình vị trí của mình trong thế giới nghệ thuật.
Năm 2014, Pharrell Williams với tư cách một giám tuyển đã mở ra triển lãm This is not a toy, với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn như Kaws, Kidrobot hay Yoshimoto Nara. Triển lãm cho ta cái nhìn toàn cảnh về cách mà art toys tiến hóa và song hành cùng với nghệ thuật thị giác.
Paul Budnitz, khi được hỏi rằng liệu art toys có phải là nghệ thuật, anh đã không ngần ngại mà gật đầu. Anh tin rằng cũng như cái cách mà thời trang đường phố bước vào thế giới của thời trang cao cấp, thì mỹ thuật và văn hóa đại chúng đang ngày tới gần với nhau hơn.
Câu hỏi rằng liệu đây có phải nghệ thuật hay không, nhiều phần nằm ở trong con mắt đánh giá của người thưởng thức. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng ngày càng nhiều người đem lòng yêu mến những món đồ chơi này, đặc biệt những người yêu sự sáng tạo.
Còn với nghệ sĩ, họ vẫn chỉ đang làm công việc của mình và để cho những tác phẩm tự trả lời cho câu hỏi lớn.