Sự bùng nổ của các video ngắn trên TikTok đã mang đến cho người dùng nhiều thủ thuật chăm sóc da, trong số đó, một vài thủ thuật còn nhanh chóng trở thành hot trend.
Tuy nhiên, sau khi xem các video này, bác sĩ da liễu Marisa Garshick đã chia sẻ: “Chỉ vì bạn nhìn thấy nó trên TikTok, không có nghĩa là nó an toàn và tốt cho bạn.” Có nhiều cách trị mụn chỉ dựa trên thử nghiệm cá nhân mà chưa được chứng minh khoa học bày bản.
Những video ngắn chỉ cho bạn thấy được hiệu quả tức thời, nhưng còn hậu quả thì sao? Dưới đây là 5 cách trị mụn trên TikTok mà các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo không nên làm theo.
1. Dùng kem đánh răng trị mụn
Không rõ chính xác xu hướng này bắt đầu từ ai, nhưng đã có vài TikToker áp dụng và nhận được sự quan tâm rất lớn. Điển hình như tài khoản tony bedolla 33 với chia sẻ dùng kem đánh răng bôi lên chỗ viêm mụn, chờ khô rồi rửa lại với nước. Hay tài khoản hang1605 hướng dẫn cách trị mụn đầu đen bằng kem đánh răng trộn với muối, thu hút 303.6K lượt xem và 140.5K lượt yêu thích.
Kem đánh răng được chứng minh là có chứa các thành phần như baking soda, hydrogen peroxide, cồn, tinh dầu bạc hà, tinh dầu, triclosan. Những thành phần này có đặc tính kháng khuẩn và làm khô. Triclosan trong kem đánh răng có thể tiêu diệt vi khuẩn Propionibacteria acnes, vi khuẩn gây ra mụn trứng cá.
Tuy nhiên, các thành phần trong kem đánh răng có thể có nhiều rủi ro hơn là lợi ích khi dùng để trị mụn. Kem đánh răng được pha chế với mục đích làm sạch răng miệng. Vì vậy, độ mạnh của các hóa chất trong kem đánh răng có thể mạnh quá mức so với da của bạn. Điều này làm da trở nên dễ kích ứng hơn.
Tiến sĩ da liễu Tsippora Shainhouse nói: “Kem đánh răng có thể gây kích ứng cho làn da khỏe mạnh vốn có độ pH có tính axit tự nhiên. Khi độ pH tăng lên do sử dụng các chất tương tự baking soda có thể dẫn đến phát ban và bỏng rát”.
2. Đắp khoai tây tươi để trị mụn, thâm
Những ngôi sao TikTok như sierrastyless và queen_of_queifs nói về trị mụn bằng khoai tây như một phương pháp “thần thánh”. Đầu tiên dán nửa củ khoai tây sống lên mặt bằng băng dính trong nhiều giờ liên tục và rồi gỡ ra với một kết quả bất ngờ.
Thực tế, khoai tây có hàm lượng axit salicylic cao và axit salicylic có lợi trong việc điều trị mụn trứng cá. Thêm vào đó, khoai tây có thể làm nốt mụn mềm và tinh bột cũng có thể làm khô mụn. Vì thế, không ít người cho rằng dùng khoai tây trị mụn “rất ổn”.
Nhưng theo Tiến sĩ Mamina Turegano cho biết, hiện tại không có thử nghiệm lâm sàng nào nghiên cứu về hiệu quả của khoai tây trên các nốt mụn. Ngoài việc thiếu các nghiên cứu khoa học, khả năng xảy ra dị ứng cũng cần được xem xét trước khi bạn thoa khoai tây lên da.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng trong khoai tây có một loại protein tên patatin gây ra dị ứng tương tự như dị ứng latex ở một số người. Tại sao chúng ta lại phải liều mình với một phương pháp chưa được kiểm nghiệm trong khi có rất nhiều có biện pháp thay thế như retinol, benzoyl peroxide.
3. Dùng nước muối biển để trị mụn
Cách trị mụn này bắt nguồn từ việc một số TikToker như leacrylics và aubyrnjadeart sử dụng hỗn hợp muối lên mặt sau khi nhận ra rằng làn da thường sạch sẽ hơn sau khi bơi ở biển.
Thực tế thì muối có các đặc tính kháng khuẩn, khả năng hút dầu và làm khô bề mặt các nốt mụn, nhưng điều đó là chưa đủ để chứng minh nước muối biển có thể trị được mụn.
Theo nhà hóa học mỹ phẩm Ginger King giải thích: “Nước biển có độ pH kiềm là 8, da bị mụn cũng có độ pH kiềm tương tự. Nếu muốn trị mụn thì phải sử dụng sản phẩm có độ pH axit (pH nhỏ hơn 7) để cân bằng da như axit glycolic và axit salicylic."
Cô cũng nói thêm rằng, nước muối biển có tác dụng kháng khuẩn, nhưng không đủ mạnh để tiêu diệt mụn trứng cá.
4. Dùng băng cá nhân lột mụn
Một trào lưu trị mụn phổ biến khác là dùng băng cá nhân để lột mụn. Hashtag #hydrocolloid (băng dán vết thương) đã nhận được 186.9M lượt xem. Các tài khoản chia sẻ về phương pháp này cũng nhận được rất nhiều lượt yêu thích điển hình như camrynhuet (có 3.3M yêu thích) và kennnamanley (có 372.9K yêu thích).
Các TikToker này nghĩ rằng băng cá nhân có khả năng tạo thành một lớp màng bảo vệ da khỏi môi trường và hấp thụ chất lỏng dư thừa chảy ra từ vết thương.
Nhưng đó là đối với vết thương hở, còn với mụn thì sao? Tiến sĩ Zeichner cho biết “băng cá nhân không có bất kỳ thành phần hoạt tính nào giúp hút mủ và viêm từ mụn ra ngoài”.
Hơn nữa, những loại băng cá nhân không được thiết kế về mặt kỹ thuật để điều trị các loại mụn trứng cá. Điều này có thể gây tổn thương da, phản ứng dị ứng hay nhiễm trùng da thứ cấp do vệ sinh không đúng cách.
5. Dùng nước đá trị mụn và nám da
Dùng đá chườm lên mụn hay thoa khắp mặt là phương pháp chăm sóc da mới lạ, rất được quan tâm. Hashtag #skinicing có 9.1M lượt xem và được các TikToker như agatalluch (1.1M người theo dõi) và kubi beauty (14.6K người theo dõi) đón nhận nhiệt tình.
Thực ra, dùng đá chườm lên mụn để làm dịu sưng viêm không nguy hiểm nhưng nó cần thực hiện đúng cách, nếu không thì việc này có thể làm vỡ các mao mạch mỏng manh trên da bạn.
Tiến sĩ da liễu Sheila Farhang chia sẻ rằng: “Chườm lạnh da để giúp trị nám thực sự có thể làm trầm trọng thêm, vì khi bị nám, bất cứ thứ gì gây mẩn đỏ hoặc kích ứng thì tình trạng đốm nâu sẽ trở nên trầm trọng hơn.”
Nếu muốn dùng nước đá lên da, hãy cuốn nó trong một chiếc khăn mặt và thoa theo chuyển động nhẹ, liên tục, không chà xát. Nhưng da của mỗi người là mỗi khác nhau, và không có con số cụ thể về độ lạnh cho các mao mạch trên da bạn.
Làn da rất quan trọng, vậy nên bạn hãy tìm đến các bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị phù hợp. Đừng vội vàng thử nghiệm những phương pháp làm đẹp “hot trend” trên da, vì rất có thể làn da của bạn sẽ “bùng cháy” theo nghĩa đen đấy.