Đừng xin link nữa: Clip nóng hay lạnh thì cơ thể người vẫn 37°C | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đừng xin link nữa: Clip nóng hay lạnh thì cơ thể người vẫn 37°C

Sự tò mò của bạn có đang làm tổn thương người khác?
Đừng xin link nữa: Clip nóng hay lạnh thì cơ thể người vẫn 37°C

Nguồn: Tây Du Ký

Tại sao người bị lộ clip phải xin lỗi khi họ là nạn nhân? Có nhiều vấn đề xoay quanh câu chuyện lộ clip cũng như thói quen “xin link". Và đây là những lý do chúng ta nên ngừng xin những đường link này.

Không xin link vì không muốn ủng hộ hành động xâm phạm quyền riêng tư

Dù đã nhắc tới quyền riêng tư rất nhiều nhưng hôm nay chúng ta vẫn sẽ nhắc lại. Trọng tâm của vấn đề bảo mật thông tin là sự đồng thuận (consent).

Để nói một cách đơn giản, hãy dùng phép hoán dụ sự đồng thuận với ổ bánh mì. Nếu bạn đồng ý chia sẻ ổ bánh mì cho bạn của mình ăn thì điều đó không có gì sai cả. Mọi chuyện trở nên sai trái (thậm chí vi phạm pháp luật) khi người bạn đó lấy cái bánh mì của bạn ăn mà không hỏi ý kiến, thậm chí còn chia sẻ ổ bánh mì đó cho (nhiều) người khác.

Nên nếu lần tới bạn có ý định chia sẻ “link" hãy nhớ tới ổ-bánh-mì-đồng-thuận.

Không xin link vì một phần cư dân mạng đang “chỉ trích” sai đối tượng

Sự đổ lỗi cho nạn nhân (Victim-blaming) vẫn đang xảy ra. Chúng ta quên mất rằng người bị “tung" clip mới là nạn nhân của vụ việc, kẻ đáng bị chỉ trích là người tung clip đó ra ngoài.

Thay vì tỏ ra thông cảm với nạn nhân vì tai nạn không may mắn, đa số chọn lao vào đổ thừa: “Tại sao quay clip làm gì?”

Một lần nữa hãy áp dụng phép hoán dụ. Bạn gửi tiền cho ngân hàng và chẳng may ngân hàng bị ‘hack’ và bạn mất tiền’. Sau đó bạn bị “chửi" : “Ai bảo gửi tiền vào ngân hàng làm gì?”

Vậy nên, thay vì nhìn nhận vụ việc này là một scandal của người nổi tiếng, ta nên thay đổi góc nhìn rằng đây là “tội phạm mạng” (cyber-crime).

Không xin link vì có những cuộc hội thoại khác quan trọng hơn

Theo thống kê của Google Trends, tại Việt Nam lượt tìm kiếm về ‘sex’ luôn đứng đầu các nước Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới trong nhiều năm liền. Tình dục, cơ thể trần trụi là những thứ tự nhiên nhưng ai cũng ngại nói tới. Trong tiềm thức người ta đánh đồng nó với sự xấu hổ.

Từ việc “ngại" nói đã dẫn đến những ẩn ức cũng như những định kiến sai lầm về tình dục. Điều này dẫn đến câu chuyện đáng buồn, ta thể hiện sự kỳ thị trong tình dục, bộc lộ sự thù ghét và hằn học trong những bình luận.

Đã đến lúc ta nên có những đối thoại về tình dục giữa các thế hệ. Thay vì che mắt con cái ở những cảnh hôn nhau ta có thể giải thích rằng đây là hành động thể hiện tình cảm. Thay vì lo sợ mình “vẽ đường cho hươu chạy" khi nói về tình dục với con, ta có thể tạo ra con đường an toàn hơn.

Không xin link vì không muốn ủng hộ cho “revenge porn" hay “deep-fake”

Revenge porn được hiểu là “trả thù tình" bằng cách công khai clip nhạy cảm. Sự tò mò và quan tâm nhất định của công chúng đã tạo ra riêng “một thể loại" phim nóng, khi mà đa số nạn nhân là các người mẫu, diễn viên. Tại Mỹ hành động này được coi là “hèn hạ trong ứng xử văn hóa”. Tại bang California, đạo luật cấm “trả thù tình" đã ra đời nhằm ngăn chặn các hành vi đi ngược lại với đạo đức này.

Nắm được “thị hiếu” này, nhiều người đã áp dụng deepfake lên các ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, nạn nhân của deepfake có thể là bất cứ ai chứ không chỉ người nổi tiếng.

Kết

Sự tò mò trước những ‘clip nóng' là thứ hết sức bản năng của con người. Tuy nhiên ta nên có một giới hạn cho sự tò mò đó, nhất là khi nó làm người trong cuộc bị tổn thương.