7 Lý do khiến Facebook hay bị kiện | Vietcetera
Billboard banner

7 Lý do khiến Facebook hay bị kiện

Từ vi phạm quyền riêng tư, độc quyền, trốn thuế đến cổ vũ nội dung bạo lực nhằm thu về lợi nhuận - Facebook có đủ.
7 Lý do khiến Facebook hay bị kiện

Mạng xã hội này rốt cuộc có thể bị kiện vì những lý do gì? | Nguồn: Getty Images.

Có lẽ chúng ta không cần phải nói nhiều về Facebook nữa. Kể từ khi ra đời vào năm 2004, mạng xã hội này đã vươn mình trở thành một trong những nền tảng công nghệ lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2021, có đến 2,9 tỷ tài khoản Facebook đang hoạt động - chiếm hơn 40% dân số toàn cầu (theo Statista).

Tuy vậy, tầm ảnh hưởng lớn cũng mang lại những hệ quả. Để bành trướng và mang về lợi nhuận, mô hình kinh doanh của Facebook tạo điều kiện cho những bê bối đạo đức. Và hậu quả chúng mang lại, chính là những vụ kiện tụng.

Trong bài viết này, hãy cùng Vietcetera điểm qua những vụ kiện nổi tiếng nhất mà Facebook phải đối mặt, cùng nguyên nhân đằng sau chúng. Mạng xã hội này rốt cuộc có thể bị kiện vì những lý do gì?

1. Bị kiện vì ăn cắp ý tưởng

Vụ kiện đầu tiên mà công ty này vướng phải là vào năm 2004, khi Facebook bị kiện vì ăn cắp ý tưởng để tạo ra… chính Facebook. Theo đó, những người sáng lập mạng xã hội ConnectU cáo buộc rằng Mark Zuckerberg đã dùng ý tưởng của họ để xây dựng Facebook, cũng như sử dụng mã nguồn mà Zuckerberg được cung cấp.

Để dàn xếp, Facebook đã đồng ý trả tiền mặt và cổ phần cho những người khởi kiện. Tuy vậy, Facebook vẫn tiếp tục bị kiện sau đó với cáo buộc phóng đại giá trị của số cổ phiếu mà họ bồi thường.

Facebook cũng dính vào một vụ kiện tương tự vào năm 2006 với Aaron Greenspan - một bạn học của Mark Zuckerberg. Greenspan cho rằng Facebook đã lấy cắp nhiều tính năng ban đầu của houseSYSTEM, một nền tảng có tính chất tương tự như một mạng xã hội.

Hai bên sau đó đã đạt thỏa thuận dàn xếp vụ kiện, nhưng không tiết lộ giá trị của khoản bồi thường.

2. Bị kiện vì vi phạm quyền riêng tư

Một trong những bê bối lớn nhất của Facebook là vụ bán dữ liệu người dùng cho Cambridge Analytica - một công ty phân tích dữ liệu cho mục đích chính trị.

Theo đó, dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook đã bị sử dụng trái phép cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2015 của ứng cử viên đảng Cộng hòa Ted Cruz, cùng sự kiện Brexit vào năm 2016.

Bê bối này khiến Facebook vướng vào hàng loạt vụ kiện tại Mỹ, Anh, Úc và nhiều quốc gia khác. Đến tháng 07/2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt mạng xã hội này 5 tỷ USD. Đây chính là khoản phạt lớn nhất mà Mỹ áp với một công ty công nghệ do vi phạm quyền riêng tư.

Quyền riêng tư là thứ Facebook rất thích vi phạm. Năm 2019, Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) phạt Facebook số tiền 645 nghìn USD vì thu thập và để lộ thông tin của ít nhất 1 triệu người dùng nước này. Đến năm 2020, Facebook lại bị Cục Cạnh tranh Canada phạt 6,5 triệu USD vì chia sẻ thông tin người dùng với công ty khác.

alt
Một trong những bê bối lớn nhất của Facebook là vụ bán dữ liệu người dùng cho Cambridge Analytica. | Nguồn: Engadget.

3. Bị kiện vì vi phạm luật cạnh tranh

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tiếp tục là cái tên khiến Facebook “đau đầu”. Đã từ lâu, Facebook bị FTC tố cáo lên kế hoạch mua lại hoặc chèn ép các đối thủ cạnh tranh.

Phía FTC cho rằng mặc dù không có nhiều người thích Facebook, việc độc quyền để lôi kéo người dùng khiến mạng xã hội này vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ.

Để giải quyết vụ kiện, FTC yêu cầu Facebook phải bán Instagram với giá 1 tỷ USD, cùng Whatsapp với giá 19 tỷ USD. Đây là 2 trong số những thương vụ mua lại thành công nhất mà Facebook từng thực hiện để gia tăng quyền lực độc quyền của mình.

Đáp lại, Facebook cho rằng việc bán đi Instagram và Whatsapp là không có cơ sở, do 2 công ty này được mua lại một cách hợp pháp.

4. Bị kiện vì trốn thuế

Đầu năm 2020, Facebook phải ra tòa vì cáo buộc trốn thuế 9 tỷ USD từ Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Theo cáo buộc, vào năm 2010, Facebook đã cố tình định giá thấp các bản quyền công nghệ của họ để bán cho một công ty con ở Ireland, nhằm tránh bị đánh thuế cao.

Đáp lại, Facebook cho rằng sự việc xảy ra tại thời điểm các công nghệ quảng cáo trên thiết bị di động của công ty chưa được chứng minh hiệu quả. Facebook lúc ấy lại quá non trẻ, và thậm chí chưa có doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số trên thiết bị di động.

Không chỉ Facebook, mà nhiều công ty công nghệ khác như Apple và Google cũng bị cáo buộc trốn thuế ở Ireland và nhiều quốc gia thuộc diện “thiên đường thuế” khác. Năm 2018, Apple từng phải trả 15,4 tỷ USD vì trốn thuế ở Ireland, trong khi Google bị phạt 1 tỷ USD vì trốn thuế ở Pháp.

5. Bị kiện vì cổ vũ cho nội dung sai lệch, thù hận, bạo lực nhằm thu lợi nhuận

Tháng 10/2021, Frances Haugen - một cựu nhân viên của Facebook đã cung cấp 10 nghìn trang tài liệu mật ra công chúng, đồng thời cùng luật sư cũng nộp 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC). Các tài liệu này là bằng chứng cho thấy Facebook cổ vũ nội dung sai lệch và thù hận nhằm thu về lợi nhuận.

Theo cáo buộc của Haugen, Facebook đã thay đổi thuật toán gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng, dung túng cho các băng đảng ma túy và buôn người, gây ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên nữ và cố gắng để thu hút nhiều người dùng ở lứa tuổi vị thành niên.

Đáp lại, Facebook cho rằng những trang tài liệu rất dễ gây hiểu nhầm. Công ty cũng cho rằng sự tồn tại của Facebook đem lại nhiều lợi hơn hại, đồng thời chỉ ra sự hạn chế của những nghiên cứu và báo cáo đã được công bố.

alt
Frances Haugen - whistleblower của Facebook. | Nguồn: CBS News.

6. Bị kiện vì phân biệt đối xử với nhân viên

Facebook có một lịch sử bị kiện vì phân biệt đối xử với nhân viên của mình. Tháng 03/2020, Anastasia Boone Talton, một cựu nhân viên tuyển dụng đã khởi kiện, đòi Facebook bồi thường 100 triệu USD.

Talton cho rằng cô bị phân biệt vì là một người da màu khuyết tật. Cô cũng cho rằng mình bị phân biệt giới tính khiến bị chèn ép hơn so với các đồng nghiệp nam.

Đầu năm 2015, Facebook từng đối mặt với 1 vụ kiện tương tự. Chia Hong, một cựu quản lý của Facebook đã kiện tập đoàn này vì phân biệt đối xử, quấy rối tình dục và sa thải trái pháp luật. Điều này khiến cô trầm cảm trong một thời gian dài.

Đối mặt với các cáo buộc, Facebook đã bác bỏ hoàn toàn. Phía công ty cho rằng xử lý những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và chủng tộc là việc rất nhạy cảm và khó khăn, tuy nhiên khẳng định đã làm được.

7. Bị kiện vì thu thập bất hợp pháp dữ liệu nhận diện khuôn mặt

Mới nhất, vào ngày 14/02 vừa qua, bang Texas tại Mỹ đã đệ đơn kiện Meta (trước đây là Facebook) vì thu thập tái phép dữ liệu nhận diện khuôn mặt người dân từ năm 2011 đến nay (Theo CNN). Trước đó vào năm 2015, Facebook cũng từng bị bang Illinois kiện vì lý do này.

Đơn kiện cho rằng tính năng gắn ảnh thẻ trên Facebook đã thu thập dữ liệu nhận diện khuôn mặt mà không có sự đồng ý của người dân tại Texas. Nếu thua kiện, Facebook sẽ phải trả 25 nghìn USD cho mỗi vi phạm về luật sinh trắc học của tiểu bang, và 10 nghìn USD cho mỗi vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng Texas.

Phía Facebook hiện cho rằng đơn kiện trên hoàn toàn không có cơ sở. Tuy vậy, Facebook đã khai tử tính năng nhận diện khuôn mặt vào tháng 11/2021, cũng như xóa toàn bộ dữ liệu của khoảng 600 triệu người dùng có liên quan đến công nghệ này.