8 Tỷ phi hành đoàn trên con tàu vũ trụ trái đất: Cần lưu ý những gì? | Vietcetera
Billboard banner

8 Tỷ phi hành đoàn trên con tàu vũ trụ trái đất: Cần lưu ý những gì?

Việt Nam cũng gần cán mốc 100 triệu người. Nhiều lao động hơn, song gia tăng dân số có đi liền với chất lượng sống cải thiện?
8 Tỷ phi hành đoàn trên con tàu vũ trụ trái đất: Cần lưu ý những gì?

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Sáng 15/11, trưởng Đại diện UNFPA (Quỹ dân số Liên hợp quốc) tại Việt Nam cho biết thế giới đã chính thức chạm mốc 8 tỷ người, sớm hơn kỳ vọng 15 năm.

Theo đó, bé gái sinh ra ở Tondo, Manila (Philippines) được ghi nhận là người thứ 8 tỷ trên thế giới. Venice Mabansag ở Delpan, Tondo được sinh thường tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial vào sáng sớm 15/11.

12 năm trước, dân số thế giới mới chỉ chạm mốc 7 tỉ người, chúng ta kỳ vọng đến năm 2037 con số này mới lên 8 tỉ. Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, giảm xuống dưới 1% vào năm 2020.

2. Phân bổ dân số thế giới với 8 tỷ người ra sao?

Các dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy dân số thế giới có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9,7 tỷ người vào năm 2050. Dự báo sẽ đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.

Đến cuối thế kỷ 21, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người. Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,7 tỷ người vào năm 2050.

Sau hai nước trên, Mỹ vẫn là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới vào năm 2050 và sẽ ngang bằng Nigeria với 375 triệu người.

alt
Nguồn: Unsplash

Một nửa trong số 8 tỷ người được bổ sung vào dân số thế giới là kết quả của khuynh hướng nhân khẩu học ở châu Á. Tiếp đó là Châu Phi với đóng góp lớn thứ hai (gần 400 triệu người). Ngoài ra, các chuyên gia còn dự đoán, Châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số cho đến khi đạt được con số 9 tỷ người vào năm 2037.

Tại Việt Nam, dân số hiện tại của nước ta là 99.233.346 người vào ngày 15/11/2022, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, chiếm 1,24% dân số thế giới. Việt Nam hiện đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ.

3. Nhìn thấy gì ở Việt Nam trong câu chuyện bùng nổ dân số thế giới?

Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã làm tốt việc cải thiện chất lượng sống trong bối cảnh dân số gia tăng. Hạ tầng giao thông, xã hội cũng được xây dựng để phục vụ việc gia tăng dân số và nhu cầu sống. Lực lượng lao động dồi dào với nguồn tài nguyên sẵn có cũng giúp thu nhập bình quân đầu người tăng trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức trong giai đoạn gia tăng dân số. Ví dụ như là sự mất cân bằng tự nhiên giữa nam và nữ do truyền thống trọng nam và lựa chọn giới tính thai nhi hay giảm điều kiện sống do mật độ dân cư đông.

4. 8 tỷ người đã đánh dấu những cột mốc gì trên thế giới?

Thế giới chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. Chúng ta đã giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học công nghệ, cải tiến về dinh dưỡng, y tế cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, một trong những tín hiệu đáng mừng là tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống, cũng như các chính sách chăm sóc y tế đã có sự cải thiện. Hơn nữa, ở nhiều nước đang phát triển, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 64 tuổi) ngày càng tăng.

Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với quy mô nguồn nhân lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, tạo ra lực lượng lao động đông đảo, đủ mạnh. Đây cũng là tiền đề để thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển.

alt
Nguồn: Unsplash

Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, cơ hội này đã đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tiến sĩ Natalia Kanem (Giám đốc điều hành UNFPA) cho biết, UNFPA sẽ phối hợp với các đối tác và cộng đồng khắp nơi trên thế giới để khai thác sức mạnh của 8 tỉ người. Khi các quyền và sự lựa chọn của mọi người dân đều được bảo vệ để ai cũng được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh.

5. Nhân loại đang đứng trước những thách thức gì với dân số 8 tỷ?

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, con số 8 tỷ người là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh, cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết.

Trên bình diện quốc tế, dân số 8 tỷ người tạo áp lực đáng kể đối với môi trường, hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.

Nhìn lại những biến động trên thế giới năm 2022 vừa qua, không khó để nhận ra loài người đang phải đối mặt với những tác động của đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Tất cả đều đe dọa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và tạo ra những cuộc khủng hoảng mới về lương thực, năng lượng, tài chính.

alt
Nguồn: Unsplash

Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam, dân số tăng cũng sẽ tạo áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu. Đây là bài toán về y tế, giáo dục, việc làm, cũng như tình trạng già hóa dân số và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu - nghèo đang gia tăng mà chúng ta cần đối mặt và giải quyết trong tương lai gần.

Năm 2022 đã đi về những tháng cuối cùng, những bất an và lo lắng trong một bối cảnh xã hội nhiều phân mảnh và chia rẽ trên thế giới đang được nhắc đến rất nhiều những ngày gần đây.

Bên cạnh niềm vui và hân hoan chào đón công dân thứ 8 tỷ và những cột mốc mới, hẳn chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho 8 tỷ người.