Từ ngày dịch bệnh bùng phát, căn hộ studio với diện tích khiêm tốn của tôi bỗng chốc trở thành văn phòng làm việc kiêm khu giải trí “phức hợp” và nhà hàng ‘fine dining’.
Vì gần như mọi hàng quán đều đóng cửa và gọi giao đồ ăn vốn đã là chuyện tôi làm thường ngày. Nên với tôi, việc xuống bếp, tự mình nấu những món ăn ngon là một cách ‘tự thưởng’ cho bản thân.
Không nấu theo các món ăn đang ‘thịnh hành’ hiện giờ, tôi luôn chọn cho mình các món ăn đậm vị quê nhà. Bởi đối với tôi trải nghiệm hương vị của chúng vốn độc nhất, không thể tìm thấy ở bất kỳ hàng quán nào.
Vào một ngày cuối tuần, tôi đã quyết định bắt tay làm món bánh đa cua trứ danh của đất cảng Hải Phòng.
Món bánh đa cua trông bình dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng ‘đầy đặn’ và ‘chân chất’ như tấm lòng của người vùng đồng biển. Nguyên liệu thuỷ hải sản tạo nên nước dùng ngọt thanh nhưng giàu dinh dưỡng.
Bánh đa đỏ dai, bùi bùi ăn cùng nước dùng lại mang một vị ngon khác. Đi chung với nước dùng và bánh đa đỏ là đầy ắp các món ăn kèm đậm vị.
Các nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Cua đồng tự xay hoặc cua xay sẵn đóng gói: 500g
- Gạch cua: 20g
- Nước dùng chay: 1 trái bắp, 1/2 củ hành tây, 1 nửa bắp cải hoặc củ cải đường
- Cà chua: 2 trái
- Nước cốt me: 15g
- Mắm tôm: 15g
- Tôm khô: 5g
- Hành tím, hành lá, rau mùi.
- Các món ăn kèm: Chả cá, Chả lá lốt, Tôm, Chả giò (tuỳ sở thích).
- Bánh đa đỏ
- Rau sống ăn kèm: Rau giá, rau muống.
- Gia vị: Bột canh, nước mắm, đường, tiêu.
Bắt tay vào làm
Chuẩn bị nước dùng:
Tất cả củ quả đã chuẩn bị: bắp, bắp cải, hành tây được tôi thả vào nồi nước 3 lít rồi đun sôi.
Trong thời gian đợi nước dùng chay sôi, tôi sơ chế và xay cua. Để làm sạch cua đồng, tôi cho cua vào nồi, đậy nắp rồi xóc cho sạch các chất bẩn. Sau khi cua được lọc sạch, tôi tiếp tục tách bỏ phần yếm.
Gạch cua từ mai và phần thân cua được tôi giữ lại và để riêng. Tôi bỏ thân cua vào máy xay nhuyễn (bạn có thể dùng cối để giã nát).
Một chút mẹo nhỏ là thịt cua sau khi xay, thay vì sử dụng với nước thường để rây, tôi pha với nước dùng chay sôi để nguội (tỉ lệ 1:2).
Tôi dùng rây hoặc thỉnh thoảng tận dụng túi vải thưa để lược bỏ xác cua. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo vì nó quyết định vẻ ngoài trong trẻo, hấp dẫn của nước dùng.
Sau khi lọc xong nước cua xay, tôi đổ toàn bộ nước dùng chay vào và nêm khoảng 1 – 1,5 thìa bột canh. Tôi khuấy ‘hỗn hợp’ này theo chiều kim đồng hồ trong khi đun sôi ở lửa nhỏ.
Khi riêu cua nổi lên là khi đó nước dùng đã sôi. Tôi cẩn thận vớt riêu cua để chúng không bị nát. Vì khi nát, chúng sẽ làm vị trở nên nồng cũng như khiến nồi nước bị ‘đục’, trông không bắt mắt.
Ở một nồi khác, tôi bỏ 5g hành tím đã rửa sạch và thái nhỏ vào dầu ăn nóng già để phi. Sau khi hành đã được phi thơm, tôi chia chúng ra làm 2 phần. Một phần tôi sẽ bỏ vào xào sơ cùng cà chua cắt múi, 1 thìa gạch cua, và nêm thêm 5g bột nêm.
Tiếp đó, tôi bỏ nước dùng cua xay vào. Để hoàn thiện toàn bộ nước dùng riêu cua đậm đà này, tôi thêm nước cốt me, mắm tôm, bột canh, tôm khô và đun sôi một lần nữa.
Chuẩn bị các món ăn kèm:
Các món đi kèm làm ‘dày’ vị cho bát bánh đa cua đều có thể dễ dàng tìm mua ở chợ và siêu thị. Nhưng bạn cũng có thể tận dụng khoảng thời gian này để tự làm chúng tại nhà, biết đâu lại hợp khẩu vị hơn đấy.
Chả cá:
- 300g cá thác lác xay nhuyễn trộn đều cùng thì là, hành lá và hành tím cắt nhỏ.
- Gia vị thêm vào trước khi quết là tiêu, muối, đường, dầu ăn và bột canh (bạn có thể dùng thêm một quả trứng).
- Bạn quết hỗn hợp này đến khi cảm thấy ‘nặng tay’. Sau đó, bạn có thể bỏ vào chảo dầu để chiên.
Chả lá lốt:
- Cho 200g thịt nạc xay cùng 20g hành tím, nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ.
- Sau đó nêm bột canh, đường, tiêu và nước mắm rồi trộn đều.
- Cuối cùng, bạn cho thịt đã trộn vào lá lột và cuốn chặt lại, rồi chiên đều trong chảo dầu.
Tôm: Khi còn ở Bắc, tôi thường chọn tôm tích. Vì chúng nhiều thịt, có vị ngọt béo và hương thơm. Tuy nhiên, bạn có thể chọn bất kỳ loại tôm nào tuỳ ý. Sau khi rửa sạch và luộc chín, bạn bóc vỏ và xào sơ tôm cùng hành tím và mộc nhĩ.
Trình bày đẹp mắt và thưởng thức ngay khi còn nóng
Bánh đa đỏ khô, có đặc điểm là dai hơn bánh đa thường, có hương vị đặc trưng, phù hợp với các loại nước dùng riêu cua hay cá.
Bánh đa cua mua về tôi luôn ngâm nước lạnh khoảng 5 phút, rồi rửa sạch để loại bỏ các chất bẩn bám xung quanh bánh. Tiếp đó, tôi để vào rổ cho ráo nước.
Khi nào ăn, tôi chần qua nước sôi rồi bỏ vào bát. Kèm theo đó, tôi thêm giá đỗ, rau muống đã chẻ nhỏ phần cọng.
Riêu cua, chả cá cắt lát mỏng, chả lá lốt và tôm được tôi lần lượt để lên bề mặt và cuối cùng là chan nước dùng. Và tôi cũng không quên ‘thêm thắt’ một chút hành lá, hành phi và rau mùi để ‘tròn’ vị.
Đây là món ăn ngày hè ở Bắc Bộ. Nước dùng làm từ cua đồng cùng các loại rau ăn kèm đều có tính hàn, phù hợp để giải nhiệt mùa hè.
Vào những ngày nắng nóng ở Sài Gòn, cộng với việc phải ở nhà nhiều ngày như hiện tại, một bát bánh đa cua ngọt lành đã giúp tôi xua tan đi những bức bối cũng như bổ sung thêm dinh dưỡng và tăng sức đề kháng.
Hình ảnh của bài viết được trích từ video của Hướng Nghiệp Á Âu.
Bài viết được thực hiện bởi Windy.
Xem thêm:
[Bài viết] Ra Lò: Tự làm món mì Jjapaguri trong phim Parasite
[Bài viết] Ra Lò: Bánh mì bơ tỏi phô mai Hàn Quốc