A.I. trong điện ảnh: Kẻ báo hại hay báo hiệu tương lai? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
19 Thg 05, 2024
Điện ẢnhOpinion

A.I. trong điện ảnh: Kẻ báo hại hay báo hiệu tương lai?

A.I. có thể có chỗ trong điện ảnh và nghệ thuật, nhưng...
A.I. trong điện ảnh: Kẻ báo hại hay báo hiệu tương lai?

Nguồn: Los Angeles Times

Bất kể đối với lĩnh vực nào, A.I. hay trí tuệ nhân tạo đã trở thành một trong những từ khóa được bàn tán rộn ràng nhất. Một số người coi A.I. như phát minh vĩ đại nhất của nhân loại kể từ khi chúng ta tìm ra lửa. Ở thái cực ngược lại, một số khác lại lo ngại về khởi đầu cho sự diệt vọng của loài người dưới tay máy móc.

Điện ảnh cũng không phải ngoại lệ. Sự xuất hiện của A.I. kéo theo sự thích thú và thử nghiệm, nhưng đồng thời những phê bình chỉ trích, những lời kêu gọi tẩy chay, những cuộc đình công...

Nhưng liệu A.I. có phải kẻ báo tử như những “fan trung thành” nhất của điện ảnh vẫn lo sợ, hay vẫn có cách để khai thác thứ phát minh này “đúng cách”?

Khi A.I. lấn sân sang điện ảnh

Trong một vài năm trở lại đây, sự hiện diện của A.I. trong điện ảnh đang ngày một trở nên phổ biến. Phần lớn chúng được sử dụng để tạo ra poster phim, một công việc khá đơn giản đối với sự tinh vi của công nghệ text-to-image của những chương trình như Midjourney.

Marvel từng sử dụng A.I. cho poster của Loki; A24 dùng nó cho Civil War mới đây. Bộ phim Kính Vạn Hoa đang được sản xuất của Việt Nam cũng bị phát hiện sử dụng A.I. ngay sau khi tung poster đầu tiên.

alt
Hình ảnh từ intro của Secret Invasion | Nguồn: Marvel Studio

Ngoài ra, Marvel cũng sử dụng A.I. để thực hiện phân đoạn intro cho series Secret Invasion (dù họ giải thích rằng đó là lựa chọn có chủ đích nghệ thuật). Cách đây không lâu, một bộ phim kinh dị mang tên Late Night with the Devil cũng sử dụng A.I. cho một số đoạn cắt cảnh.

Mọi ví dụ này, sau khi được phát hiện ra, đã nhận về không ít lời chỉ trích, thậm chí đối với tác phẩm cuối cùng là những lời kêu gọi tẩy chay, với lý do rằng việc sử dụng A.I. đang cướp đi cơ hội việc làm của những nghệ sĩ “thực thụ”.

Không dừng lại ở đó, công nghệ text-to-video của những phần mềm như Sora từ OpenAI giờ đây tạo cơ hội cho sự ra đời của những bộ phim ngắn được làm hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo. Chỉ cần mở YouTube và gõ “A.I. short film”, bạn sẽ nhận được hàng nghìn kết quả tìm kiếm khác nhau.

Một hình ảnh được chỉnh sửa bằng A.I. trong What Jennifer Did | Nguồn: Netflix

Nhưng ví dụ đáng lo ngại nhất là trường hợp của bộ phim tài liệu What Jennifer Did mới đây, sử dụng A.I. để chỉnh sửa lại một bức ảnh của nhân vật chính. Chi tiết này sau khi bị lộ đã kích động nhiều lời phê phán dành cho bộ phim, cho rằng một tác phẩm tài liệu đáng lẽ phải tường thuật sự thật, giờ đây lại chỉnh sửa hình ảnh để thao túng câu chuyện, và qua đó, thao túng cả khán giả.

A.I. xuất hiện ở mọi nơi. Vì sao A.I. trong nghệ thuật lại gây tranh cãi?

Sự thật là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, và A.I. sẽ bắt đầu được tìm thấy ở tất cả mọi nơi. Từ điện thoại, máy tính tới việc ứng dụng trong các ngành dịch vụ và công nghiệp. Vậy tại sao A.I. trong điện ảnh nói riêng, và nghệ thuật nói chung lại gây ra nhiều bàn cãi đến vậy?

Có lẽ là vì khác với những ngành khác, giới nghệ thuật chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ bị thay thế bởi công nghệ hay trí tuệ nhân tạo.

Xét cho cùng, sự sáng tạo nghệ thuật là một thứ rất “con người”, thậm chí có thể coi là một trong những thứ “con người” nhất. Nó đã tồn tại từ thuở sơ khai nhất của nhân loại, trong hình thể của những bức vẽ thô sơ trong vách hang động tiền sử. Nghệ thuật đã đồng hành với con người trong suốt lịch sử của chúng ta.

Will Smith trong I, Robot | Nguồn: 20th Century Fox

Sự xuất hiện của A.I. trong nghệ thuật làm gợi nhớ đến một câu thoại trong bộ phim I, Robot, khi nhân vật của Will Smith đang chất vấn về sự “sống” của người máy Sonny. “Robot có thể viết được một bản giao hưởng không? Robot có thể biến một tấm vải bạt thành một bức tuyệt tác được không?”

Nhưng cụm từ đó, “sáng tạo nghệ thuật”, cũng đã làm dấy lên một tranh cãi quyết liệt giữa những người ủng hộ và bài trừ A.I. trong nghệ thuật. Rằng trí tuệ nhân tạo có được coi là sáng tạo không? Phe ủng hộ sẽ cho rằng việc A.I. thu thập nguồn từ một kho dữ liệu khổng lồ và tổng hợp chúng thành một thứ gì khác cũng giống cách các nghệ sĩ học nghệ thuật và lấy cảm hứng từ nhiều nơi.

Theo quan điểm của tác giả bài viết, nếu gọi cách A.I. vận hành giống với cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ, thì đó là một cách hiểu quá nông về từ “cảm hứng” và “sáng tạo”.

La La Land được lấy cảm hứng từ rất nhiều bộ phim âm nhạc kinh điển, nhưng nếu được làm bởi trí tuệ nhân tạo thay vì Damien Chazelle, liệu bộ phim có thể được lồng ghép những trải nghiệm và suy tư cá nhân của đạo diễn về tình yêu, ước mơ và nghệ thuật để tạo nên một kiệt tác điện ảnh?

La La Land và những bộ phim đã tạo cảm hứng cho tác phẩm này | Nguồn: Lionsgate; MGM; Paramount Pictures

Để làm ra một bộ phim là sự kết hợp của tư duy và nhãn quan nghệ thuật từ rất nhiều người, mỗi người trong số họ đem đến những quyết định độc đáo mà chỉ họ có thể đưa ra, những trải nghiệm mà chỉ họ từng trải qua. Đó là thứ tạo nên sự kỳ diệu của điện ảnh, hay nghệ thuật nói chung, và nó không thể đến từ những dãy nhị phân 0 và 1.

Và chưa kể phần lớn những tư liệu mà các phần mềm A.I. sử dụng để “sáng tạo”, đều được lấy mà không có sự cho phép của chủ sở hữu những tư liệu đó.

Vì sao đây (thực sự) là vấn đề đáng lo ngại?

Nghệ sĩ là những người lo ngại nhất về sự trỗi dậy của A.I. trong ngành nghệ thuật. Điều này hiển nhiên, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm manh áo của họ. Nhưng họ chỉ nằm trong phần thiểu số.

Công chúng chủ yếu không biết, hoặc không quan tâm rằng tác phẩm nghệ thuật họ đang tiêu thụ được làm (một phần hoặc hoàn toàn) bằng A.I.. Giới đam mê công nghệ thì sẽ tiếp tục đẩy thứ bảo bối này tới giới hạn xa nhất, vì đó vẫn luôn là khuynh hướng của loài người.

Và quan trọng hơn, (riêng trong điện ảnh), những người nắm quyền lực cao nhất - những nhà sản xuất, giám đốc, cổ đông của xưởng phim - lại là những tiếng nói ủng hộ vang dội nhất cho A.I., vì công nghệ này sẽ đem về những lợi ích về tài chính dành cho họ. Sử dụng A.I. để thay thế nghệ sĩ đồng nghĩa họ không phải trả tiền thuê những nghệ sĩ đó.

Cuộc đình công kép của WGA và SAG-AFTRA | Nguồn: The Anchor

Đó là một trong những lý do lớn nhất đã dẫn tới cuộc đình công kép của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA)Hiệp hội diễn viên Mỹ (SAG-AFTRA) gây trì trệ Hollywood vào năm vừa qua.

Ở thời điểm đó, một vài studio của Mỹ bắt đầu thử nghiệm với việc sử dụng A.I. để viết kịch bản phim. Sau gần bốn tháng đình công, WGA và các xưởng phim đã đi tới thỏa hiệp rằng những phần mềm A.I. như ChatGPT sẽ không được sử dụng để tạo ra kịch bản mới. Thay vào đó, trí tuệ nhân tạo sẽ chỉ được dùng để sửa lại những lỗi nhỏ trong kịch bản (cách dùng từ, ngữ pháp, định dạng,...)

Trong khi đó, SAG-AFTRA lo ngại rằng xưởng phim sẽ sử dụng công nghệ scan 3D để thu thập các bản sao kỹ thuận số của diễn viên quần chúng. Bằng cách này, xưởng phim sẽ chỉ cần trả tiền cho một ngày làm việc và có thể tiếp tục dùng A.I. để tạo ra các mô hình diễn viên quần chúng và sử dụng vĩnh viễn mà không phải lo lắng tới thù lao.

Công nghệ phép quang trắc (Photogrammetry) được sử dụng để scan 3D khuôn mặt diễn viên | Nguồn: AFP

Trước đó, một số studio lớn, đặc biệt là Disney, đã có tiền lệ sử dụng công nghệ deep-fake để “trẻ hóa” các diễn viên già cho phân cảnh quá khứ, và đáng bàn cãi hơn, sử dụng bản scan mặt để đưa những diễn viên đã qua đời trở lại màn ảnh.

Có thể sử dụng A.I. “đúng cách” trong nghệ thuật không?

Thực tế là việc sử dụng những công nghệ có thể suy-nghĩ-hộ-con-người, hay machine learning không phải điều gì đó mới mẻ trong nghệ thuật.

Nếu bạn từng chụp ảnh, nhiều khả năng bạn đã sử dụng chế độ Auto White Balance. Nếu làm editor, bạn sẽ không lạ lùng với những phương pháp hỗ trợ Motion Tracking hoặc Audio Synchronization. Những công cụ này, ít hay nhiều đều sử dụng công nghệ machine learning.

Một hình ảnh của trận chiến Battle of Helm's Deep trong The Lord of the Rings: The Two Towers | Nguồn: New Line Cinema

Cách đây hơn 2 thập kỷ, công ty kỹ xảo Wētā FX đã thiết kế ra phần mềm machine learning để hỗ trợ việc tạo nên những phân cảnh quy mô khổng lồ mà cho tới thời điểm đó được coi là “không thể thực hiện”. Phần mềm này có tên là Massive, và nó được sử dụng để tạo ra các mô hình kỹ thuật số cho binh lính trong phân đoạn chiến trường của bộ phim The Lord of the Rings: The Two Towers.

Các đạo diễn của Spider-Man: Into the Spider-Verse cũng tiết lộ rằng các nghệ sĩ hoạt họa của bộ phim đã sử dụng A.I. để hỗ trợ công đoạn tracking khuôn mặt nhân vật.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất tách biệt những ví dụ này, và một bộ phim ngắn được làm hoàn toàn bằng A.I., đó là những tác phẩm kia chỉ sử dụng trí tuệ nhân tạo đơn thuần như một công cụ, không thay thế hoàn toàn các nghệ sĩ. Spider-Man: Into the Spider-Verse thực chất là bộ phim hoạt hình có số lượng nghệ sĩ hoạt họa nhiều nhất trong lịch sử.

Trong quá trình thực hiện Welcome to Chechnya, các nhà làm phim đã sử dụng công nghệ A.I. để thay đổi toàn bộ khuôn mặt của các nhân vật. Quyết định này trở nên dễ hiểu hơn khi chúng ta biết Welcome to Chechnya là một bộ phim tài liệu về những vụ đàn áp vũ lực đối với cộng đồng LGBT+ tại nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga.

Welcome to Chechnya sử dụng A.I. để thay đổi khuôn mặt các nhân vật | Nguồn: HBO Films

Các nhà làm phim sử dụng khuôn mặt của người tình nguyện để thay thế cho những nhà hoạt động xã hội đang sống và làm việc tại Chechnya, qua đó vừa đảm bảo sự an toàn của họ, vừa duy trì mối liên kết cảm xúc đối với khán giả (điều sẽ khó thực hiện hơn với cách làm truyền thống là che mặt nhân vật).

Khi sử dụng như một công cụ, A.I. có thể giúp các nhà làm phim giảm tải những công đoạn vặt vãnh trong quá trình sản xuất, giúp các đạo diễn nghiệp dư và bán chuyên nghiệp thực hiện được tác phẩm họ mong muốn mà không vượt quá kinh phí hay thời gian cho phép.

Nó giống như auto-tune trong âm nhạc, một cụm từ mà chỉ xuất hiện đã lập tức kích động những phản ứng tiêu cực của người nghe. Không ai muốn ca sĩ họ yêu thích sử dụng auto-tune, trừ khi đó là Daft Punk, vì trong tay cặp đôi này, auto-tune lại trở thành chìa khóa khiến âm nhạc của họ trở nên đặc biệt.

Điện ảnh vẫn liên tục phát triển, và một trong những thứ luôn hiện hữu, chính là những cuộc cách mạng về công nghệ, những phát minh làm thay đổi thông lệ và từ đó đẩy bộ môn nghệ thuật này lên một tầm cao mới. Trước khi máy ghi âm được phát minh, người ta chỉ xem phim câm. Trước khi những cuộn phim màu được phát minh, người ta chỉ xem phim đen trắng…

Vậy nên sẽ thật “phi điện ảnh” nếu nói rằng công nghệ A.I. là hoàn toàn có hại, và đang đe dọa đến sự sống còn của điện ảnh ngày nay. Quan điểm đó, nếu hai đến ba thập kỷ nữa nhìn lại, nhiều khả năng sẽ cổ hủ và bảo thủ vô cùng.

Điện ảnh luôn đi kèm với sự phát triển về công nghệ | Nguồn: Warner Bros. Pictures;
Star Film Company; Universal Pictures; 20th Century Fox

Trí tuệ nhân tạo có thể tồn tại chung với điện ảnh. Nó sẽ tồn tại chung với điện ảnh. Nhưng miễn A.I. được sử dụng như một công cụ, trong tay những nghệ sĩ tài ba, với mục đích và thủ pháp nghệ thuật rõ ràng, nó chắc chắn sẽ giúp cách mạng hóa điện ảnh và tạo ra nhiều tác phẩm đáng khâm phục về mặt công nghệ.

Nhưng nếu A.I. được sử dụng để thay thế các nghệ sĩ, thì có lẽ khó có thể gọi quá trình đó, cùng sản phẩm của nó, là nghệ thuật được nữa.