Dada - Đủ ngây thơ để cảm thụ nghệ thuật | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Dada - Đủ ngây thơ để cảm thụ nghệ thuật

Sự mất niềm tin sau thế chiến thứ nhất đã khiến thế giới định nghĩa lại văn hóa và văn minh, mà tiên phong là những người nghệ sĩ của phong trào Dada.
Dada - Đủ ngây thơ để cảm thụ nghệ thuật

Nguồn: Kurt Schwitters, Difficult, 1942-43 Marcel Duchamp bên tác phẩm Bicycle Wheel, 1913, Wat is Dada?, Théo van Doesburg, 1923

Dada là một phong trào nghệ thuật đi ngược lại những giá trị xã hội, chính trị và văn hóa đương thời. Nó khởi nguồn từ một nhóm các nghệ sĩ lưu vong đến Thuỵ Sĩ những năm đầu thế kỉ 20 để phản kháng nổi lên với bản tuyên ngôn chống lại chính quyền.

Nếu như các trường phái nghệ thuật khác thường được đặt tên theo nhà phê bình, Dada là trường hợp duy nhất được đặt tên từ chính những người nghệ sĩ.

Cho đến ngày nay, lịch sử ghi chép lại của các phong trào nghệ thuật vẫn nhắc đến Dada như một sự phản kháng lại tất cả các hệ tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Người ta ngợi ca Dada không chỉ bởi những thành tựu trong 100 năm ngắn ngủi, mà còn ở tinh thần của nó.

Màu sắc của Dada trong nền hội hoạ và điêu khắc

Những họa sĩ nổi tiếng theo trường phái này đã cố gắng làm rõ ý tưởng của mình bằng nguyên tắc mới lạ. Tiêu biểu có thể kể đến như: Modigliani, Kandinsky, Apollinaire, Marinetti hay Picasso.

Một trong những họa sĩ nổi bật của Dada phải kể đến Jean Arp. Ông cũng là người khám phá kỹ thuật của các nghệ sĩ theo phong trào nghệ thuật Dada một cách tích cực và sáng tạo hơn.

Jean Arp, Untitled Compositions (a pair of works), 1963

Mặc dù các tác phẩm của ông đều là sự phóng đại về mỹ học và không mấy được lòng các nghệ sĩ khác trong hội. Điều họ ngưỡng mộ ở ông lại là việc sử dụng ngẫu hứng các thành tố trong tác phẩm.

Raoul Hausmann nổi tiếng với một bức họa có tên “Spirit of Our Time". Đây là một tác phẩm điêu khắc ẩn dụ cho sự bất lực của chính quyền Đức lâm thời, trong việc đưa ra những quyết sách nhằm phục hưng đất nước.

Raoul Hausmann châm biếm những người ủng hộ một xã hội mà ông cho rằng đã mục ruỗng. Ông coi họ như những kẻ “không còn tiềm năng để khai thác, đầu óc rỗng tuếch”.

Bức họa “Spirit of Our Time" Raoul Hausmann châm biếm những người ủng hộ một xã hội mà ông cho rằng đã mục ruỗng.

Qua con mắt của Dada, tất cả nghệ thuật từ quá khứ đều mất đi giá trị. Các tác phẩm hội hoạ của Dada là tuyên ngôn của một nền dân chủ cho phép nghệ sĩ trau dồi kỹ năng trong quá trình khám phá thế giới.

Một Dada táo bạo trong nghệ thuật thị giác

Sự pha trộn màu sắc cá nhân với tác phẩm thông qua việc kết nối thông điệp với thế giới thực tại đã được các nghệ sĩ Dada thực hành trong những sáng tác của mình.

Thông qua những bức ảnh cũ hay câu chữ từ các tờ báo những nghệ sĩ như Raoul Hausmann, Hannah Hoch, John Heartfield, George Grosz đã thể hiện tinh thần châm biếm chính trị của mình.

Tác phẩm “ABCD” của Raoul Hausmann được mô tả như một “bài thơ dạng poster”.

Một trong những tác phẩm nghệ thuật cắt dán phổ biến nhất thuộc Dada phải kể đến “ABCD” của Raoul Hausmann. Nó được mô tả như một “bài thơ dạng poster”. Năm 1916, Hugo Ball đã tuyên bố rằng: “Tôi đã tạo một loại hình thơ mới, “một loại thơ không cần câu chữ, hay một loại thơ âm thanh...”.

Ngoài ra, với Kurt Schwitters, ông đã tạo ra hàng loạt tác phẩm cắt dán và bộ sưu tập ‘Merz’. Những tính chất ban đầu đều bị thay thế bởi ông đã sử dụng nguồn nguyên liệu đường phố. Ông đã tỉ mẩn tạo nên các bức tranh bằng cách lựa chọn nguyên liệu dựa theo hình dáng, màu sắc, kết cấu và hình thức.

Kurt Schwitters, Merzbild 1A (The Psychiatrist), 1919

Đây cũng chính là điều mà Dada luôn hướng tới trong tuyên ngôn về nghệ thuật của mình khi tin rằng mỗi người đều có tiềm năng làm nghệ sĩ và mọi thứ đều có thể trở thành nghệ thuật

Dada và những dấu ấn ở nghệ thuật Việt Nam

Những ảnh hưởng của Dada trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam tuy không nhiều nhưng vẫn được các nghệ sĩ khai phá và thử nghiệm trong các sản phẩm của mình.

Ở Sài Gòn, vào năm 2006, một triển lãm Graffiti tên “Ranh giới mong manh" của các nghệ sĩ đường phố đã được tổ chức, với những tác phẩm hướng đến tính thẩm mỹ đường phố và cấu trúc phá vỡ những định nghĩa trước đây.

Lấn sân sang lĩnh vực thiết kế, Dada ảnh hưởng trong những nét cọ siêu thực của Chú Môi, các sản phẩm của chú Môi được lấy cảm hứng và những tuyên ngôn nghệ thuật của Dada, pha trộn giữa cũ và mới, giản đơn và độc đáo.

Màu sắc Dada trong những tác phẩm của Chú Môi

Trong âm nhạc, tinh thần thơ ngây và phản nghệ thuật của Dada đã được các nhạc sĩ của nhóm Gỗ Lim đưa vào trong các sáng tác của mình bằng một hướng tiếp cận hoàn toàn mới (Nguồn: saigoneer.com). Lời bài hát của Gỗ Lim được kết hợp từ những ám chỉ, hư từ, chơi chữ, sáng tạo trong cấu trúc. Điều đó đã làm nên những câu hát tưởng vô nghĩa nhưng lại mới mẻ rất riêng.

Từ “Dada vô nghĩa” đến Dada với tất cả ý nghĩa

Tristan Tzara - một trong những thành viên chủ chốt của phong trào đã viết ở tuyên ngôn về Dada năm 1918: “Dada means nothing.” - Dada không có nghĩa là gì cả.

Bạn luôn có thể định nghĩa và hiểu Dada bằng sự ngây thơ và tưởng tượng của riêng mình. Nhưng dù hiểu theo cách nào, Dada cũng đã tạo ra một sân chơi nơi người nghệ sĩ có thể tự do sáng tạo mà không bị ảnh hưởng bởi những giá trị truyền thống sẵn hay chế độ chính trị.

“Dada means nothing.” - Tristan Tzara

Xét cho cùng, đó cũng chính là điều mà sau Dada 100 năm đến nay, nhân loại luôn kiếm tìm ở nghệ thuật. Rằng cây cầu nối giữa thực tại và những giá trị nghệ thuật đôi khi chỉ là sự ngây thơ đủ để cảm nhận mọi thứ trong mỗi chúng ta.