Mia Nguyễn: Bỏ giới tính sinh ra, được là chính mình

"Chị nhận ra mình là phụ nữ. Và cảm giác lúc đó giống như trở về nhà sau hai mươi mấy năm đi lạc."
Cao Miêu
Mia Nguyễn | Nguồn: Cao Miêu cho Vietcetera

Mia Nguyễn | Nguồn: Cao Miêu cho Vietcetera

Cảm thấy mình là con gái trong hình hài một người con trai, Mia Nguyễn dành cả tuổi trẻ tự hỏi mình là ai. Năm 25 tuổi, chị rời khỏi Việt Nam để tìm câu trả lời.

Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ cột mốc đó. Hiện giờ, Mia là một nhà tham vấn tâm lý, giảng viên bộ môn hành vi tính dục con người, và là một cây bút chuyên nghiệp. Mới đây, chị xuất hiện trên talkshow Bar Stories cùng Dustin NguyễnLynk Lee trong cuộc hội thoại về người chuyển giới.

Vietcetera ngồi lại với Mia để nghe chị kể về cuộc chuyển giao lớn nhất trong đời chị.

Chị nhận ra mình là phụ nữ từ khi nào?

Mình loay hoay với bản thân mãi tới năm 25 tuổi mới nhận ra.

Từ khi còn là học sinh, mình đã hay quan sát những bạn xung quanh và nhận ra mình khác biệt. Mình muốn được đối xử như một đứa con gái. Ai mà nói mình giống con gái là mình thích lắm.

Thời đó chưa có Internet và những khái niệm về đa dạng giới. Tất cả những ai có biểu hiện giới khác biệt đều bị gộp chung là “bê đê”.

Mình không biết diễn tả bản thân bằng từ ngữ gì. Sự hoang mang này bám theo mình suốt quá trình trưởng thành.

Đâu là điểm đầu và điểm cuối của cuộc chuyển giao?

Cuộc chuyển giao này bắt đầu ở nơi mình sinh ra và lớn lên - Bến Tre những năm 1980. Và nó kết thúc tại Úc năm 2007.

Bến Tre thời đó nghèo lắm, nhà mình chỉ đủ ăn. Mẹ mình là mẹ đơn thân. Khi lên Sài Gòn học đại học, mình trở thành trụ cột tài chính của cả nhà. Dưới áp lực cơm áo gạo tiền, mình phải tạm gác băn khoăn về giới để đóng tròn vai với gia đình.

Tuy vậy, một góc nhỏ trong lòng mình vẫn không ngừng tự hỏi mình là ai, mình là cái gì.

Bạn bè hay nói với mình rằng thế giới rộng lớn lắm. Họ nói rằng nếu mình có cơ hội, hãy ra nước ngoài để tìm cộng đồng nơi mình thuộc về. Thế là mình bắt đầu tiết kiệm tiền đi du học.

Năm 2007, mình lên đường đi Úc. Khi tiếp xúc với các cộng đồng đa dạng về màu da, cơ thể, giới tính, mình như vỡ òa. Và mình định vị lại bản dạng giới, để người phụ nữ trong mình bước ra khỏi lớp vỏ bọc.

Chị bỏ lại gì khi đi Úc?

Tất cả những gì mình từng biết. Sự nghiệp. Gia đình. Những khuôn mẫu mình phải nhập vai. Sự hoang mang về danh tính của mình.

Khi tới Úc, trong túi mình chỉ đủ tiền trang trải hai tháng đầu. Mình biết mình sẽ chật vật để tồn tại, nhưng mình vẫn phải đi. Mình cần bước ra khỏi môi trường quen thuộc để xem bản thân thật sự còn lại gì khi không còn gì.

Giờ khi đã gần 40 tuổi, nhìn lại mình mới thấy liều lĩnh (và xứng đáng). Chứ hồi còn trẻ mình chưa biết sợ là gì.

Việc tìm được bản dạng giới có ý nghĩa như nào với chị?

Cảm giác như trở về nhà sau khi đi lạc hai mươi mấy năm vậy. Trước đó, mình như đang luẩn quẩn trong một khu rừng tối, có vài ánh sáng le lói nhưng không rõ ràng. Cuối cùng mình cũng tìm được chân lý sống sau cả một quãng đời mơ hồ.

Một điều khó nói thành lời trên hành trình của chị?

Mình đã từng rất im lặng. Mình không dám bày tỏ tình cảm với người mình thương nhiều hơn một ánh mắt.

Người dị tính thường khá thoải mái trong việc thể hiện tình cảm. Người LGBT+ có quá nhiều nỗi sợ: sợ bị kỳ thị và cô lập. Nên họ im lặng. Im lặng và lao động. Im lặng và trưởng thành. Im lặng và yêu.

Việc dễ thương nhất một người từng làm để thể hiện sự ủng hộ với chị?

Một vài người bạn thân thiết nhận ra bản dạng giới của mình trước cả mình. Lên đường đi Úc, mình là đàn ông. Trở về Việt Nam, mình là phụ nữ. Họ nhìn mình và nói, “Đây mới chính là em.”

Cái may mắn nhất của mình là được sống trong một không gian an toàn, nơi mọi người nhìn nhận mình vì năng lực và tính cách. Ở những môi trường nhiều sự kỳ thị, cuộc sống của các bạn LGBT+ còn buồn và khổ lắm. Họ không được đi học, bị miệt thị, thiếu tình thương. Mình thấu cảm cho họ.

Một điều chị ước mọi người hiểu về cộng đồng LGBT?

Đừng lề hóa cộng đồng LBGT+ bằng những từ mang hàm ý cô lập như “thế giới thứ ba”. Chúng ta dù khác nhau về bản dạng giới và xu hướng tính dục, thì cũng đều sống trên Trái Đất.

Hãy tập trung vào những điểm tương đồng thay vì những khác biệt. Chúng ta đều lớn lên ở Việt Nam. Chúng ta đều muốn bảo vệ gia đình mình. Bị từ chối khi tỏ tình, tất cả chúng ta đều buồn. Và không phải ai trong chúng ta cũng đẹp như hoa hậu.

Khi chúng ta nhìn thấy mình trong người còn lại, ta mới có thể bao dung và thấu cảm cho nhau.

Trong một thế giới hoàn hảo, những đối tượng thiểu số như người LGBT+ sẽ được đối xử như thế nào?

Họ sẽ được đối xử như người bình thường. Truyền thông không khắc họa họ như người ngoài hành tinh. Công chúng không coi sự khác biệt của họ là dị biệt. Họ không bị định nghĩa bởi xu hướng tính dục, màu da, hay dân tộc của họ.

Ví dụ, Mia sẽ được nhìn nhận là một nhà tham vấn tâm lý, một giảng viên, một người mẹ, chứ không chỉ đơn thuần là một người chuyển giới. Chuyển giới chỉ là một cột mốc, không phải là tất cả danh tính của mình.

Theo chị, Việt Nam có phải là một quốc gia đáng sống với những người LGBT+?

Dù tình trạng kỳ thị vẫn còn, mình luôn cảm thấy tràn đầy hy vọng khi nghĩ về Việt Nam.

Mỗi quốc gia có một câu chuyện riêng và một thế mạnh riêng. Người Việt có khả năng thích nghi cao, dù thế mạnh đó đến từ lịch sử xâm lăng và không phải do chúng ta chọn. Chúng ta đi lên từ chiến tranh và cái nghèo nên chúng ta học được cách bao dung. Hai yếu tố này khi kết hợp với hội nhập văn hóa sẽ giúp các tiến bộ xã hội diễn ra nhanh hơn.

Chúng ta cần thêm các cuộc hội thoại về sự đa dạng. Chúng ta cần trò chuyện với con em mình về giới tính, màu da, cơ thể, dân tộc. Chúng ta cần ngồi lại xem mình đã mang những gánh nặng gì trên con đường đi tìm bản thân, và làm sao để giúp nhau giảm tải những gánh nặng đó.

Đằng sau mỗi sự từ bỏ là một cuộc chuyển giao. #Bỏ là series kể lại những cuộc chuyển giao này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục