Làm sao để tự tin ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi?
Đôi khi đọc những câu chuyện về người thành công để đi tìm cảm hứng, nhưng rồi lại… tụt hứng khi biết họ vốn có xuất phát điểm tốt. Họ sinh ra trong gia đình no đủ, học trường tốt, được tạo điều kiện cho phát triển từ nhỏ. Như vậy thì bảo sao mà họ không tự tin, trong khi không phải ai trong chúng ta cũng có những điều kiện như vậy?
Nhận định này không sai, và sự “tụt mood” đi kèm với nó cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, ngay cả khi ở trong điều kiện không mấy lý tưởng, ta vẫn có thể tự tìm cho mình cơ hội phát triển. Và trên thực tế, không ít người thành công cũng xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn.
Vậy làm sao để trong hoàn cảnh bất lợi, ta vẫn “là mình”, vẫn rèn được lòng tự tin và tìm cơ hội phù hợp? Tiến sĩ Scott Fritzen, Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam, sẽ đồng hành cùng bạn để tìm câu trả lời trong tập 32 của EduStation.
Tiến sĩ Fritzen từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các trường đại học ở Mỹ, Trung Quốc và Singapore. Ông từng đến Việt Nam làm nghiên cứu vào giữa thập niên 90, cũng như hợp tác với Liên Hợp Quốc trong nhiều dự án quan trọng.
Một người trẻ cần gì để tự tin?
Theo tiến sĩ Scott Fritzen, để giúp một đứa trẻ (hay một người trẻ mới lớn - young adult) có được sự tự tin, phải tạo được sự an toàn về tâm lý trong môi trường họ sinh sống hay học tập, làm việc. Họ phải thấy an toàn thì mới cởi mở với thế giới, từ đó mới khám phá được tiềm năng của chính mình mà trở nên tự tin hơn.
Bản thân Tiến sĩ Fritzen cũng áp dụng triết lý này khi điều hành Đại học Fulbright. Ở nơi này, cả chương trình chính lẫn hoạt động ngoại khóa được thiết kế đủ an toàn để sinh viên cởi mở, nhưng không quá thoải mái để khiến các bạn “kẹt” trong vùng an toàn. Bởi để tồn tại trong một xã hội thay đổi quá nhanh như hiện tại, các bạn cần học cách thoải mái với thay đổi, cũng như thích nghi với tốc độ phù hợp cho riêng mình.
Bên cạnh đó, với Tiến sĩ Fritzen, môi trường an toàn còn xuất phát từ sự đa dạng. Chẳng hạn ở môi trường Fulbright, sinh viên đến từ nhiều vùng miền, dân tộc khác nhau, từ đó học hỏi và thấu hiểu sự khác biệt về phong tục tập quán, lối giao tiếp… thông qua các dự án nhóm. Điều này vừa giúp các bạn hình thành trí thông minh văn hóa, vừa để hiểu rằng vấn đề nào cũng cần sự hợp tác của nhiều người mới có thể giải quyết.
Về chương trình học, sinh viên sẽ học một hệ thống môn đa dạng trong năm nhất trước khi vào chuyên ngành. Chẳng hạn bạn nào muốn theo Kinh tế vẫn phải học về địa chính trị, bởi như vậy họ mới có cái nhìn toàn cảnh về thế giới. Dù có học bao nhiêu mô hình kinh tế, mà không hiểu bối cảnh địa chính trị từng nơi thì cũng không áp dụng được.
Làm sao để tự tin trong hoàn cảnh bất lợi?
Tiến sĩ Scott Fritzen nhận định, lòng tự trọng (self-respect) và cơ hội là 2 yếu tố quan trọng giúp người trẻ tự tin hơn. Cụ thể, bạn hình thành lòng tự trọng khi lớn lên trong môi trường mà bạn luôn có cảm giác được yêu thương, trân trọng. Và khi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau, bạn sẽ học hỏi và trở nên tự tin hơn một cách tự nhiên.
Dù vậy, lòng tự trọng mang tính nền tảng và có tác động lâu dài, bởi nó phụ thuộc nhiều vào môi trường bạn được nuôi dưỡng. Do đó, với những ai không may bị lạm dụng, bỏ rơi hay sống trong nghèo khó khi còn nhỏ, lòng tự trọng có thể bị ảnh hưởng. Bởi khi cảm giác mình không được yêu thương hay trân trọng, họ sẽ hoài nghi khả năng của chính mình, không thể nắm bắt những cơ hội lớn dù có được tiếp cận.
Tuy nhiên tiến sĩ Fritzen cũng nhận định, lòng tự tin đến từ trải nghiệm nhiều hơn là môi trường bạn được nuôi dưỡng. Vì vậy điều quan trọng là bạn hành động kể cả trong khó khăn. Bạn bắt đầu bằng một việc nhỏ bạn có thể làm, để nhắc nhở bản thân rằng ta luôn có sự tự chủ ngay cả trong hoàn cảnh bất lợi nhất.
Chẳng hạn bạn bị layoff và chưa tìm được chỗ mới dù ứng tuyển nhiều nơi. Trong lúc này, bạn có thể tìm những công việc thời vụ để vừa có đồng ra đồng vào, vừa không bị “mai một” kỹ năng trong khi tìm việc mới. Như vậy là bạn đã có được một chút “tự chủ” với hoàn cảnh.
Bạn có thể lo lắng vì không biết làm vậy thì sẽ đi đến đâu, và nỗi lo này hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng là bạn cố gắng hết mình, và dù nỗ lực này có thành công hay không thì bạn cũng có thêm kinh nghiệm. Những kinh nghiệm nhỏ này đều góp phần giúp bạn nhìn rõ hướng mình muốn đi, và trở nên tự tin một cách tự nhiên.
Làm sao để tự tin trong muôn vàn thông tin?
Gen Z có đặc thù lớn lên cùng sự phát triển của internet và công nghệ, được tiếp xúc với lượng thông tin (information) khổng lồ hơn hẳn so với các thế hệ trước. Vấn đề là giữa “biển” thông tin , làm sao để thanh lọc và biến chúng thành kiến thức (knowledge) và trí tuệ (wisdom) có ích cho chính mình? Đó cũng chính là câu hỏi được tiến sĩ Fritzen đặt ra khi nói về rèn luyện sự tự tin.
Theo tiến sĩ Fritzen, “kiến thức” là thông tin ta có thể áp dụng để giải quyết vấn đề của mình (hoặc xã hội), song không phải hoàn cảnh nào cũng áp dụng được. Còn “trí tuệ” hình thành khi ta dùng được kiến thức mình tích lũy một cách có ý nghĩa, để tìm ra hệ giá trị nên theo đuổi trong đời. Áp dụng hệ thống “lọc” từng tầng này, bạn sẽ chọn ra được những thông tin thực sự hữu ích để trở thành kiến thức, và những kiến thức hữu ích để nâng tầm lên thành trí tuệ.
Ngay cả trong thời buổi trí tuệ nhân tạo (AI) dần “chiếm sóng” như hiện tại, sự tự tin vẫn là yếu tố chủ đạo giúp chúng ta giải quyết các vấn đề. Bởi dù AI rất giỏi tìm kiếm thông tin, thậm chí tổng hợp chúng thành kiến thức, nó không thể giải quyết các vấn đề liên quan đến mâu thuẫn về hệ giá trị.
Bởi trong những vấn đề này không có “sai” hay “đúng” một cách máy móc, mà chúng ta chỉ có thể nhận định xem cách giải quyết có phù hợp hay không. Và điều này lại tùy thuộc vào hệ giá trị của mỗi người. Thế nên người dùng AI mà không có hệ giá trị riêng thì sẽ không thể định hướng được công cụ, và cũng không định hướng được cuộc đời của chính họ.