1. Chỉ số chứng khoán cho bạn biết gì?
Để theo dõi sức khỏe tim mạch một người, ta quan sát nhịp tim của họ. Tương tự, để theo dõi sức khỏe nền kinh tế, ta dựa vào chỉ số chứng khoán.
Chỉ số chứng khoán cho ta biết chênh lệch về giá của một cổ phiếu qua một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số tăng đồng nghĩa giá trị thị trường của cổ phiếu đó tăng và ngược lại. Theo đó, ta cũng biết được công ty, thị trường hay ngành phát hành cổ phiếu đó có đang hoạt động tốt hay không.
Tuy nhiên, để đánh giá nền kinh tế của một quốc gia hay toàn cầu, ta không dựa vào chỉ số của một cổ phiếu, mà là những cổ phiếu dẫn đầu thị trường của các doanh nghiệp đầu ngành. Theo đó ta có VN30, Dow Jones, Nikkei 225 tương ứng với chỉ số chứng khoán của Việt Nam, Mỹ hay Nhật.
Vì Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới, sức khỏe kinh tế thế giới phần lớn sẽ được đánh giá dựa theo chỉ số chứng khoán Mỹ.
2. Chỉ số chứng khoán ra đời như thế nào?
Cuối thế kỷ 19, thông tin về thị trường chứng khoán Mỹ còn rất manh mún và chưa được tổng hợp đầy đủ. Vì thế để theo dõi hiệu quả chuyển động từng ngày của thị trường, Dow Jones & Company đã nghiên cứu và công bố chỉ số trung bình công nghiệp dựa trên 12 công ty lớn nhất thị trường chứng khoán New York (năm 1896).
Qua thời gian, giỏ cổ phiếu dùng để tính chỉ số Dow Jones (viết tắt DJIA) được nới rộng lên thành 30. Các cổ phiếu được lựa chọn dựa vào:
- Danh tiếng của công ty phát hành
- Độ lớn của giá trị vốn hóa thị trường
- Tốc độ thanh khoản (chuyển đổi ra tiền)
Những công ty không giữ được giá trị theo thời gian sẽ bị đào thải.
3. Cách tính chỉ số chứng khoán?
Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones (DJIA) được tính bằng cách lấy tổng giá trị của 30 cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán New York chia cho ước số DJIA (hiện quy ước là: 0,14748071991788).
Tuy nhiên, mỗi nền kinh tế lại có một cách tính khác nhau. VN30 vận dụng cách tính phức tạp hơn dựa vào phương pháp bình quân gia quyền.
4. Chỉ số chứng khoán tăng giảm ảnh hưởng gì đến bạn?
Chỉ số chứng khoán tăng chứng tỏ nền kinh tế hoạt động tốt, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tích cực, đầu tư tăng lên, nhiều việc làm có thể mở ra, lương thưởng có thể được cải thiện…
Tuy nhiên nếu giảm điểm dài hạn thì nền kinh tế đang gặp vấn đề.
Cụ thể trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm tồi tệ nhất trong lịch sử báo hiệu những bất ổn đang xảy ra:
Doanh nghiệp đang thua lỗ và đóng cửa hàng loạt. 74% doanh nghiệp dự báo phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng. Những công ty sa thải hàng chục ngàn nhân viên, hay phải giảm lương, cho nghỉ việc tạm thời như trường hợp Vietnam Airlines với hơn 20.000 lao động bị ảnh hưởng. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch, giáo dục, ăn uống cũng đã đóng cửa vô thời hạn.
Chắc bạn đã không còn xa lạ khi mỗi ngày nghe tin một công ty cho nhân viên nghỉ việc, công ty bạn bè tuần tới cắt giảm lương, một nhà hàng quen thuộc đã ngừng phục vụ hay con cái, anh em, họ hàng đã phải nghỉ học từ Tết đến giờ.
Đặc biệt, nếu giảm điểm mạnh và trong thời gian dài như hiện tại, khả năng lớn sẽ xảy ra suy thoái kinh tế.
Nhưng đó chỉ là mở đầu. Khủng hoảng sẽ xảy ra khi cung không đủ cầu, các nhu yếu phẩm bị khan hiếm, giá cả bị thổi lên chóng mặt. Tài chính của bạn không đủ để trang trải cho sinh hoạt bản thân và gia đình hay lo các khoản chăm sóc sức khỏe. Chưa kể nếu bạn đang có những món nợ phải trả…
Chỉ 2 tháng trước, bạn còn đang lướt những dòng tin về người nông dân thua lỗ vì không xuất khẩu được nông sản và thấy nó xa lạ với bản thân. Nhưng ở hiện tại, có khả năng chính bạn đang chuẩn bị đối mặt với sự thất nghiệp, giảm lương hay thậm chí không được tuyển vào công ty nào từ Tết đến giờ.
Vì vậy, theo dõi các chỉ số chứng khoán giúp ta lường trước được những rủi ro trong tương lai để chuẩn bị kế hoạch tài chính phòng khi thất nghiệp hay kinh doanh thất bát. Và đôi khi nó cũng giúp ta tìm ra cách để cải thiện tình hình.
Chuỗi bài Tin Một Dòng của Vietcetera đang cập nhật những diễn biến mới nhất về kinh tế, giúp bạn nhìn thấy tác động qua lại giữa thị trường chứng khoán với các yếu tố kinh tế khác trong mùa COVID-19.
5. Những điều đáng chú ý khác
Cổ phiếu của Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon không được cho vào giỏ cổ phiếu Dow Jones vì chúng có giá trị quá lớn. Đồng nghĩa, chúng sẽ chiếm tỷ trọng quá lớn trên thị trường chứng khoán và lấn át các cổ phiếu còn lại.
Có tới 3 chỉ số Dow Jones chứ không chỉ 1. Ngoài chỉ số phổ biến nhất là Dow Jones Industrial Average mà chúng ta đã phân tích thì còn có 2 chỉ số Dow Jones khác kém phổ biến hơn là Dow Jones Transportation Average (DJTA) và Dow Jones Utilities Average (DJUA) cho ngành vận tải và dịch vụ.
Giá trị hiện tại của Dow Jones là 20,188.52, vượt xa chỉ số ban đầu là 40.49 điểm vào năm 1896. Nhìn vào đây, ta có thể hình dung sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Mỹ trong hơn 100 năm qua.
Bài viết được thực hiện bởi Tử Long.