Spoil là gì mà làm hỏng cuộc vui? | Vietcetera
Billboard banner

Spoil là gì mà làm hỏng cuộc vui?

Nếu lỡ biết trước nội dung phim, bạn có ước rằng mình phát minh ra máy xóa trí nhớ để quên hết những gì đã đọc và nghe không?
Spoil là gì mà làm hỏng cuộc vui?

Nguồn: Unsplash

1. Spoil là gì?

Spoil /spɔɪl/ (động từ) là tiết lộ tình tiết quan trọng của một bộ phim hay một câu chuyện, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chưa thưởng thức tác phẩm đó.  

Spoiler là một người, một bài viết hoặc đoạn clip tiết lộ nội dung tác phẩm.

2. Nguồn gốc của spoil?

Spoil bắt nguồn từ tiếng Latin spolium - tấm da được tách ra khỏi cơ thể động vật đã chết. Vào thế kỷ 14, spoil là hành động chiếm lấy vũ khí của kẻ địch đã tử nạn. Ngày nay, bên cạnh nghĩa gốc là chiếm đoạt, từ vựng này còn có nghĩa là phá hoại, làm hư hỏng.

Có lẽ “tổ tiên” của từ spoil không ngờ rằng, vào thế kỷ 21, spoil còn mang nghĩa bóng là làm hỏng trải nghiệm của khán giả.   

Tại Việt Nam, spoil trở nên phổ biến vào năm 2019. Một tuần trước khi công chiếu trên toàn thế giới, bom tấn ‘The Avenger: Endgame’ đã để lộ một số phân cảnh quan trọng.

Đoạn phim quay lén bị phát tán rộng rãi đến nỗi, bộ đôi đạo diễn Anthony và Joe Russo phải viết “tâm thư” yêu cầu khán giả không spoil phim theo bất kỳ hình thức nào. Hashtag #DontSpoilTheEndgame cũng lọt top trending trên Twitter vào thời điểm đó. 

Bom tấn The Avenger: Endgame từng tạo ra một cơn sốt trên toàn cầu, khiến bất kỳ ai đã từng xem đều muốn kể về nội dung phim

3. Spoil có tệ đến thế?

Đa số chúng ta đều nói không với spoil. Mọi người thường thích dự đoán về nội dung câu chuyện và muốn tự mình trải nghiệm các nút thắt bất ngờ, thay vì đợi ai đó kể lại mọi thứ. Trong nhiều trường hợp, spoil cũng ảnh hưởng đến công sức của người làm sáng tạo, cha đẻ của tác phẩm.

Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Nicholas Christenfeld tại trường Đại học California lại hé lộ một “tình tiết bất ngờ”: biết trước nội dung có thể làm bạn yêu thích tác phẩm đó hơn.

Nicholas tiến hành thí nghiệm với 2 nhóm đối tượng, một nhóm được tiết lộ nội dung cuốn sách, nhóm còn lại thì không. Sau khi đọc sách xong, nhóm đầu tiên lại yêu thích tác phẩm nhiều hơn nhóm thứ hai. 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, khi đã biết trước cốt truyện, bạn sẽ chú ý nhiều hơn đến các chi tiết khác, ví dụ như quá trình phát triển nhân vật, lời thoại, hình ảnh ẩn dụ, cách đạo diễn đẩy cao trào và tạo ra những “cú lừa” ngoạn mục. Nói cách khác, bạn nhìn rõ bức tranh và xâu chuỗi chi tiết trong tác phẩm tốt hơn.

Điều này giống như việc xem lại một bộ phim hay, mỗi lần xem bạn lại nhận ra một chi tiết thú vị, và dù biết trước nội dung, bạn vẫn tận hưởng bộ phim theo cách của riêng mình.

Nicholas kết luận, tuy spoil có một số lợi ích nhất định, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên biết trước nội dung. Bạn có thể xem lại phim yêu thích hàng chục lần, nhưng trải nghiệm lần đầu tiên xem phim đó chỉ xảy đến một lần duy nhất mà thôi.   

4. Sử dụng spoil như thế nào?

Tiếng Anh

A: Have you watched the last episode? The main character...

B: Shhh! Don’t spoil the movie! I’m gonna watch it tonight.

Tiếng Việt

A: Cậu xem tập cuối chưa? Nhân vật chính nó đã... 

B: Ngưng! Đừng spoil gì hết! Tối nay mình mới xem.

5. Các thuật ngữ liên quan đến spoil?

Review: Đánh giá, chia sẻ cảm nhận chủ quan về một tác phẩm. Khác với spoil, review không tiết lộ nội dung, tình tiết của tác phẩm. 

Spoiler alert: Cảnh báo tiết lộ nội dung. Để là một “spoiler văn minh”, hãy thông báo ‘SPOILER ALERT’ trước khi bạn dự định tiết lộ về tình tiết của tác phẩm.

Plot twist: Những nút thắt, tình huống xuất hiện một cách đầy bất ngờ nhằm tạo kịch tính cho tác phẩm.