Khi Kiên kể hết: Con Giời
Kiên (hay Kiên Trịnh) là một ca sĩ, nhạc sĩ Indie đến từ Hà Nội. Sau EP Tôi Detail Tôi, anh phát hành album đầu tay có tên Không qua loa 8 (2021). Kiên được khán giả yêu thích với những bài hát như Thế Kỉ 21 Buồn, Quả Tim Màu Lửa, Con Giời…
Không chỉ “quẩn quanh” trong giới Indie, Kiên bắt đầu sáng tác cho những ca sĩ mainstream. Trong đó, những ca khúc như Cung Đàn Vỡ Đôi, Thiên Đường Cô Đơn trở thành hit, thu hút sự quan tâm của khán giả.
Chủ đề trong các sáng tác của Kiên rất đa dạng, từ nhỏ nhặt như tập thể dục đến chuyện yêu đương, thế giới quan của người trẻ. Đặc biệt, chủ đề về người mẹ và tình mẫu tử rất được anh quan tâm. Ngoài Mẹ Không Có Gì, bài hát Con Giời viết tặng mẹ của Kiên được khán giả yêu thích.
Kiên sáng tác Con Giời trong hoàn cảnh nào?
Khoảng thời gian mình viết Con Giời là lúc mẹ bắt đầu phải thường xuyên nhập viện cấp cứu. Mẹ mắc một căn bệnh liên quan đến não nên hay bị đau đầu. Trước đó, mẹ đã phẫu thuật và tạm thời ổn định. Vài năm sau, biến chứng từ cuộc phẫu thuật bắt đầu xuất diện, khiến mẹ rất mệt mỏi.
Mình không bỏ được hình ảnh mẹ trong bộ quần áo bệnh nhân ra khỏi đầu. Mình bị ám ảnh, bởi cả tình trạng sức khỏe chuyển yếu của mẹ và cảm giác một đứa trẻ luôn cần mẹ bên cạnh.
Mình bắt đầu làm quen với việc mẹ vắng nhà. Mình tự hỏi bản thân, ngôi nhà sẽ như thế nào nếu không có hình bóng mẹ ở đó? Mình muốn lưu lại những ký ức quen thuộc nhất về mẹ và bài hát Con Giời ra đời.
Ngoài câu chuyện về mẹ, cảm hứng để Kiên sáng tác Con Giời còn đến từ đâu?
Mình muốn bài hát Con Giời có nét gì đó của âm nhạc Hồng Kông ngày xưa, cụ thể là âm nhạc của ca sĩ, nhạc sĩ Châu Kiệt Luân.
Mình đặc biệt ấn tượng với một bài hát Hãy Nghe Lời Mẹ của Châu Kiệt Luân. Những bài hát về mẹ hay nhất thường út hoa mỹ, sến súa; hay vào đó đời thường, bình dị. Mình đã viết một bài hát như vậy từ câu chuyện của bản thân và từ cảm nhận về bài hát của Châu Kiệt Luân.
Kiên nghĩ sao khi một số khán giả bình luận rằng, Con Giời là bài ca mắng con của những bà mẹ?
Mình không có ý định sáng tác bài hát toàn lời mắng mỏ của một người mẹ. Sau khi hoàn thành Con Giời, mình mới vô tình nhận ra điều này.
Chúng ta xem phim Âu - Mỹ thường thấy các bà mẹ ôm con mình vào lòng và gọi họ là cục cưng. Nhưng cách thể hiện tình cảm của những người mẹ ở Việt Nam và phương Đông khác hơn rất nhiều. Họ thể hiện tình yêu với con cái qua hành động, không phải lời nói.
Mình không nghĩ rằng, việc con trai thể hiện tình cảm với mẹ là yếu đuối. Phải chăng, tư tưởng này khiến nhiều người ngại đề cập và thể hiện tình cảm đối với mẹ của họ?
Cũng vì thế mà lời ca của bài hát Con Giời gần gũi và trực diện thay vì những ví von, ẩn dụ?
Mình thường dành một khoảng thời gian để nghe lại ca khúc sau khi viết. Có những bài hát, giai điệu là linh hồn, là phần cảm xúc nhất. Cũng có những bài, ca từ là phần trung tâm, quan trọng nhất. Riêng bài Con Giời, mình thấy cảm xúc và tâm đắc nhất là ở câu chuyện, lời ca.
Mình triển khai bài hát Con Giời rất trực diện và rõ ràng, không có quá nhiều tầng nghĩa sâu xa trong ca từ. Trong sáng tác, mình thường đơn giản hóa mọi thứ, ít sử dụng phép ẩn dụ hay nhân hóa trong viết lời. Đến nay, mình vẫn yêu thích cách viết lời ca theo cách thẳng thắn như vậy.
Bản phối Con Giời rất đơn giản, mộc mạc nhằm hướng cảm xúc của người nghe vào ca từ?
Mình làm theo bản năng của người sáng tác là để cảm xúc dẫn đường. Giai điệu, bố cục bài hát Con Giời gần như đã có sẵn trong đầu mình từ trước. Khi cảm xúc đến, mình không cần "dùng não" quá nhiều để sáng tác.
Thực ra, mình đã lên rất nhiều ý tưởng khác nhau khi sản xuất bài hát. Có lúc, mình muốn phần âm thanh hoành tráng. Tuy nhiên, qua một vài thử nghiệm, mình thấy điều đó trở nên thừa thãi. Sự mộc mạc sẽ tạo ra không gian và cảm xúc để khán giả hòa vào bài hát này.
Đây là lý do khiến cho Con Giời chạm đến khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau?
Người đầu tiên chúng ta nghĩ đến mẹ khi thất bại trong tình yêu, chán nản trong công việc, lạc lối trên đường đời. Mình sáng tác bài hát Con Giời, muốn khơi gợi cảm xúc về tình cảm gia đình, mẹ con là vì thế.
Những người không còn mẹ sẽ hiểu cảm giác thiếu vắng, trống trải. Cảm giác đó sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời, không bao giờ mất đi. Chúng ta có thể tập làm quen nhưng không thể xóa mờ sự thiếu vắng đã khắc sâu này.
Đã đến lúc Kiên nghe lại bài hát mình viết tặng mẹ?
Từ lúc mẹ mất, mình chưa dám nghe lại bài hát vì nó khơi gợi quá nhiều cảm xúc. Mình sợ bài hát gợi lại bản năng đứa trẻ cần mẹ trong mình. Điều này sẽ ảnh hướng đến cuộc sống của mình, ở cả những hoạt động nhỏ nhặt thường ngày.
Phải mất một thời gian nữa, mình mới dám nghe lại bài hát. Bây giờ mình vẫn còn một lỗ hổng trong cuộc sống vì cảm giác vắng mẹ. Khi đã quen và suy nghĩ nhẹ nhàng hơn, mình sẽ nghe lại Con Giời.