Vì sao chửi thề giúp chúng ta thấy thoải mái hơn?
Đã bao giờ bạn va chân vào cái bàn, chửi thề trong giây phút đau đớn và rồi đỡ đau một cách thần kỳ? Hay như khi bị stress, dù biết mình chẳng thể làm gì để thay đổi tình huống nhưng bạn vẫn chửi thề, đơn giản vì nó khiến bạn cảm thấy tốt hơn?
Thật ra hiện tượng này gắn liền với tâm lý nhiều hơn bạn nghĩ. Việc chửi thề mang lại những công dụng nhất định trong việc giảm đau và xả stress.
Chửi thề giúp ta giảm đau và tăng cường thể lực nhất thời
Trong một nghiên cứu do Đại học Keele (Anh) tiến hành năm 2009, các sinh viên tham gia nhúng tay vào một chậu nước đá. Một số người được phép chửi thề, trong khi số còn lại bị cấm. Kết quả là nhóm sinh viên chửi thề giữ được tay dưới nước đá lâu hơn nhóm không chửi. Họ cho biết việc chửi thề giúp họ giảm cảm giác đau và buốt tay đáng kể.
Theo giáo sư Richard Stephens, chửi thề tăng tốc độ nhịp tim và kích thích hạch hạnh nhân não, gây ra phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode). Được ghi nhận khi cơ thể rơi vào tình huống căng thẳng cấp tính, phản ứng này khiến một lượng lớn hormone endorphin và adrenaline được tiết ra. Trong khi endorphin giúp cơ thể giảm đau, adrenaline lại giúp tăng cường thể lực để vượt qua căng thẳng.
Tuy nhiên trong thí nghiệm trên, hiệu quả giảm đau không xuất hiện ở những sinh viên thừa nhận chửi thề thường xuyên (trên 60 từ/ngày). Giáo sư Stephens cũng cho biết, việc chửi thề quá nhiều có thể làm giảm hiệu quả về thể chất của nó. Cần lưu ý vấn đề này nếu bạn muốn áp dụng chửi thề như một cách giảm đau tạm thời khi không có sẵn các dịch vụ y tế.
Giúp trút bỏ cảm xúc khi stress
Theo chuyên gia tâm lý Raffaello Antonino, chửi thề hoạt động như một cơ chế đối phó với cảm xúc của cơ thể khi gặp khó khăn, đặc biệt trong các tình huống mà chúng ta ít hoặc không kiểm soát được.
Vì hạch hạnh nhân cũng đóng vai trò xử lý cảm xúc, não bộ có xu hướng liên kết chửi thề với việc giải phóng chúng. Một khi trút được những cảm xúc này ra ngoài, ta sẽ thấy thoải mái hơn khi đối phó với tình huống căng thẳng. Trong một số trường hợp, việc chửi thề trở nên hữu ích trong giải quyết vấn đề.
Một ví dụ điển hình là các nghiên cứu ở người làm công việc stress cao như phi công và bác sĩ. Họ đều cho biết việc chửi thề giúp họ phục hồi tốt hơn khi cất cánh trong thời tiết xấu hoặc thực hiện ca phẫu thuật khó (health.com).
Chửi thề còn là cách xử lý cảm xúc hữu hiệu với người mắc bệnh nặng hoặc mãn tính. Một nghiên cứu các bệnh nhân ung thư tinh hoàn cho thấy, việc chửi thề giúp họ nói về nỗi buồn và sự mất mát mà không bị mất thể diện. Họ cho rằng khóc lóc hoặc thừa nhận sợ hãi sẽ khiến họ trông yếu đuối hơn, trong khi chửi thề vẫn là biểu hiện của sự mạnh mẽ.
Cảm giác tin tưởng và thân thuộc khi được chửi thề
Một nghiên cứu do Đại học Victoria (New Zealand) thực hiện ở nhà máy đã cho thấy điều này. Theo đó, các công nhân cùng tổ thường dùng từ ngữ chửi thề khi trò chuyện với nhau, nhưng lại ít dùng chúng khi tương tác với tổ khác. Họ kết luận việc chửi thề thể hiện sự đoàn kết, tin tưởng, giảm căng thẳng và thu hẹp khoảng cách quyền lực giữa các thành viên.
Theo bác sĩ Kyle Zrenchik, con người sẽ hình thành hai bản sắc khác nhau khi nói chuyện với người lạ và người quen. Ở bản sắc thứ hai, chúng ta được “sống thật” và thoải mái hơn trong lối nói chuyện. Theo Routledge, ngôn ngữ chửi thề vốn gây hứng thú, dễ nhớ và gợi nhiều ý tứ hơn. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi bản sắc “thật trân” của chúng ta thiên vị loại ngôn ngữ này khi ở cùng người ta thân thiết và tin tưởng.
Nói cách khác, bạn phải thân quen ai ở một mức độ nhất định mới dùng ngôn ngữ chửi thề với người đó. Điều này giống như khi bạn bè mới quen thường để ý lời ăn tiếng nói, nhưng càng thân sẽ càng “lầy lội” và chửi thề với nhau nhiều hơn.
Kết
Về mặt khoa học, chửi thề có những lợi ích nhất định về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó chúng ta thấy thoải mái khi chửi thề, đặc biệt trong các tình huống căng thẳng.
Tuy nhiên chúng ta không nên vì vậy mà chửi thề bừa bãi. Bạn có thể chửi thề lúc đau hoặc ức chế, song cần phù hợp với hoàn cảnh để không bị mất hình tượng nhé.