Drive My Car và hành trình chữa lành vết thương sâu của quá khứ | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 12, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

Drive My Car và hành trình chữa lành vết thương sâu của quá khứ

Ryûsuke Hamaguchi đã chuyển thể Drive My Car của Haruki Murakami thành một tác phẩm điện ảnh kể về những điều day dứt và tiếc nuối của đời người. Và hơn cả, ông đặt ra câu hỏi làm thế nào để chữa lành những vết thương lòng?
Drive My Car và hành trình chữa lành vết thương sâu của quá khứ

Cuộc gặp gỡ của những con người cô độc và mang nhiều vết thương từ quá khứ. Nguồn: Drive My Car (2021)

Drive My Car (2021) là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn người Nhật Ryûsuke Hamaguchi, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Haruki Murakami. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bộ phim đã đoạt rất nhiều giải thưởng của các LHP quốc tế và hiệp hội điện ảnh, được nhiều cây bút phê bình phim danh tiếng và thậm chí là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lựa chọn là bộ phim hay nhất năm 2021.

Bài viết có tiết lộ nội dung phim.


Cũng giống như Norwegian Wood, Drive My Car là tên một bài nhạc được sáng tác bởi The Beatles, sau đó được Murakami "mượn" để đặt tựa cho tác phẩm của mình (dù nội dung bài nhạc không mấy liên quan). Giờ đây cả hai tác phẩm văn học đã có hai phiên bản điện ảnh. Một mặt, chúng trung thành với tinh thần của tác phẩm gốc. Mặt khác, dưới sự dàn dựng của hai vị đạo diễn có phong cách cá nhân đậm nét là Trần Anh Hùng và Ryûsuke Hamaguchi, chúng được nới rộng biên độ và đem đến một cảm quan mới trong thưởng thức.

Trong những ngày tháng có quá nhiều biến động, điều gì ở bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ này có thể chạm được vào cảm xúc và suy tư của khán giả?

Kịch bản phim vừa nới rộng vừa chắt lọc

Nếu đã đọc đủ truyện của Haruki Murakami, có lẽ bạn sẽ nhận ra trong Drive My Car có chứa rất nhiều chất liệu quen thuộc của ông. Đó là những gã trung niên cô đơn và cô độc, góa vợ hoặc vợ ngoại tình. Họ trải nghiệm đời sống độc thân một cách bình thản, thậm chí tận hưởng nó, nhưng cũng đồng thời có vẻ như luôn che giấu điều gì đó từ bên trong.

Các chi tiết “đặc sản” của Murakami cũng xuất hiện. Chẳng hạn như những cảnh làm tình phóng túng và đôi khi khá kì dị, những con mèo xuất hiện rồi biến mất đột ngột – thường đem tới một “điềm” gì đó và những bản nhạc jazz.

Nhưng khác là ở truyện ngắn này, tôi nhận thấy một niềm trắc ẩn lạ kỳ của Murakami. Điều đó đã được đạo diễn Ryûsuke Hamaguchi khắc hoạ trọn vẹn trong phim. Nhưng để đạt được điều này, tôi nhận ra Ryûsuke Hamaguchi và đồng biên kịch Takamasa Oe không chỉ chuyển thể truyện ngắn Drive My Car, mà còn chắt lọc thêm một số chi tiết từ hai truyện ngắn Scheherazade và Kino trong tập truyện Men Without Women (Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà).

Drive My Car lagrave truyện ngắn đầu tiecircn trong tập Men Without Women vagrave vẫn được giữ nguyecircn tựa gốc tiếng Anh trong bản tiếng Việt
Drive My Car là truyện ngắn đầu tiên trong tập Men Without Women, và vẫn được giữ nguyên tựa gốc tiếng Anh trong bản tiếng Việt.

Dưới bàn tay của hai nhà biên kịch, chất liệu từ ba truyện ngắn này được hòa trộn một cách tài tình, đến mức nếu ta chỉ xem phim mà không đọc lại tập truyện thì khó mà nhận ra các chi tiết kết nối. (Riêng tôi đã phải đọc lại 2 lần).

Không dừng lại ở đó, bộ phim còn được nới rộng về mặt không gian - thời gian, thay đổi về bối cảnh - cấu trúc, bổ sung và sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới. Đó là lý do Ryûsuke Hamaguchi có thể biến một truyện ngắn dài hơn 40 trang sách (cộng với vài trang từ hai truyện ngắn khác) trở thành một bộ điện ảnh dài đến 3 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, cũng giống như bản chuyển thể Burning của đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang Dong gần đây, dù Drive My Car của Ryûsuke Hamaguchi được mở rộng biên độ đến đâu, thực chất nó vẫn bám sát tinh thần của tác giả Murakami. Đó là hướng tiêu điểm về sự lạc lõng, đánh mất kết nối giữa con người với nhau trong một xã hội hiện đại. Ở đó có những thứ dù tiếc nuối đến đâu, cũng đã mất đi vĩnh viễn, “giống như chiếc hòm sắt kiên cố, mãi chìm dưới đáy biển sâu”. (*)

Thay đổi cấu trúc phim thông minh và táo bạo

Những cảnh hồi tưởng về quá khứ của nhân vật Yûsuke Kafuku trong truyện ngắn đã được Ryûsuke Hamaguchi đưa vào phần đầu của bộ phim. Ở đó, cuộc sống của nghệ sĩ sân khấu Kafuku (Hidetoshi Nishijima đóng) và vợ là biên kịch Oto (Reika Kirishima) diễn ra khá êm đềm và hạnh phúc. Tất cả kéo dài tới 40 phút rồi mới xuất hiện phần credit.

Cụ thể, ở phần mở đầu phim là một cảnh làm tình. Sau đó Oto bắt đầu kể về những chi tiết kì lạ trong các kịch bản mà cô đang viết, khi là câu chuyện về một cô gái mới lớn thầm yêu cậu bạn cùng lớp, khi là câu chuyện đậm chất ẩn dụ về loài cá mút đá. Đây là những chi tiết mà biên kịch và đạo diễn “vay mượn” từ truyện ngắn Scheherazade trong tập Men Without Women đã nhắc ở trên.

Nhưng dần dần, ta nhận ra đằng sau một cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm với sự hòa hợp tưởng như cả về thể xác và tâm hồn, là những khoảng trống bên trong mà họ không thể chia sẻ hay kết nối được với người bạn đời.

Coacute những ecircm đềm ẩn chứa becircn dưới lagrave đau thương
Có những êm đềm ẩn chứa bên dưới là đau thương.

Trong một lần trở về nhà, Kafuku phát hiện ra người vợ đầu gối tay ấp của mình đang làm tình với một người đàn ông khác, một đồng nghiệp trẻ điển trai tên là Koji (Masaki Okada). Kafuku bỏ ra khỏi nhà và không nói gì với vợ. Họ vẫn tiếp tục cuộc sống như chưa từng có gì xảy ra, dù Kafuku biết Oto không chỉ ngủ với một mình gã diễn viên trẻ đó.

Dường như có một khoảng trống hay bí mật nào đó bên trong người vợ mà anh không bao giờ hiểu được. Những cuộc ngoại tình của vợ anh chỉ diễn ra sau khi cả hai mất đi đứa con nhỏ. Nhưng rồi cơ hội để khám phá những bí mật và nỗi đau của người vợ lại mãi mãi bị chôn vùi vì cô đột ngột qua đời sau đó, để lại Kafuku sự day dứt mà anh hoàn toàn chôn chặt vào đáy lòng mình.

Đưa phần nội dung có thể xem là “twist” trong truyện ngắn lên phần đầu phim là một lựa chọn có chủ ý của đạo diễn. Hamaguchi muốn phá bỏ hoàn toàn những chi tiết mang tính kịch tính hoặc hồi tưởng có thể phá vỡ không khí đậm chất tự sự, trầm tư của hai nhân vật chính – điều mà anh kiểm soát rất tốt trong suốt cả bộ phim.

"Hình như tôi đã có một điểm mù chí tử"

Bộ phim chuyển tiếp sang bối cảnh thời hiện tại của hai năm sau, khi Kafuku chôn giấu nỗi đau của quá khứ. Anh tiếp tục công việc của một biên kịch - đạo diễn sân khấu và chuyển đến Hiroshima để dàn dựng vở kịch thể nghiệm Bác Vanya của nhà văn Nga T. Chekhov.

Hỗ trợ cho anh trong việc di chuyển tại thành phố này là Misaki (Tôko Miura), một nữ tài xế mới 20 tuổi rất trầm tính và luôn mang vẻ mặt dửng dưng. Cả hai đều che giấu cảm xúc và rất kiệm lời. Âm thanh chủ yếu trong suốt thời gian di chuyển của họ là tiếng Kafuku học lời thoại bằng cách đáp lại đoạn băng mà vợ anh đã ghi âm trước đây.

Bằng việc trao chigravea khoaacute chiếc xe hơi bao lacircu nay chỉ tự tay migravenh laacutei Kafuku mở ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của migravenh
Bằng việc trao chìa khoá chiếc xe hơi bao lâu nay chỉ tự tay mình lái, Kafuku mở ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mình.

Trên sân khấu thể nghiệm của vở kịch Bác Vanya, Kafuku tuyển chọn nhiều diễn viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Họ hoàn toàn thoại bằng tiếng mẹ đẻ của mình, với phần phụ đề tiếng Nhật chạy trên màn hình điện tử. (Thật thú vị là vài năm trước, một nhà hát của Nhật cũng phối hợp với nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội dàn dựng vở Bác Vanya với hình thức thể nghiệm tương tự).

Đây phải chăng lại là một ẩn ý khác của Hamaguchi, rằng trong đời sống hiện đại ngày nay, người ta có thể phá vỡ những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa để có thể hiểu nhau. Nhưng đôi khi, người ta lại không thể hiểu nhau khi nói chung một ngôn ngữ và thậm chí sống dưới cùng một mái nhà?

Trong số những diễn viên đến thử vai cho vở kịch Bác Vanya, Kafuku tình cờ chạm mặt Koji, gã diễn viên điển trai từng ngủ với vợ anh trước đây. Kafuku quyết định giao vai bác Vanya – nhân vật chính trong vở kịch cho Koji, dù tuổi tác của nhân vật và diễn viên cách biệt khá lớn. Nhưng Kafuku bất chấp sự mạo hiểm đó, vì với anh, chấp nhận tiếp cận gã diễn viên này là cơ hội để anh khám phá những bí mật của người vợ quá cố.

Biecircn kịch Kafuku vagrave gatilde diễn viecircn điển trai Koji
Cuộc chạm mặt với Koji đã khiến Kafuku phải mở lại những trang quá khứ anh từng từ chối đối mặt.

Mối quan hệ giữa ba con người xa lạ đó diễn ra trong hai không gian kỳ lạ: trên sân khấu của một vở kịch và bên trong một chiếc xe hơi. Khi họ dần dần kết nối với người khác cũng là lúc họ dám đối diện và nhìn thẳng vào bên trong, để nhận ra họ cô đơn và cô độc thế nào khi đánh mất sự kết nối với người mình yêu thương nhất.

Trong cuộc đối thoại trực diện về Oto giữa hai gã đàn ông, Kafuku thừa nhận rằng có những “điểm mù chí tử” trong cuộc hôn nhân giữa anh và Oto. Anh không thể nhận ra cho dù họ sống với nhau suốt hai thập niên, vừa gắn bó với nhau về mặt vợ chồng, vừa là hai người bạn và đồng nghiệp tin cậy của nhau.

Koji đáp lại rằng, cho dù yêu nhau say đắm hay sống trọn vẹn với nhau đến đâu đi nữa, thì việc nhìn thấu trái tim người khác là điều không thể. Càng đòi hỏi điều đó, càng chỉ khiến bản thân đau khổ mà thôi. “Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thật thẳng, thật sâu vào chính con người mình”.

Mỗi chúng ta là một hòn đảo cô độc

Men theo dòng chuyển tiếp nhịp nhàng từ không gian sân khấu của vở kịch Bác Vanya đến không gian bên trong chiếc xe Saab, những điều day dứt và tiếc nuối của những con người xa lạ, cô độc dần dần được tiết lộ.

Kafuku nhận ra anh đã đau đớn thế nào với những điều anh không dám đối diện. Những điều anh không thể nói ra trong đời thực dường như đều len lỏi đâu đó trong lời thoại trên sân khấu khi anh nhiều lần đóng vai bác Vanya. Và như vậy, vở kịch kinh điển nói về những điều tiếc nuối và vô phương cứu chữa đó lại gần như vừa khít với cuộc đời anh.

Kafuku  Drive My Car
Qua nhiều tổn thương, Kafuku vẫn tiếp tục sống mà chôn giấu đi những cảm xúc thật sự của mình.

“Tôi thực sự bị tổn thương nặng nề vì không dám lắng nghe bản thân mình. Cũng vì vậy mà tôi mất Oto mãi mãi”, anh tâm sự với Misaki, cô tài xế chỉ đáng tuổi con mình. Nghe điều đó, cô gái trẻ lâu nay vẫn giữ vẻ mặt dửng dưng cũng bắt đầu bộc lộ những tổn thương mà cô che giấu suốt bao năm trời.

Ở phần cuối phim, hầu hết là những cảnh đối thoại giữa hai nhân vật chính bên trong chiếc xe. Đây cũng là nơi xuất hiện một trong những hình ảnh đẹp nhất của bộ phim - cảnh Kafuku và Misaki hút thuốc và đưa hai điếu thuốc đang cháy dở lên phía trên cửa sổ trời, để khói không ảnh hưởng đến không gian trầm tư mặc tưởng bên trong. Họ tiếp tục tiếp tục chìm trong suy tư của mỗi người sau khi đã bộc lộ những bí mật chưa bao giờ chia sẻ với ai khác.

Phải chăng, đấy cũng là lúc họ đang nhìn sâu vào trái tim mình và tìm cách chữa lành những vết thương sâu của quá khứ?

Những quothograven đảo cocirc độcquot cũng coacute thể kết nối được với nhau
Những "hòn đảo cô độc" cũng có thể kết nối được với nhau.

Góc nhìn của bộ phim đã được dịch chuyển một cách khéo léo từ Kafuku sang Misaki để ta nhận ra, ai trong chúng ta cũng sống trên một hòn đảo cô độc. Ta sẽ ôm mãi trong mình những bí mật hay nỗi đau nếu không may mắn gặp ai đó có thể sẻ chia và thấu hiểu.

Trên vùng đất Hokkaido phủ tuyết trắng xóa ở cuối phim, cả hai con người mang trong mình quá nhiều tổn thương ấy đã ôm lấy nhau để an ủi nhau. Bởi cho dù có những tổn thương và mất mát không thể cứu vãn, cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm, như Misaki nói, “là cố gắng chấp nhận, và sống tiếp”.


(*) Câu văn được trích trong truyện ngắn “Drive My Car” của Haruki Murakami.