Nhựa đã từng là phát minh vĩ đại của loài người, nhưng hiện tại đây lại là một trong những tác nhân hủy hoại đời sống con người bậc nhất. Hạn chế nhựa là cách để bảo vệ môi trường trực tiếp và đơn giản. Tuy nhiên, nhựa đã ăn sâu vào nền công nghiệp sản xuất hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ.
Không chỉ đơn giản là chai nước, hộp xốp hay túi nilon, nhựa tồn tại tại cả trong những sản phẩm “không giống nhựa”. Nhựa thậm chí còn có trong những sản phẩm ra đời với mục đích thay thế nhựa, nhưng thực chất lại khó phân hủy hơn cả nhựa.
Những vật dụng này có trong mỗi gia đình, được sử dụng hàng ngày và trực tiếp hủy hoại Trái Đất mà chúng ta không hề hay biết.
1. Ly giấy
Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi ly giấy được nêu tên đầu tiên. Trong suy nghĩ của nhiều người, ‘giấy’ đương nhiên sẽ dễ phân hủy hơn ‘nhựa’. Thế nhưng, có bao giờ bạn từng thắc mắc nhà sản xuất làm cách nào để tăng độ bền cho ly giấy? Tại sao ly giấy lại không bị thấm ướt và nhũn ra khi tiếp xúc với chất lỏng trong thời gian dài?
Hầu hết các loại ly giấy đều có một lớp nhựa polyetylen (PE) mỏng bên trong thành ly để tạo lớp cách nhiệt và giúp tăng độ bền. Tuy nhiên cũng chính lớp phủ này sẽ ngăn cản việc tái chế của ly. Bởi loại nhựa thường được dùng là PE hoặc PVC vốn không thể tái chế. Nói cách khác, những ly giấy này thậm chí còn khó phân hủy hơn cả ly nhựa thật sự!
2. Lon nước giải khát
Nhiều người vẫn thầm mặc định các lon nhôm này ít tác động đến môi trường hơn hẳn chai nhựa. Thế nhưng mới đây, kênh YouTube NurdRage đã làm một thử nghiệm khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ.
Để giữ được lượng khí CO2 từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng, bí quyết là gì? Câu trả lời chính là tráng một lớp nhựa dẻo để ngăn không cho nước có gas tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhôm. Bởi CO2 sẽ khiến dung dịch mang tính acid và ăn mòn lon nhôm nhanh chóng, làm hỏng hương vị. Dù xuất phát từ lợi ích người tiêu dùng, thế nhưng để tái chế những lon nhôm này cũng cần những kỹ thuật đặc biệt, đòi hỏi nguồn năng lượng lớn.
3. Khăn ướt
Mấy ai lại nghĩ khăn ướt có chứa nhựa? Nhưng đấy lại là sự thật. Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA) của Anh đã phân loại khăn ướt là mối nguy lớn với môi trường, gây nguy hại cho các sinh vật biển.
Khăn ướt vốn được cấu tạo từ hỗn hợp nhựa, bột gỗ và cotton. Cũng giống bất kỳ loại sản phẩm nhựa nào khác, chúng có khả năng làm ô nhiễm môi trường qua những hạt vi nhựa. Bên cạnh đó, các hóa chất độc hại được tẩm vào khăn cũng dễ hòa vào nước làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai xung quanh.
4. Đầu lọc thuốc lá
Theo CNN, ước tính có khoảng 6 ngàn tỷ điếu thuốc lá được sản xuất ra mỗi năm và có hơn 90% trong số chúng chứa đầu lọc nhựa. Như vậy sẽ có khoảng 1 triệu tấn nhựa sản sinh ra từ thuốc lá.
Trên thực tế, đầu lọc thuốc lá thường làm từ cellulose acetate, một loại nhựa vô cùng độc hại có thể mất đến một thập kỷ mới phân hủy được. Khi đầu lọc bắt đầu phân rã, chúng sẽ giải phóng tất cả các chất ô nhiễm đã hấp thụ trong khói thuốc trước đó, bao gồm nicotine, asen và chì vào môi trường. Những chất độc hại này sẽ theo đường nước và đi vào trong cơ thể nhiều loài sinh vật biển như cá, mực,… cuối cùng sẽ quay lại bàn ăn của con người.
5. Mỹ phẩm
Không chỉ bao bì mỹ phẩm thường được làm từ nhựa để tiết kiệm chi phí mà đến cả các thành phần trong mỹ phẩm cũng chứa nhựa. Trước đó, Giáo sư Sherri Mason, Chuyên gia Hóa học cho biết, “Chúng tôi tiến hành phân tích mẫu nước và thấy có vô số hạt nhựa tròn, trơn nhẵn đủ màu xanh, đỏ, tím, hồng”. Đó là những hạt chúng ta quen gọi là cát trong sữa rửa mặt.
Nhiều sản phẩm với công dụng làm sạch như sữa rửa mặt, sữa tắm, tẩy tế bào chết… có chứa những hạt nhựa siêu nhỏ với tác dụng thấm sâu loại bỏ bụi bẩn và chất nhờn trên da. Những hạt vi nhựa này về cơ bản được làm từ polyetylen (PE) nhưng có thể là nhựa hóa dầu khác như polypropylen (PP) hoặc polystyren (PS).
Sau khi hoàn thành vai trò ‘chất làm sạch sâu’ như quảng cáo, các hạt nhựa nhỏ này dễ dàng thoát qua hệ thống xử lý nước thải ra sông hồ, ao và đại dương. Từ đó, chúng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như chuỗi thức ăn đại dương.
6. Quần áo
Đây có lẽ là một trong những lý do gần đây những bạn trẻ theo lối sống xanh bắt đầu tối giản quần áo. Chắc bạn không ngờ rằng từng cái áo, chiếc quần của bạn sẽ tác động lên môi trường và Trái Đất như thế nào.
Imogen Napper, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Plymouth chia sẻ, “Không có nhiều người nhận thức được rất nhiều quần áo được làm từ nhựa như polyester hay acrylic”. Trong một nghiên cứu thí nghiệm gần đây, họ phát hiện ra, quần áo từ chất liệu polyester và acrylic đã làm rơi rớt hàng ngàn sợi nhựa sau mỗi lần giặt, tạo ra một nguồn ô nhiễm nhựa khác đổ xuống cống rãnh và cuối cùng, đi vào đại dương.
Vì thế, nếu có thể bạn hãy hạn chế mua sắm quần áo khi không cần thiết. Điều này không chỉ giúp ích cho túi tiền của bạn mà Trái Đất cũng sẽ biết ơn bạn nữa đấy!
7. Trà túi lọc
Để tăng độ nhận diện thương hiệu và bán được nhiều sản phẩm, những nhà nhà sản xuất của các loại trà túi lọc đã phát minh thêm nhiều kiểu dáng lạ mắt. Họ sử dụng các thành phần nhựa để làm cho các sản phẩm của mình thêm nổi bật và giữ hình dạng khi được nhúng vào nước sôi.
Khi những túi trà dần chuyển sang thành phần nhựa đồng nghĩa cũng có nhiều vấn đề hơn khiến chúng ta phải quan tâm. Một trong những vấn đề chính là các phân tử nhựa tạo nên túi trà sẽ bắt đầu bị phá vỡ trong nước nóng.
Phần lớn những túi trà này được sản xuất từ nhựa dẻo như: nilon, nhựa tổng hợp (PVC) hay nhựa polypropylen (PP). Cũng vì điều này, hóa chất trong túi trà có thể tiết ra chất độc vào nước trà khi gặp nhiệt độ cao. Nếu uống thường xuyên có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe, nhất là khi bạn sử dụng túi trà dùng nhiều lần.
Bài viết này được thực hiện bởi Eira.
Xem thêm:
[Bài viết] Người trẻ Việt và bảo vệ môi trường: là ý thức hay mãi là trào lưu?
[Bài viết] Lại Đây Refill Station – Trạm nhỏ lan tỏa lối sống xanh