7 Cách để đi du lịch bền vững | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

7 Cách để đi du lịch bền vững

Những tips để có một chuyến du lịch bền vững đúng nghĩa.

7 Cách để đi du lịch bền vững

7 Cách để đi du lịch bền vững

Du lịch hiện đang là một hoạt động phổ biến và ưa thích của rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là một ngành công nghiệp gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống và xã hội.

Các chính sách và luật ban hành của chính phủ đóng một phần quan trọng trong việc hạn chế mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực của các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cũng có thể đóng góp một phần nào đó vào việc bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động nhỏ trong hành trình du lịch của mình.

Nếu bạn quan tâm đến môi trường, 7 cách dưới đây sẽ giúp bạn có một chuyến “du lịch xanh” đúng nghĩa.

1. Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Đồ nhựa dùng một lần là “kẻ thù không đội trời chung” của môi trường. Tin vui là chúng ta có thể hạn chế sử dụng chúng trong chuyến du lịch của mình bằng một số cách khá đơn giản.

Bạn có thể mang túi vải thay cho bịch nhựa để đựng quần áo bẩn và những vật dụng cần thiết khác. Nếu không có túi vải, bạn có thể sử dụng bịch nhựa, nhưng hãy cân nhắc việc tái sử dụng chúng nhiều lần trong suốt chuyến đi.

Mang bình nước dùng nhiều lần để tránh những ly nhựa như này sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Mang bình nước dùng nhiều lần để tránh những ly nhựa như này.

Ngoài ra, ở những nước phát triển như Singapore, nước máy hoàn toàn có thể uống trực tiếp được. Chúng ta có thể tự mang bình đựng nước riêng của mình khi tới những nơi này, vừa giúp tiết kiệm một khoản nhỏ trong việc mua nước đóng chai, vừa có thể hạn chế việc sử dụng quá nhiều chai nhựa. Bình đựng nước riêng cũng có loại giữ nhiệt và đa dạng về mẫu mã, tiện lợi hơn rất nhiều so với chai nhựa thông thường.

2. Lựa chọn phương tiện di chuyển khi du lịch

Ở một số nơi như Chiang Mai, bạn có thể thuê xe đạp thay cho xe máy để tham quan thành phố. Thuê xe đạp rẻ hơn khá nhiều và cũng là một cách tốt để hạn chế gây ô nhiễm. Với một số người, đi xe đạp cũng giúp họ thoải mái ngắm nhìn thành phố và nhịp sống hơn so với đi xe máy.

Đi xe đạp để ngắm nhìn thành phố chậm rãi hơn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Đi xe đạp để ngắm nhìn thành phố chậm rãi hơn.

Bạn cũng có thể tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng tại nước sở tại. Các tuyến xe buýt và metro thường sẽ kết nối đến những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất trong thành phố cũng như những nơi tập trung nhiều nhà hàng khách sạn.

3. Nghiên cứu trước tác động của du lịch lên môi trường bản địa

Trước khi đi du lịch, hãy nghiên cứu qua một số hoạt động giải trí phổ biến và tác động của nó lên môi trường. Chẳng hạn, có rất nhiều tour du lịch tại Chiang Mai cho phép bạn có thể cưỡi voi trong quá trình tham gia. Tuy vậy, nếu không được thực hiện đúng cách, hoạt động này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng.

Những chú voi không phải lúc nào cũng vui vẻ như bạn nghĩ sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Những chú voi không phải lúc nào cũng vui vẻ như bạn nghĩ.

Một số trại voi cũng được cho là đã lạm dụng và hành hạ những chú voi của mình. Hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu thật kỹ trước khi chọn lựa những địa điểm tương tự trong suốt hành trình.

4. Lựa chọn các công ty du lịch có ý thức bảo vệ môi trường

Với xu hướng phát triển du lịch bền vững như hiện nay, nhiều công ty du lịch đã có những chính sách riêng để giảm tối đa tác động lên môi trường. Một số công ty du lịch cũng có các vị trí và phòng ban riêng chuyên phụ trách về mảng du lịch bền vững.

Lựa chọn những công ty du lịch “xanh” sizesmaxwidth 1024px 100vw 1024px
Lựa chọn những công ty du lịch “xanh”.

Nếu có thể, bên cạnh mức độ uy tín và các phản hồi từ những khách hàng trước, bạn hãy tìm hiểu thêm về những đóng góp cho môi trường của những công ty du lịch mà bạn chọn. Ưu tiên những công ty du lịch có trách nhiệm cũng là một cách để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói chung.

5. Lựa chọn những khách sạn thân thiện với môi trường

Từ những việc nhỏ như không sử dụng ống hút nhựa, nhiều khách sạn cũng đang cố gắng hướng đến việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của mình. Giữa một rừng các khách sạn và nhà nghỉ na ná nhau, việc hướng tới một mô hình phát triển “xanh” cũng giúp họ ghi điểm nhiều hơn trong mắt khách hàng. Do vậy, bạn có thể bổ sung điều này vào danh sách các tiêu chí cần thiết khi chọn khách sạn cho chuyến đi chơi của mình. Điều này cũng sẽ giúp cho ngày càng nhiều khách sạn hướng đến một mô hình phát triển bền vững hơn trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

Lựa chọn khách sạn có kiến trúc tôn trọng môi trường tự nhiên sizesmaxwidth 960px 100vw 960px
Lựa chọn khách sạn có kiến trúc tôn trọng môi trường tự nhiên.

6. Nói “không” với các sản phẩm từ động vật hoang dã

Bạn có thể bắt gặp những sản phẩm từ động vật hoang dã ở một số địa điểm du lịch trong suốt chuyến đi của mình. Những sản phẩm này bao gồm ngà voi, nanh vuốt hổ, sư tử, vảy tê tê, da và lông thú…. Việc mua các sản phẩm này cũng góp phần thúc đẩy nạn săn bắt các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, chúng ta không nên chọn những mặt hàng này làm quà lưu niệm.

Nói không với sản phẩm làm từ động vật hoang dã sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Nói không với sản phẩm làm từ động vật hoang dã.

7. Giữ gìn ý thức chung

Ở một số những địa điểm du lịch tại nước ngoài, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các biển hiệu với dòng chữ, “Take only pictures. Leave only footprints”. Đây là một câu chơi chữ trong tiếng Anh, với đại ý là đừng “lấy nhầm” hay phá hủy bất cứ thứ gì (hiện vật, vẻ đẹp thiên nhiên) và cũng đừng để lại bất cứ thứ gì (rác, đồ bỏ đi…) khi đi du lịch.

“Leave only footprints” sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
“Leave only footprints.”

Câu nói này cũng nên trở thành “kim chỉ nam” của chúng ta mỗi khi đi chơi xa. Hãy giữ nguyên hiện trạng đang có tại những nơi chúng ta đi qua và đừng phá hỏng bất kì thứ gì cả.

Bài viết được thực hiện bởi Sơn Đặng.

Xem thêm:
[Bài viết] 5 Nỗi khổ chỉ những người (cố gắng) sống xanh mới hiểu
[Bài viết] Người trẻ Việt và bảo vệ môi trường: là ý thức hay mãi là trào lưu?