Vì sao "Hãy suy nghĩ tích cực" là một lời khuyên phản tác dụng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao "Hãy suy nghĩ tích cực" là một lời khuyên phản tác dụng?

Lời khuyên "hãy suy nghĩ tích cực lên đi!" thực chất có thể gây hại hơn là những ý tốt đằng sau chúng. Vậy chúng ta phải 'suy nghĩ' như thế nào cho đúng?
Vì sao "Hãy suy nghĩ tích cực" là một lời khuyên phản tác dụng?

Vì sao "Hãy suy nghĩ tích cực" là một lời khuyên phản tác dụng?

Hồi còn học cấp Ba, tôi rất mê đọc sách self-help. Tuy nhiên, càng đọc tôi lại càng cảm thấy bế tắc. Lý do là vì nội dung các cuốn sách dù có khác nhau, một lời khuyên tràn lan trên các trang sách vẫn là suy nghĩ tích cực (positive thinking). Ngay cả trong cuộc sống thường ngày, nhiều người vẫn hay khuyên bạn “hãy suy nghĩ tích cực lên” khi đối mặt với những tình huống khó khăn hay khi có chuyện buồn.

“Suy nghĩ tích cực” từ bao giờ đã trở thành một câu thần chú cho mọi vấn đề. Tuy nhiên, chưa chắc nó đã hiệu nghiệm như chúng ta (muốn) tin.

Những cảm xuacutec được cho lagrave tiecircu cực như lo acircu sợ hatildei lại khiến chuacuteng ta chuacute trọng nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ
Những cảm xúc được cho là tiêu cực như lo âu, sợ hãi lại khiến chúng ta chú trọng nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ.

Đầu tiên, không phải ai cũng có xu hướng suy nghĩ tích cực một cách dễ dàng. Theo mô hình tính cách Năm Nhân Tố (Big Five Personality Traits), một trong năm nhân tố định hình tính cách con người đó là sự nhạy cảm (neuroticism).

Những người có độ nhạy cảm cao thường sẽ dễ cảm thấy buồn rầu và trải nghiệm những cảm xúc được cho là tiêu cực (như lo lắng, sợ hãi, tức giận, cô đơn…). Việc cố ép họ phải suy nghĩ tích cực đôi khi lại gây tác dụng ngược, vì nếu có thể thì họ đã làm vậy từ lâu rồi.

Suy nghĩ tích cực cũng có “tác dụng phụ”

Làm giảm động lực để cải thiện bản thân

Suy nghĩ tích cực là một yếu tố quan trọng giúp bạn đạt được thành công, tuy nhiên sẽ rất khó để đạt được mục tiêu nếu chỉ “suy nghĩ” mà không hành động. Nghiên cứu đã chứng minh việc suy nghĩ tích cực có thể hủy hoại động lực để bạn bắt tay vào làm việc hoặc lập kế hoạch để đạt được mục tiêu. Khi chỉ nghĩ về một tương lai tích cực, chúng ta vô tình đắm mình vào tương lai ấy và từ đó có rất ít động lực để hành động.

Để khắc phục được điều này, giáo sư Grabriele Oettigen tại Đại học New York đã đề ra một phương thức có tên viết tắt là WOOP (wish, outcome, obstacle, plan). Cụ thể, hãy tưởng tượng ra điều bạn đang muốn (wish) cùng với kết quả tốt nhất có thể khi đạt được chúng (outcome). Sau đó, hãy cố gắng chỉ ra những trở ngại lớn nhất trong quá trình hành động (obstacles) và cuối cùng là lập kế hoạch để vượt qua chúng (plan). Với phương thức này, chúng ta có thể tận dụng được lợi ích của việc suy nghĩ tích cực nhưng vẫn đủ “tiêu cực” để có thể nhìn ra được những khó khăn trước mắt.

Để sống tốt chuacuteng ta cần cả suy nghĩ tiacutech cực lẫn tiecircu cực
Để sống tốt, chúng ta cần cả suy nghĩ tích cực lẫn tiêu cực.

Khiến chúng ta dễ dàng đánh giá sai thực tế

Suy nghĩ tích cực khiến chúng ta có cảm giác như đang kiểm soát được tình hình hiện tại. Tuy nhiên, việc cảm thấy quá tích cực hay tự tin có thể làm ta không đánh giá đúng thực tế. Trong một chuỗi các thí nghiệm được thực hiện bởi Lauren B. Alloy và Lyn Y. Abramson, những người tích cực được đánh giá là có cái nhìn thiếu thực tế hơn nhiều về bản thân so với những người tiêu cực.

Cũng theo bác sĩ Neel Burton, tác giả cuốn sách Hide and Seek, đúng là những người bị trầm cảm thường có xu hướng diễn giải các sự kiện hàng ngày theo hướng tiêu cực hơn. Tuy nhiên, đa phần những người không bị trầm cảm lại có xu hướng nhìn nhận mọi thứ một cách sai lệch. Chẳng hạn, đa số mọi người sẽ tự đánh giá bản thân là một công dân tốt hơn so với mức trung bình – một điều hoàn toàn không đúng về mặt thống kê!

Suy nghĩ tiêu cực cũng có mặt tích cực

Khiến chúng ta chú ý đến chi tiết nhiều hơn

Những cảm xúc được cho là tiêu cực như lo âu, sợ hãi lại khiến chúng ta chú trọng nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ. Điều này đặc biệt có ích đối với những ngành nghề đòi hỏi chú trọng nhiều đến tiểu tiết cũng như quan trọng sự cẩn thận.

Ngoài ra, theo Kashdan và Biswas-Diener, tác giả của cuốn sách “The Upside of Your Dark Side”, những người dễ cảm thấy buồn rầu và chán nản sẽ chú ý đến chi tiết nhiều hơn, ví dụ như biểu cảm trên khuôn mặt. Từ đó, họ dễ dàng đoán biết được cảm xúc của người đối diện hơn. Đặc tính này rất có lợi trong những ngành đòi hỏi sự tiếp xúc nhiều với khách hàng cũng như giao tiếp với đối tác.

Nếu sự lo lắng chu toagraven của tocirci bị dập tắt bởi lời khuyecircn ldquohatildey suy nghĩ tiacutech cựcrdquo cả taacute rắc rối đatilde coacute thể xảy ra
Nếu sự lo lắng chu toàn của tôi bị dập tắt bởi lời khuyên “hãy suy nghĩ tích cực”, cả tá rắc rối đã có thể xảy ra.

Giúp chúng ta tránh được những tình huống tiêu cực

Theo Julie Norem, tác giả cuốn sách The Positive Power Of Negative Thinking, những người có xu hướng suy nghĩ tiêu cực dạng phòng vệ (defensive pessimism) thường sẽ tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Từ đó, họ có thể chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể để tránh được những tình huống ấy và đạt được kết quả tốt hơn trong công việc.

Suy nghĩ tiêu cực giúp tôi chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Làm trong ngành du lịch, tôi thường lên chương trình cho những kì nghỉ của khách. Nếu sự lo lắng chu toàn của tôi bị dập tắt bởi lời khuyên “hãy suy nghĩ tích cực”, cả tá rắc rối đã có thể xảy ra. Suy nghĩ tích cực mà không báo trước với khách tình hình giao thông ở Sài Gòn vào giờ cao điểm có thể khiến cho họ bị trễ chuyến bay ngàn đô.

Lời kết

Những điều trên không có nghĩa là chúng ta hãy chuyển hướng sang suy nghĩ tiêu cực hoàn toàn. Suy nghĩ tích cực vẫn luôn có những lợi ích nhất định: giúp bạn có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc hơn, có những mối quan hệ và thói quen lành mạnh hơn. Ngoài ra, những người sống tích cực cũng có tuổi thọ cao hơn so với những người suy nghĩ tiêu cực.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, suy nghĩ tích cực cũng có những mặt trái riêng của nó. Nếu được, bạn hãy cố gắng cân bằng cả hai: suy nghĩ đủ tích cực để có thể sống tốt trong một xã hội đầy áp lực, nhưng cũng giữ cho mình một chút “tiêu cực” để biết được những khó khăn trong thực tế cũng như giới hạn của mình đến đâu.

Bài viết được thực hiện bởi Sơn Đặng.

[Bài viết] Tại sao “Hãy hết mình theo đuổi đam mê” là một lời khuyên tồi?

[Bài viết] Những điều bạn phải đánh đổi khi chọn sống độc thân