Ăn thiện uống lành mới được tổ đãi? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Ăn thiện uống lành mới được tổ đãi?

Tổ đãi để không lo nghiệp quật.
Ăn thiện uống lành mới được tổ đãi?

Nguồn: Shutterstock

1. Tổ đãi là gì?

Tổ đãi, hay tổ độ, hiểu đơn giản là được thần linh phù hộ, gặp nhiều may mắn.

Theo cách định nghĩa của từ điển, tổ là người đầu tiên lập ra dòng họ (tổ tiên), hoặc người sáng lập, gây dựng và truyền bá một nghề nào đó (tổ nghề). Trong từ tổ đãi, tổ ở đây chủ yếu chỉ tổ nghề.

2. Nguồn gốc tổ đãi?

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, vì vậy tập tục lập đền thờ cho người có công với đất nước cũng đã có từ lâu đời. Những người này có thể là anh hùng kháng chiến, người có công khai hoang mở đất, và tất nhiên là có cả ông tổ làng nghề.

Theo sách Cơ sở văn hóa Việt Nam, từ thời Đông Sơn đã hình thành một số làng nghề thủ công (đúc đồng, luyện kim, đục đá…). Trải qua nhiều đời, những làng nghề này thành lập bàn thờ tổ để tôn vinh bậc tiền nhân. Một số ông tổ còn được tôn lên làm Thành Hoàng làng - vị thần bảo trợ và che chở cho dân làng.

Sự tích về ông tổ cũng xuất hiện xuyên suốt trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, như tổ nghề gốm Bát Tràng - Hứa Vĩnh Kiều, tổ nghề khảm trai - Trương Công Thành. Sách tiếng Việt lớp 3 cũng có một câu chuyện về ông tổ nghề thêu - Trần Quốc Khái.

titleBạn cograven nhớ cacircu chuyện về ocircng tổ nghề thecircu trong saacutech tiếng Việt lớp 3
Bạn còn nhớ câu chuyện về ông tổ nghề thêu trong sách tiếng Việt lớp 3?

Nếu như câu cửa miệng của nhiều người Việt là “ơn trời”, “nhờ trời phật phù hộ”, “may có ông bà độ”, thì tổ đãi cũng là một cách nói tương tự, chỉ khác đây là phiên bản ngành nghề.

3. Tổ đãi phổ biến như nào?

Cách nói này từ lâu đã phổ biến trong giới showbiz. Năm 2010, Lan Ngọc nhắc đến tổ đãi để bày tỏ niềm vui khi nhận giải Cánh Diều. Đến năm 2014, báo Tiền Phong xuất bản bài viết với tiêu đề “cúng tổ, tổ đãi”, trong đó nói về văn hóa thờ cúng của giới nghệ sĩ Việt. Đến sau này, lần lượt các nghệ sĩ như Trấn Thành, Hoài Linh, Kim Tử Long cũng đều nhắc đến từ khóa tổ đãi.

Truyền thuyết về thân phận của vị tổ ngành sân khấu vẫn chưa rõ ràng. Nhưng giai thoại thường gặp nhất là câu chuyện về một vị vua không có con, sau đó dâng sớ làm lễ thì hạ sinh hai vị hoàng tử. Hai vị hoàng tử này lại quá mê ca hát, mê đến nỗi lén cha đi xem hát, rồi quên ăn, quên ngủ, kiệt sức, ôm nhau chết. Sau này họ được người đời lập bàn thờ, gọi là tổ nghề.

Một số người tin rằng, chỉ cần thành tâm khấn tổ nghề, đường sự nghiệp sẽ thuận lợi, kỹ năng biểu diễn tốt hơn và bản thân người nghệ sĩ sẽ được đón nhận nhiều hơn. Tuy nhiên, họ cũng có những kiêng kị nhất định, ví dụ không mang trái thị vào rạp hát, không nói năng thô tục khi hóa trang, nếu không sẽ bị tổ phạt (hay còn gọi là tổ hành, tổ trác, tổ lấy nghề).

titleBagraven thờ tổ nghiệp ngagravenh sacircn khấu Nguồn cailuongvietnamcom
Bàn thờ tổ nghiệp ngành sân khấu | Nguồn: cailuongvietnam.com

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, tôn giáo và tâm linh thực sự có tác dụng trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần, thậm chí yếu tố tâm linh còn được ứng dụng trong điều trị. Bằng việc nói về đức tin của bệnh nhân, các nhà trị liệu có thể chạm đến những góc khuất và xoa dịu nỗi đau thầm kín của họ.

4. Cách dùng tổ đãi?

Nghệ sĩ 1: Vui quá em, mấy bữa nay đi diễn ở đâu chị cũng được khán giả ủng hộ.

Nghệ sĩ 2: Mình làm điều tốt, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nên chắc được tổ đãi đó.