5 Bí quyết giúp bạn trò chuyện với người hướng nội | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 08, 2019
Cuộc SốngChất Lượng Sống

5 Bí quyết giúp bạn trò chuyện với người hướng nội

Biết cách giao tiếp với một người hướng nội là một kỹ năng đáng để học hỏi, nhất là đối với người hướng ngoại. Đó sẽ là một cơ hội để quen biết và tạo mối quan hệ với những người “bí ẩn" và sở hữu những nét tính cách trái chiều đầy cuốn hút.

5 Bí quyết giúp bạn trò chuyện với người hướng nội

Trong bất kỳ môi trường nào thì giao tiếp cũng là chìa khoá kết nối con người. Đây thường không phải vấn đề quá nan giải khi đối tượng là người hướng ngoại vốn đã thích trò chuyện và kết giao. Ngược lại, người hướng nội tạo cho người khác cảm giác khó gần và khó bắt chuyện hơn, bởi họ thường khá kiệm lời và thu mình.

Tuy nhiên, người hướng nội cũng có chủ đề họ thấy hứng thú và phương pháp giao tiếp mà họ thấy thoải mái. Biết cách giao tiếp với một người hướng nội là một kỹ năng đáng để học hỏi, nhất là đối với người hướng ngoại. Đó sẽ là một cơ hội để quen biết và tạo mối quan hệ với những người “bí ẩn” và sở hữu những nét tính cách trái chiều đầy cuốn hút.

Hãy cùng Vietcetera điểm qua những bí quyết dưới đây để việc khiến người hướng nội hòa vào cuộc trò chuyện không còn là vấn đề quá khó khăn nữa.

1. Đừng bắt đầu câu chuyện một cách hời hợt

Những cuộc chuyện phiếm không đầu không đuôi là điều mà những người hướng nội luôn tận lực xa lánh. Họ sẽ né tránh ánh mắt người quen khi vô tình bắt gặp trên đường, hoặc từ chối tham gia những bữa tiệc sau giờ làm với những đồng nghiệp không mấy thân thuộc, tất cả chỉ để không phải vướng vào bầu không khí ngượng ngập giữa những đoạn đối thoại ngắn ngủi vô vị.

Trong cuốn “Sức mạnh hướng nội”, tiến sĩ Laurie Helgoe từng chỉ ra rằng, “người hướng nội ghét nói chuyện phiếm không phải vì họ ghét con người, mà họ ghét thứ rào cản giữa người với người đằng sau những câu chuyện phiếm đó.” Chúng chỉ tạo được đối thoại trên bề mặt chứ không thật sự giúp người tham gia biết thêm được gì về đối phương. Tính chất “lịch sự” và “xã giao” của những lần đối thoại đó tuy có thể hạn chế gây mất lòng, nhưng đồng thời cũng ngăn cản sự chân thật và cơ hội xây dựng mối quan hệ dựa trên nền tảng cảm xúc.

Những đoạn hội thoại ngắn ngủi với những người không quá thân quen sẽ chẳng giúp tìm hiểu thêm gì mới về đối phương Vì vậy người hướng nội thường có xu hướng giảm các cuộc trò chuyện tán gẫu vô ích này lại sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Những đoạn hội thoại ngắn ngủi với những người không quá thân quen sẽ chẳng giúp tìm hiểu thêm gì mới về đối phương. Vì vậy, người hướng nội thường có xu hướng giảm các cuộc trò chuyện, tán gẫu vô ích này lại.

Tuy nhiên, những đoạn đối thoại nho nhỏ như vậy lại không thể thiếu để làm đầu câu chuyện, miễn là bạn biết cách biến nó trở nên thú vị và không đi vào ngõ cụt. Đừng bắt đầu bằng những câu “vô thưởng vô phạt”, có thể trả lời ngắn gọn bằng vài ba từ. Chẳng hạn, thay vì hỏi “bạn khoẻ không”, hãy thử hỏi “công việc của cậu dạo này có gì thú vị không” để gợi cho họ một hướng phát triển đối thoại có chiều sâu hơn.

2. Buổi trò chuyện cần phải có ý nghĩa và có mục đích

Người hướng nội dành nhiều thời gian phân tích chi tiết và gốc rễ của mọi việc, nhằm tìm kiếm những điều ý nghĩa đằng sau đó. Chính vì vậy, sau khi đã gợi hứng thú của họ bằng một cách bắt chuyện mới mẻ, bạn cần nâng tầm câu chuyện theo một chiều hướng sâu sắc hơn.

Theo một khảo sát, người hướng nội thường rất thích thú và trở nên tràn đầy năng lượng khi nói về những ý tưởng. Khi trò chuyện với họ, hãy thử xoay quanh những chủ đề như triết lý, bài học cuộc sống, khó khăn từng trải, hoặc mục tiêu lớn trong đời. Họ rất thích những chủ đề đào sâu vào thế giới nội tâm của con người, nghe về những ý tưởng mới, tìm kiếm những câu chuyện mới và học hỏi những điều mới.

Người hướng nội thích và có khả năng lắng nghe, đồng thời cũng suy nghĩ rất thấu đáo và sâu sắc. Vì vậy, tâm sự hoặc hỏi ý kiến của họ về một vấn đề bạn đang gặp phải là một ý tưởng không tồi. Đôi khi bạn sẽ bất ngờ về những khía cạnh mà một người hướng ngoại sẽ không thể nào nhìn thấy được đấy.

3. Không gian trò chuyện phù hợp

Bản chất của người hướng nội là “nạp” năng lượng khi ở những nơi yên tĩnh và một mình. Họ không quen với việc ở những nơi đông người quá lâu, vì như thế sẽ khiến họ bị “rút cạn” năng lượng. Trái ngược với người hướng ngoại, sự náo nhiệt sẽ khiến người hướng nội càng trở nên tách biệt chứ không hề khơi gợi được sự hào hứng ở họ.

Không phải nơi đông người mà ngược lại nơi yên tĩnh và những cuộc trò chuyện riêng tư mới là lúc người hướng nội “toả sáng” sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Không phải nơi đông người, mà ngược lại, nơi yên tĩnh và những cuộc trò chuyện riêng tư mới là lúc người hướng nội “toả sáng”.

Hơn nữa, người hướng nội thường không cảm thấy thoải mái tại những nơi đông người. Nếu bị bao quanh bởi quá nhiều người, sự nhạy cảm của họ sẽ tăng cao, khiến họ bị xao nhãng và bối rối. Vậy nên, một nơi yên tĩnh là hoàn hảo cho một cuộc trò chuyện cùng với họ.

Trong một bài viết của mình, Paul Z Jak (Tốt nghiệp tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Pennsylvania, nghiên cứu sinh về Thần kinh học tại Đại học Harvard) đã viết: “Người hướng nội có xu hướng né tránh những quán bar hay những cuộc tụ họp đông người. Nhưng nếu đặt họ vào một nhóm nhỏ hay những cuộc trò chuyện một – một, họ sẽ tỏa sáng”.

4. Hãy kiên nhẫn lắng nghe

Như đã nói ở trên, người hướng nội dành phần lớn thời gian để lắng nghe, quan sát và phân tích. Não bộ của người hướng nội được “thiết kế” để xâu chuỗi các sự việc lại với nhau và cân nhắc nhiều phương diện. Chính vì vậy mà họ thường xuyên bị đánh giá là suy nghĩ quá nhiều.

Thêm vào đó, họ thường đổ rất nhiều tâm huyết vào việc suy nghĩ và muốn làm rõ ngọn ngành hết sức có thể. Do đó, họ không thích bị cắt ngang hay hối thúc, vì như vậy giống như mọi suy nghĩ của họ đều vô nghĩa và không quan trọng.

Người hướng nội dành phần lớn thời gian để lắng nghe quan sát và phân tích Bởi họ muốn đào sâu vào thế giới nội tâm của người khác nghe về những ý tưởng mới tìm kiếm những câu chuyện mới và học hỏi những điều mới sizesmaxwidth 2000px 100vw 2000px
Người hướng nội dành phần lớn thời gian để lắng nghe, quan sát, và phân tích. Bởi họ muốn đào sâu vào thế giới nội tâm của người khác, nghe về những ý tưởng mới, tìm kiếm những câu chuyện mới và học hỏi những điều mới.

Trong các cuộc đối thoại cũng vậy, họ luôn có thói quen suy nghĩ rất kỹ trước khi mở miệng, và thậm chí chỉ bày tỏ ý kiến khi được hỏi. Điều này giải thích tại sao thỉnh thoảng giữa cuộc trò chuyện sẽ có những khoảng lặng. Đó là khi não bộ của họ đang xử lý thông tin, cố gắng đưa ra cho bạn lời hồi đáp thuyết phục và tinh tế nhất.

Cho nên, nếu có thể, bạn hãy kiên nhẫn chờ lắng nghe. Đừng tỏ ra khó chịu, nôn nóng hay thúc giục họ phải phản ứng lại thật nhanh. Mà có khi, làm như thế sẽ lại khiến họ càng nghĩ ngợi nhiều hơn nữa đấy.

5. Tôn trọng sự hướng nội của họ

Ngày nay, người hướng ngoại được coi là “khuôn mẫu”, còn hướng nội đôi khi lại bị xem như là một điểm yếu. Thế nhưng, hướng ngoại hay hướng nội thì đều chỉ là một dạng tính cách, và mỗi dạng đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.

Do vậy, đừng cố ép người hướng nội trở nên hướng ngoại hơn. Đừng thúc giục họ “bước ra khỏi lớp vỏ bọc”, nói chuyện nhiều hơn, tham gia nhiều bữa tiệc hơn và rồi “sẽ quen dần thôi”. Điều đó là không thể.

Đừng cố ép người hướng nội trở nên hướng ngoại hơn vì điều đó là không thể sizesmaxwidth 2000px 100vw 2000px
Đừng cố ép người hướng nội trở nên hướng ngoại hơn, vì điều đó là không thể.

Thay vào đó, hãy tìm ra điểm cân bằng. Bạn có thể đưa họ tham gia những bữa tiệc, nhưng đừng ép họ phải hoà nhập và trò chuyện cùng tất cả mọi người ở đó. Hãy để họ thoải mái, tập trung vào từng người mà họ cảm thấy phù hợp, và biết đâu đó sẽ là bắt đầu cho một mối quan hệ tuyệt vời mới.

Nếu người thân, bạn thân, hoặc bạn đời của bạn là người hướng nội, còn bạn có tính cách trái ngược, đừng cố gắng thay đổi họ để giống như bạn, hoặc ép mình phải như họ. Hãy để những ưu điểm và khác biệt của hai bên bù trừ cho nhau. Chẳng hạn, họ thích quan sát và là người suy nghĩ sâu sắc, nên lời khuyên của họ thường thấu đáo và thiết thực. Tương tự vậy, đôi khi họ sẽ cần sự quyết đoán trong hành động và sự náo nhiệt của bạn để ngăn họ không trở nên quá khép kín.

Bài viết này được thực hiện bởi Như Đoàn.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:
[Bài viết] 5 Điều người hướng nội mong bạn hiểu
[Bài viết] Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó