Tách biệt với ‘thế giới loài người’ là một phương án thư giãn hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng tối ưu. Bởi mỗi người có một tính cách và lối sống khác nhau, nên việc giải tỏa căng thẳng cũng cần được đầu tư sao cho đa dạng và mới mẻ.
Vì thế, bên cạnh những biện pháp thư giãn ‘hướng nội’, tôi sẽ gợi ý thêm cho bạn một vài cách mà tôi và bạn bè đã thử trải nghiệm. Thay vì né tránh, chúng tôi tận dụng sự náo nhiệt của cuộc sống xung quanh để làm liệu pháp tâm lý giúp mình giải tỏa áp lực.
1. Chiêm ngưỡng sự vận động của cuộc sống
Chúng ta có xu hướng tự nhốt mình trong một không gian biệt lập khi cảm thấy bế tắc. Tuy đây là một phương pháp giúp chúng ta tập trung tuyệt đối, nhưng qua trải nghiệm cá nhân, cách làm này chỉ phát huy hiệu quả trong vài phút cho đến một tiếng. Nếu kéo dài hơn, chính tính chất tĩnh lặng trong không gian kín sẽ phóng đại những luồng suy nghĩ của tôi, cuối cùng khiến tôi bị mắc kẹt trong chính mớ hỗn độn do mình tạo ra.
Việc làm hữu hiệu tại thời điểm đó là bạn nên bước ra ngoài ban công, hoặc làm một vòng dạo quanh thành phố trên chiếc xe máy của mình. Nếu cố gắng hoà mình vào sự nhộn nhịp của cuộc sống thì sẽ hơi quá sức, thay vào đó bạn có thể chọn cách đứng ngoài để thưởng thức. May mắn thay, Sài Gòn là một thành phố không bao giờ ngủ, cho phép chúng ta ngắm nhìn thoả thích bất kỳ lúc nào.
Phương pháp này không chỉ giúp đầu óc bạn thư thái mà còn giúp bạn nhận ra dù bản thân có đang bế tắc như thế nào thì Trái Đất vẫn xoay, dòng người vẫn di chuyển, và bạn cũng sẽ không dừng chân tại chỗ mãi được. Hoặc biết đâu, chính những diễn biến và sắc thái mộc mạc của cuộc sống lại cho bạn nguồn cảm hứng và lạc quan, giúp bạn gỡ rối những vấn đề của mình.
2. Thử đồ
“So với phương án ‘xả stress’ bằng mua sắm thì cách này kinh tế hơn nhiều,” một người bạn của tôi chia sẻ về thói quen giải tỏa căng thẳng có phần độc đáo của mình. Để tối ưu hoá phương pháp này, bạn nên đến các cửa hàng quen thuộc để thử quần áo nhằm đảm bảo trải nghiệm thoải mái nhất cho mình.
Việc lựa chọn trang phục và ‘chơi đùa’ giữa màu sắc, dù có ý định mua hay không, cũng chiếm cứ thời gian lẫn tâm trí của bạn, khiến những suy nghĩ tiêu cực không còn chỗ chiếm dụng. Ngoài ra, khi khoác lên bộ trang phục yêu thích và tưởng tượng mình sẽ diện chúng trong các sự kiện sắp tới, bạn sẽ cảm thấy hứng khởi và tự tin hơn.
Trong trường hợp lo ngại về vấn đề tài chính, bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều này tại nhà. Tôi tin chắc trong tủ đồ của bạn vẫn còn khá nhiều món đồ bị bỏ quên. Nhân dịp này, sao không thử phối chúng lại với nhau, và tủ đồ của bạn sẽ như có thêm vài bộ quần áo mới. Nỗi khổ ‘không có gì để mặc’ cũng sẽ đồng thời được tiêu giảm phần nào.
3. Đừng cô lập bản thân quá lâu
Chúng ta thường có xu hướng tự tách biệt bản thân khi căng thẳng. Nếu cứ tiếp tục giữ áp lực một mình ngày qua ngày, chúng ta sẽ càng cô đơn và lạc lõng, cuối cùng lạc lối trong chính vòng lặp do mình tạo ra.
Khi cảm thấy bế tắc và quá sức để tiếp tục tự giải quyết một vấn đề nào đó, bạn hãy thử trò chuyện, hoặc chỉ đơn giản là ngồi cạnh một người bạn thân thiết của mình. Đương nhiên, sẽ hoàn hảo hơn nếu bạn có dịp được ngồi xuống tán gẫu cùng hội bạn thân.
Cảm giác quen thuộc, tin tưởng khi ở bên, cũng như những câu đùa hợp gu không đầu không đuôi từ họ sẽ là những yếu tố đem lại cho bạn một tâm trạng thư thái. Nếu giải thích theo góc nhìn khoa học thì sự hiện diện của một người bạn thân thiết có tác dụng ngăn chặn lượng ‘nội tiết tố stress’ cortisol trong cơ thể tăng cao.
“Sau khi mở lòng với bạn bè là lúc tôi tự mình sàng lọc những ý nghĩ tiêu cực không cần thiết, hoặc nhận ra một số vấn đề bản thân đang mắc phải vốn không hề phức tạp,” một người bạn bật mí với tôi.
4. Cởi-mở
Lúc nhỏ, khi gặp uất ức hay ngã đau, chúng ta thường nũng nịu lao vào vòng tay bố mẹ để được vỗ về, vuốt ve. Đến khi trưởng thành, khao khát tự nhiên này của chúng ta cũng chưa từng mất đi mà chỉ bị kìm hãm, nhường chỗ cho sự cứng rắn.
Vì thế, khi bản thân đã quá mệt mỏi, chúng ta có thể tìm đến một cái ôm ấm áp cũng như vài động tác vuốt ve dịu dàng. Ở những khoảnh khắc cảm xúc này, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng chất endorphin và oxytocin. Chúng được xem là hai liều thuốc ‘hạnh phúc’ giúp tiêu trừ nỗi lo âu, đem đến cho chúng ta một tâm trạng thoải mái và yên bình hơn.
Xem thêm:
[Bài viết] Làm thế nào để yêu thương cơ thể mình?
[Bài viết] Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?