5 Công nghệ làm đẹp cần biết cho "spa tại nhà" của bạn | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 07, 2021
Thời TrangBeauty

5 Công nghệ làm đẹp cần biết cho "spa tại nhà" của bạn

Trước khi chọn các thiết bị làm đẹp tại nhà, hãy thử xem bên trong chúng là những công nghệ gì và phục vụ cho nhu cầu làm đẹp nào của bạn.
5 Công nghệ làm đẹp cần biết cho "spa tại nhà" của bạn

Thiết bị làm đẹp tại nhà ngày càng phổ biến | Nguồn: Mothermag

Theo “Báo cáo nghiên cứu thị trường thiết bị làm đẹp dùng tại nhà: Phân tích ngành toàn cầu và dự báo tăng trưởng đến năm 2030”, doanh thu của các thiết bị làm đẹp tại nhà được sự báo sẽ đạt mức 45 tỷ USD vào năm 2030, trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) lên đến 20.4% trong giai đoạn 2020-2023. 

thiết bị làm đẹp tại nhà
Thiết bị làm đẹp tại nhà đang có sự phát triển mạnh thời gian qua | Nguồn: Allure

Các tập đoàn làm đẹp, chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới cũng nhảy vào thị trường rất béo bở này. Điển hình là P&G, Shiseido, Johnson & Johnson, Sony, FOREO… dành không ít ngân sách để phát triển mảng thiết bị làm đẹp tại nhà. 

Bên cạnh đó, thiết bị chăm sóc da dành cho nam giới cũng là một trong những phân khúc thị trường năng động và có nhiều đột phá trong thời gian gần đây. 

Lý giải cho sự bùng nổ

Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường chứng kiến sự tăng trưởng của các thiết bị làm đẹp thời gian qua.  Các yếu tố dẫn đến điều này có thể kể đến như tỷ lệ mắc các bệnh về da ngày càng tăng, dân số già hóa, tăng ý thức về ngoại hình và nhận thức về các thiết bị làm đẹp ngày càng cao.

Cùng với đó, mức thu nhập của người dân, cộng với việc chăm sóc bản thân và nhu cầu làm đẹp cũng phát triển

thiết bị làm đẹp tại nhà
Các vấn đề về da, lão hóa và mức thu nhập tăng lên đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị làm đẹp | Nguồn: Lazada

Bên cạnh đó, người dùng luôn đòi hỏi việc nâng cao trải nghiệm khi làm đẹp tại nhà, cũng như cá nhân hóa tiện ích làm đẹp. Vì vậy, các công ty không ngừng cung cấp những trải nghiệm tốt nhất đến với khách hàng, liên tục cải tiến công nghệ thông qua quá trình chuyển đổi số trong làm đẹp.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, các thiết bị làm đẹp tại nhà được lựa chọn nhiều hơn bao giờ hết bởi các spa phải tạm ngưng hoạt động. Những thiết bị hỗ trợ tẩy da chết vật lý hay nâng cơ mặt hiện nay được cải tiến và mang lại trải nghiệm chân thật như ở spa cho người dùng.  

Công nghệ cho "spa tại nhà" của bạn

1. Laser/Light (ánh sáng)

Nhu cầu: làm mờ sẹo, vết thâm, kháng viêm, kháng vi khuẩn gây mụn, giảm nếp nhăn và giúp da săn chắc. 

Cách hoạt động: 

LED hay diode phát sáng là một liệu pháp chăm sóc da sử dụng các bước sóng ánh sáng khác nhau, bao gồm cả ánh sáng đỏ và xanh lam tác động lên những vùng da cần được cải thiện.

Liệu pháp này được nhiều chuyên gia da liễu khuyên dùng cho mục đích làm trẻ hóa làn da, phục hồi tổn thương do ánh nắng mặt trời, mụn trứng cá, bệnh chàm, vẩy nến, viêm da hay những bệnh lý da liễu khác gây nên. 

Cân nhắc: 

Liệu pháp Laser hoặc ánh sáng thường gắn liền với những tác dụng phụ hoặc phản ứng nhất thời như: chảy máu, châm chích, ngứa, ửng đỏ, thay đổi màu da. Tuy nhiên những triệu chứng này sẽ biến mất nếu chúng ta tuân thủ liệu trình điều trị.

thiết bị làm đẹp tại nhà
Mặt nạ Dr. Dennis Gross Skincare DRx SpectraLite FaceWare Pro | Nguồn: Anywell

2. Vibrational (rung)

Nhu cầu: Thải độc da, làm sạch sâu, săn chắc da

Cách hoạt động: 

Những thiết bị làm đẹp Vibrational sẽ sử dụng dao động rung và dòng điện vi mô để khuếch tán các loại kem dưỡng, làm sạch và massage mặt. Những chuyển động rung không chỉ kích thích máu lưu thông mà còn hỗ trợ lưu dẫn hệ bạch huyết và tạo ra các ion âm cho cơ thể. 

Máu huyết lưu thông tốt đồng nghĩa với việc các chất dinh dưỡng sẽ được thẩm thấu vào da một cách trọn vẹn nhất. Trong khi đó, ion âm và việc lưu dẫn bạch huyết sẽ có tác dụng loại bỏ độc tố tích tụ trên da, giúp làn da sạch sâu và sáng khỏe từ bên trong. 

Cân nhắc: 

Mặc dù những thiết bị này nói chung có rủi ro rất thấp, nhưng nên để các thiết bị rung tránh xa vùng dưới mắt, vì da ở đây khá mỏng manh. Ngoài ra, đối với bất kỳ ai đang dùng thuốc làm loãng máu thì nên kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng thiết bị.

thiết bị làm đẹp tại nhà
Con lăn Beauty Lifter Vibrating T-Bar | Nguồn: CurrentBody

3. Radio Frequency (RF) - Tần số vô tuyến

Nhu cầu: Làm săn chắc cơ mặt, chống chảy xệ

Cách hoạt động: 

Radiofrequency (RF) là liệu pháp thẩm mỹ làm săn chắc da mà không cần sự can thiệp của phẫu thuật. Quy trình của RF hoạt động bằng cách sử dụng sóng có tần số vô tuyến để làm nóng lớp biểu bì ở sâu bên trong (hạ bì) từ đó kích thích sản xuất collagen

Cân nhắc: 

Liệu pháp giúp căng da mặt này chỉ thật sự an toàn và mang lại hiệu quả khi được thực hiện đúng cách. Nếu không, bạn sẽ có nguy cơ bị bỏng. Bên cạnh đó,  một số triệu chứng tạm thời có thể gặp phải là: sưng, đỏ, ngứa ran. 

thiết bị làm đẹp tại nhà
Thiết bị chống lão hóa da Newa RF | Nguồn: Currentbody

4. Microcurrent

Nhu cầu: Làm thon gọn mặt, săn chắc da

Cách hoạt động:

Chăm sóc da mặt bằng công nghệ Microcurrent là đưa một dòng điện với cường độ thấp vào da thông qua máy chuyên dụng. Tác dụng của công nghệ này giúp nâng cơ và tạo hình khuôn mặt, cũng giống như cách chúng ta tập luyện tại phòng gym với mục đích làm cho cơ được săn chắc. 

Công nghệ Microcurrent được ứng dụng để nâng chân mày, định hình xương gò má, giúp da căng bóng, săn chắc và kích thích sản sinh collagen

Cân nhắc: 

Mặc dù đây được xem là liệu pháp xâm lấn ở mức tối thiểu và có độ an toàn cao, nhưng chuyên gia thẩm mỹ Graceanne Svendsen khuyên một số trường hợp sau không nên sử dụng:

  • Những người đang đặt máy tạo nhịp tim, cấy ghép kim loại.
  • Người đang có vết thương hở, mụn trứng cá, mụn nhọt.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Người từng tiêm fillers (Botox hoặc Neurotoxin) lên mặt. 
thiết bị làm đẹp tại nhà
Thiết bị làm thon gọn mặt, nâng cơ NuFACE Trinity | Nguồn: Net A Porter

5. Microneedling (Lăn kim vi điểm)

Nhu cầu: “Thay mới” làn da, se khít lỗ chân lông, làm mịn da, trị sẹo rỗ.

Cách hoạt động:

Microneedling là một thủ thuật dùng một bánh lăn có chứa các đầu kim rất nhỏ lăn qua da tạo ra những tổn thương siêu nhỏ, không làm hại đến các mô và mạch máu trên da của bạn.

Nhờ vào cơ chế tự chữa lành của cơ thể, những vết thương này sẽ kích thích việc sản sinh collagen và elastin, vừa giúp làm lành vừa khiến da khỏe đẹp từ sâu bên trong. 

Cân nhắc: 

Tương tự như những liệu pháp thẩm mỹ khác, Microneedling cũng có một vài phản ứng không mong muốn như: kích ứng da, xuất hiện mẩn đỏ, lột da và tác dụng phụ: chảy máu, bầm tím. 

Bên cạnh đó, những người có vấn đề sức khỏe sau đây không nên dùng phương pháp này:

  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người mắc các bệnh da liễu: chàm, vảy nến. 
  • Người có vết thương hở.
  • Bệnh nhân đang trong giai đoạn xạ trị.
  • Người có tiền sử dễ để lại sẹo trên da. 
 BeautyBio GloPRO Facial Microneedling Tool | Nguồn: Sephora
 BeautyBio GloPRO Facial Microneedling Tool | Nguồn: Sephora