Khi chia tay cũng là yêu, và thích người khác chỉ là cảm xúc nhất thời
Đây là phần tiếp theo của bài viết “6 Healthy Relationship Habits Most People Think Are Toxic”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson. Đọc phần 1 của bài viết tại đây.
3. Sẵn sàng kết thúc mối quan hệ khi cần thiết
Hy sinh vì tình yêu dường như là điều được lý tưởng hóa trong văn hóa đại chúng. Gần như bộ phim nào lấy yếu tố lãng mạn làm trọng tâm cũng sẽ có một nhân vật tuyệt vọng, đến mức sẵn sàng đối xử với bản thân thậm tệ để có được trái tim kẻ khác.
Sự thật là các tiêu chuẩn về một “mối quan hệ thành công” đã trở nên khá độc hại. Theo đó, một mối quan hệ tốt đẹp dường như chỉ kết thúc khi một trong hai người qua đời. Còn nếu không, chúng ta có xu hướng coi nó là thất bại, bất kể hoàn cảnh của người trong cuộc ra sao. Và điều đó thật hết sức điên rồ.
Romeo và Juliet vốn được viết ra để châm biếm tình yêu dại khờ, rằng việc yêu một người mù quáng có thể khiến bạn làm những điều điên rồ đến mức nào. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta lại coi nó như một chuyện tình lãng mạn đáng được ngợi ca.
Chính kiểu tư duy phi lý này khiến người ta không thể rời khỏi những mối quan hệ mà họ bị đối xử không ra gì. Họ từ bỏ nhu cầu và bản dạng của chính mình, biến mình thành những liệt sĩ đau khổ, và kìm nén nỗi đau của chính mình chỉ để duy trì một mối quan hệ đến cùng.
Đôi khi, thứ duy nhất khiến một mối quan hệ thành công là đánh dấu chấm hết cho nó ở thời điểm cần thiết, trước khi mọi việc đi quá xa. Và việc sẵn lòng rời đi giúp bạn lập nên những ranh giới lành mạnh để cả bạn và người ấy trưởng thành hơn.
“Sống với nhau đến đầu bạc răng long” là câu chúc nghe thật lãng mạn, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu bạn tôn thờ một mối quan hệ hơn cả chính bản thân mình, hơn cả các giá trị, nhu cầu và mọi thứ khác trong đời sống của bạn - thì bạn đã vô tình tạo ra một vòng luẩn quẩn nơi không ai phải chịu trách nhiệm gì.
Bạn sẽ không còn cảm giác mình phải cải thiện bản thân, vì người ấy luôn phải ở bên bạn dù thế nào đi nữa. Và họ cũng vậy, bởi bạn phải ở bên họ mọi lúc mọi nơi. Điều này khiến cả hai bạn đều trì trệ - nguồn cơn cho mọi đau khổ trong mối quan hệ này.
4. Bị hấp dẫn bởi những người "ngoài luồng"
Một áp lực tinh thần chúng ta hay gặp trong mối quan hệ lãng mạn: bất kỳ suy nghĩ tình cảm (hoặc tình dục) nào không liên quan đến người thương của bạn đều bị coi là phản bội. Nhưng đó chính là sự trớ trêu của cơ cấu sinh học con người. Ta càng chỉ nghĩ về người thương, thì lại càng bị hấp dẫn bởi những đối tượng khác.
Điều này đặc biệt đúng khi cặp đôi bước qua giai đoạn đam mê nồng cháy, thời điểm lượng oxytocin từ cả hai bên giảm xuống. Lúc này bạn sẽ không thấy người ấy còn gì “mới mẻ” nữa. Và trớ trêu thay, đó lại chính là yếu tố “giật dây” tình dục ở con người.
Tôi thường xuyên nhận được email từ nhiều độc giả thú nhận rằng, họ đang trong một mối quan hệ hạnh phúc, nhưng cảm thấy mình tồi tệ vì bị hấp dẫn bởi một người khác. Trên thực tế, bên cạnh bạn đời của mình, bạn vẫn có thể bị hấp dẫn bởi nhiều người khác ở cùng một thời điểm. Đây là cơ chế sinh học tất yếu mà bạn không thể tránh khỏi.
Nhưng bạn có toàn quyền quyết định có hành động theo sự hấp dẫn đó hay không. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta nói không. Và rồi cảm giác đó cũng qua đi như sóng biển, trả lại sự bình yên cho mối quan hệ của bạn và người thương.
Điều này gây cảm giác tội lỗi ở một số người, và sự ghen tuông vô lý ở số khác. Theo văn hóa được đại chúng chấp nhận, một khi yêu ai đó thì bạn phải đặt dấu chấm hết với mọi cảm xúc ngoài luồng. Nếu có ai tán tỉnh khiến bạn thấy thích thú, hoặc bạn thi thoảng lại ảo tưởng về một cuộc tình khác, thì chắc chắn bạn (hoặc mối quan hệ của bạn) có vấn đề.
Nhưng thực tế không phải như vậy. Sẽ tốt hơn nếu bạn cho phép những cảm xúc đó đến và đi. Bởi khi kìm nén chúng, bạn vô hình trung “trao quyền” cho chúng điều khiển hành vi của bạn. Trong khi đó, bạn có thể chủ động cảm nhận chúng, nhưng lựa chọn không làm gì cả.
Nếu kìm nén mớ cảm xúc ấy, bạn rốt cuộc cũng sẽ đầu hàng trước chúng. Bạn sẽ có thôi thúc muốn ngoại tình, và khi mọi việc đã rồi thì lại vò đầu hối hận. Bạn cũng dễ phóng chiếu chúng lên bạn đời của mình và trở nên ghen tuông vô lý, cũng như cố gắng kiểm soát mọi suy nghĩ và hành động của họ chỉ để họ chú ý đến bạn hơn.
Việc kìm nén cũng có thể khiến bạn thức dậy vào một ngày nào đó trong bất mãn và thất vọng. Bởi bạn không hiểu tại sao mình đã từng yêu người ấy sâu đậm đến thế, không thể tìm lại được cảm xúc yêu đương như thuở ban đầu.
Được nhìn thấy trai xinh gái đẹp, được trò chuyện với họ hay thậm chí chỉ nghĩ về họ đều là những niềm vui khó tả. Vì là cơ chế sinh học tự nhiên, những điều này sẽ không thay đổi dù trạng thái quan hệ trên Facebook của bạn đang là gì.
Vì vậy khi cố tìm cách giảm thiểu những rung động này với người khác, bạn cũng vô tình làm giảm rung động của chính mình với người thương. Bạn đang tự giết một phần của chính mình, để khi nó sẽ “sống lại” sẽ gây tổn thương cho mối quan hệ của bạn.
Khi tôi gặp một cô gái đẹp, tôi cũng thấy vui như bất kỳ người đàn ông nào khác. Nhưng điều đó cũng khiến tôi nhớ lại rằng, vì sao giữa bao nhiêu cô gái đẹp tôi gặp, tôi lại chọn ở bên bà xã tôi. Tôi nhìn thấy ở cô ấy điều gì đó mà những cô gái kia không có.
Và dù tôi không có vấn đề với việc họ chú ý hay tán tỉnh tôi, thì trải nghiệm này lại tăng thêm mức độ cam kết của tôi với vợ mình. Bởi sự hấp dẫn bề ngoài thì ở khắp mọi nơi, nhưng sự thân mật thì không.
Khi cam kết với một người, chúng ta không cam kết những suy nghĩ, cảm xúc hay nhận thức của mình với họ. Đây là những yếu tố ta còn chẳng thể kiểm soát được ở chính mình, vậy làm sao để giữ vững được cam kết?
Câu trả lời nằm ở hành động - thứ duy nhất chúng ta kiểm soát được. Đó cũng chính là cái ta cam kết với bạn đời. Còn mọi thứ khác, hãy cứ để chúng đến và đi như một lẽ đương nhiên của cuộc đời.
Còn tiếp…