Nhìn xung quanh, ai cũng đang thật vội. Vội vã vào giờ làm với áp lực từ deadline, vội vã vào giờ nghỉ bởi nhu cầu giải tỏa sau một ngày dài căng thẳng. “Nhanh” – một từ vốn để chỉ tốc độ, nay đã trở thành tên của một lối sống khá phổ biến nhưng đem lại nhiều hậu quả không tốt tới sức khỏe cộng đồng.
Cũng có nhiều bạn trẻ cảm thấy mỏi mệt và muốn thoát ra để chậm hơn, song để áp dụng lối sống “bước chậm lại giữa thế gian vội vã” quả thật là một thử thách. Vậy lý giải cụ thể cho cái “khó” này là gì?
Trước hết, sống chậm nghĩa là gì?
Sống chậm là lối sống đề cao tập trung vào một việc, thay vì chuyển qua lại giữa nhiều việc mà không thực sự tập trung cụ thể vào việc nào. Cụ thể là bạn ưu tiên tập trung vào những khía cạnh cần đầu tư suy nghĩ, bao gồm: cảm xúc, hành vi, hưởng thụ những giá trị tinh thần (như văn hóa, nghệ thuật), và sự kết nối của bản thân bạn với vạn vật xung quanh.
Ví dụ như khi tham dự một buổi diễn âm nhạc, bạn tập trung lắng nghe để tận hưởng vẻ đẹp của giai điệu và hòa cùng không khí náo nhiệt của khán giả. Điều này sẽ đem lại cảm nhận sống động cùng kỷ niệm khó phai hơn nhiều so với việc cắm cúi dùng điện thoại đăng story cập nhật. Lúc ấy bạn có thể tiếp thu trọn vẹn tác phẩm của người nghệ sĩ, thay vì bị phân tâm rồi bỏ lỡ một khoảnh khắc nào đó khi đang nhấn “đăng tải”.
Sống chậm giúp bạn ưu tiên tập trung vào cảm xúc, hành vi, hưởng thụ những giá trị tinh thần, và sự kết nối của bản thân bạn với vạn vật xung quanh.
Ban đầu nhiều người sẽ e dè vì thấy chữ “chậm” trong đó. “Liệu chậm lại có tốn thời gian hơn rồi tụt hậu không?” — tôi từng tự vấn bản thân, và sau này chính tôi cũng nhận được câu hỏi như vậy từ người khác mỗi khi đề cập đến chủ đề này. Câu trả lời sau một thời gian tìm hiểu và trải nghiệm là “không”, bởi vì sống chậm không phải là lề mề.
Lề mề là lãng phí thời gian, làm gì cũng chậm, chậm không cần thiết. Sống chậm, trái lại sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những giá trị cốt lõi. Chẳng hạn, khi học bài thì việc sắp xếp bàn học gọn gàng, in tài liệu tham khảo cần được thực hiện nhanh chóng để có thời gian tập trung tiếp thu, giải quyết bài tập. Hay buổi sáng cần vệ sinh cá nhân nhanh gọn để có thời gian cho một bữa sáng thư thả, ngon lành.
Tại sao sống chậm lại khó?
Sống chậm được cho là “khó” vì hướng đi của nó trái ngược với đám đông. Tâm lý đám đông dễ chỉ trích người khác khi thấy những gì không giống với quan niệm của họ, nên khi có một cá thể khác biệt, người đó phải nhận lấy sự tiêu cực không mong muốn.
Mức độ thường thấy nhất của những tiêu cực đó là những lời chê bai, đánh giá từ xung quanh, kể cả là người thân, bạn bè. Hiện tượng này xảy ra ở mọi độ tuổi và đều để lại hậu quả là nỗi tự ti đến mức “sợ” khác biệt để được an toàn. Chính vì thế mà trong một nghiên cứu 1600 trẻ từ 8 – 16 tuổi, có 52% trẻ bày tỏ nỗi lo lắng trở nên khác biệt với cộng đồng vì sợ bị bắt nạt.
Sống chậm được cho là “khó” vì hướng đi của nó trái ngược với đám đông.
Nỗi sợ không xấu, nó được sinh ra để bảo vệ con người. Nhưng sợ hãi vì tự ti thì lại hoàn toàn khác, vì nó cản trở sự phát triển của chính bạn. Bên cạnh yếu tố khách quan, sự tự ti còn đến từ sức đề kháng tâm lý chưa tốt, khiến con người ta luôn so sánh mình với người khác. Thế giới ảo, cụ thể là mạng xã hội với quá nhiều hình mẫu đáng mơ ước là một chất xúc tác làm cho sự tự ti trong giới trẻ ngày nay trầm trọng hơn.
Để tự tin sống một lối sống khác với số đông yêu cầu về tâm lý cá nhân vững. Việc này xuất phát từ ý chí cầu tiến và khả năng cân chỉnh tâm lý để đối mặt với những thiếu sót của bản thân. Có được hai điều ấy lại là cả một quá trình tự học hỏi bền bỉ, và chính điều này hình thành độ “khó” của sống chậm.
Làm thế nào để sống chậm?
Tuy nhiên, lối sống này không khó tới mức không thể thực hiện được. Thực chất, sống chậm lại bắt đầu từ những bước khá đơn giản như sau.
1. Học cách phân phối thời gian
Một trong những cách quan trọng nhất để phân phối thời gian hiệu quả, đó là tạo thói quen liệt kê những việc cần làm mỗi ngày phù hợp với khả năng và giới hạn của bạn. Bạn cần chọn lọc để ưu tiên thực hiện những công việc có mức độ quan trọng từ cao tới thấp.
Tạo thói quen liệt kê những việc cần làm mỗi ngày là bước đơn giản và cơ bản nhất để bắt đầu sống chậm.
Ví dụ với một nhân viên đang đi làm, nếu tuần đó có 20 việc thì có thể lên lịch làm 3 việc mỗi ngày. Trong ngày đó, bạn dành thời gian nhiều nhất cho công việc, trung bình cho các mối quan hệ cá nhân và ít nhất là chơi thể thao.
Một khi đã làm xong công việc được lên lịch cho một ngày, phần thời gian còn lại bạn có thể yên tâm nghỉ ngơi mà không cần phiền não vì mình chưa làm xong được việc gì, hay stress do phải làm quá nhiều.
2. Luôn tin rằng bạn không một mình
“Nếu chỉ một mình tôi chậm lại trong cuộc sống nhanh thì sao?” Vốn dĩ tâm lý đám đông có lực quán tính rất cao, chúng ta dễ bị “nỗi sợ khác biệt” cuốn theo dòng chảy vội vã. Yêu thương bản thân, trong trường hợp này chính là gốc rễ tinh thần của sống chậm. Niềm tin vững chắc vào bản thân sẽ giúp bạn dũng cảm bước tiếp mà không bị xao động từ các yếu tố gây nhiễu từ trong và ngoài.
Giống như một con thuyền giữa dòng nước xiết, nếu trọng tâm của nó không vững vàng thì sẽ bị dòng nước cuốn ra chỗ nguy hiểm, thậm chí là bị lật. Nội tại của con người cũng vậy, nó chính là trọng tâm giữ thăng bằng để bạn sống chậm.
Sống chậm không phải là lập dị, trái lại nó còn giúp bạn thu hút những người hướng đến phong cách sống tương tự.
Bên cạnh đó, sống chậm không phải là lập dị, trái lại nó còn giúp bạn thu hút những người hướng đến phong cách sống tương tự. Khi bạn sống chậm, cuộc sống của bạn sẽ phát triển theo hướng tích cực hơn do có sự suy nghĩ thấu đáo trong hành động và cảm xúc. Nguồn năng lượng tích cực đó sẽ lan tỏa ra xung quanh, không chỉ giúp bạn tìm thấy sự kết nối với những người có cùng phong cách, mà còn có thể nhân rộng lối sống này với nhiều người hơn.
Kết
Sống chậm có thể là một thử thách vì nó yêu cầu kỹ năng sắp xếp thời gian tốt và nền tảng tâm lý vững vàng. Tuy nhiên, chỉ cần bắt tay vào thực hiện từng bước một, bạn sẽ thấy việc hình thành thói quen sống chậm bền lâu không hề khó như tưởng tượng.
Bài viết này được thực hiện bởi Hà Phạm.
Xem thêm:
[Bài viết] Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó
[Bài viết] Vì sao không nên vội vàng nhảy ra khỏi vùng an toàn