Ai vào vai búp bê Barbie (và rồi sao nữa?) | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Ai vào vai búp bê Barbie (và rồi sao nữa?)

Chúng ta chờ đợi gì ở phim điện ảnh "Barbie" sẽ ra mắt vào mùa hè 2023? 
Ai vào vai búp bê Barbie (và rồi sao nữa?)

Nguồn: Barbie/Warner Bros.

1. Điều gì vừa xảy ra?

Không phải Margot Robbie hay Simu Liu, Ryan Gosling mới là người kéo khán giả quay lại với dự án phim điện ảnh Barbie. Hình ảnh mới nhất của Gosling trong tạo hình búp bê Ken khiến nhiều người một phen… trầm trồ.

Tuy nhiên, sự ồn ào này không chỉ toàn lời khen mà lẫn cả chê bai. Một số cho rằng, Ryan Gosling vào vai nhân vật Ken rất hoàn hảo. Một số khác lại nghĩ, nam tài tử đang "cưa sừng làm nghé" và gây khó chịu (cringe).

Đã từng có 39 bộ phim kể câu chuyện xoay quanh về búp bê Barbie nhưng tác phẩm do Greta Gerwig đạo diễn là phiên bản người thật đóng đầu tiên. Theo dự kiến, bộ phim sẽ ra mắt vào tháng 07/2023.

2. Ai góp mặt vào Barbie?

Phim Barbie được xem là bí ẩn lớn nhất của Hollywood ở thời điểm hiện tại. Và dự án này cũng thú vị và tò mò ở chỗ, ekip toàn là người "máu mặt."

Đạo diễn của Barbie chính là Greta Gerwig, người đứng sau các dự án được đánh giá cao gần đây là Lady BirdLittle Women. Greta cùng chồng Noah Baumbach (đạo diễn của Marriage Story) đồng biên kịch của bộ phim này.

Bên cạnh hai vị trí đạo diễn và biên kịch, dàn cast của phim cũng đặc biệt thu hút khán giả. Margot Robbie và Ryan Gosling sẽ thể hiện vai chính là Barbie và Ken. Trong khi đó, các diễn viên khác như Simu Liu (vai Ken khác), Will Ferrell hay cặp đôi Emma Mackey và Ncuti Gatwa của Sex Education cũng góp mặt vào phim.

3. Cốt truyện của Barbie là gì?

Rất tiếc, đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa biết nhiều về nội dung hay phong cách của bộ phim Barbie. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng phim thuộc thể loại rom-com và sẽ gắn nhãn PG-13.

Cốt truyện ban đầu được cho là Barbie sẽ thực hiện một cuộc phiêu lưu vào thế giới thực rồi trở lại Barbieland (vùng đất giả tưởng nơi búp bê này sinh sống.) Cô nhận ra rằng, sự hoàn hảo đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài; và đó cũng là chìa khóa của hạnh phúc.

Đây có thể là cốt truyện mà Amy Schumer và Sony mong muốn thực hiện bộ phim này. Schumer cũng từng kỳ vọng biến bộ phim trở thành một tác phẩm đầy tham vọng.

Tuy nhiên, Greta Gerwig - "nàng thơ" của dòng phim Indie đã nhảy vào thay thế, và có thể tạo ra những "phép màu" khác cho Barbie.

Nữ diễn viên Margot Robbie bất ngờ khi tham gia đóng chính cho bộ phim. Cô từng chia sẻ rằng, mọi người có thể nghe đến phim Barbie và cho rằng đã biết tỏng về nó. Nhưng khi biết Greta Gerwig biên kịch và đạo diễn, họ sẽ phải nghi ngờ về chính nhận định của mình.

4. Có những tranh cãi nào xoay quanh búp bê Barbie?

Ra đời từ năm 1959, Barbie là một loại búp bê thời trang được tập đoàn Mattel của Mỹ sản xuất. Kể từ đó đến nay, Barbie trở thành món đồ chơi bán chạy nhất lịch sử và phá bỏ quan niệm, búp bê chỉ dành cho bé gái.

Ước tính, 58 triệu búp bê Barbie đã được bán ra mỗi năm tại hơn 150 nước trên thế giới. Với lịch sử hơn 60 năm, và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, Barbie đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng.

Tuy nhiên, cùng với sự nổi tiếng và phổ biến, Barbie cũng từng tạo ra không ít tranh cãi. Ở thời kỳ đầu, vẻ đẹp hoàn hảo của loại búp bê được cho là phóng đại để tương xứng với quan điểm thẩm mỹ.

Điều này tiếp tục trở thành mối quan tâm khi nhiều người cho rằng, búp bê Barbie ảnh hưởng tiêu cực đến ám ảnh cơ thể hoàn hảo của phụ nữ. Cũng có người cho rằng, loại búp bê này cổ vũ cho quan điểm, không cần giỏi giang - chỉ đẹp là đủ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra búp bê Barbie tác động tiêu cực đến trẻ em và phụ nữ trẻ tuổi. Tiêu chuẩn về cái đẹp mà Barbie vô tình hãy cố ý tạo nên đã tác động trực tiếp đến đời sống của con người. Nhiều người đã thực hiện hàng chục cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành những Barbie sống.

Dù đa dạng về tạo hình, màu da theo năm tháng, Barbie vẫn không “thoát” được tranh cãi. Việc đa dạng này dường như vẫn không có nhiều tác động tích cực đến trẻ em và phụ nữ như nhà sản xuất mong muốn. Bên cạnh đó, cũng từng có nhiều phiên bản Barbie gây tranh cãi như The “Don’t Eat!” diet (1963), Giving-birth Barbie (2003), Barbie’s sex-doll origins…

5. Đồ chơi trẻ em hay đồ chơi người lớn?

MG Lord, tác giả cuốn Forever Barbie cho rằng, không có lý do xác đáng cho ý kiến chỉ trích búp bê Barbie. Theo bà, hình mẫu của Barbie đại diện cho những gì mà đứa trẻ muốn. Vấn đề ở đây không phải là một món đồ chơi có kích thước gần 30cm, mà là nền văn hóa rộng hơn và quan điểm về sự nữ tính.

Roland Barthes thì suy nghĩ ngược lại, ông cho rằng các đồ chơi (Pháp) về căn bản là thế giới thu nhỏ của người lớn. Tất cả đều là những sản phẩm tái hiện thu nhỏ các vật dụng của con người. Ngoài rất ít những đồ chơi cần sự khéo léo, sáng tạo, đa số đồ chơi được tạo ra là để xã hội hóa.

Búp bê Barbie có thể xem là một trong những loại đồ mô phỏng như lời Roland Barthes. Đứa trẻ chơi với búp bê Barbie có nghĩa là chúng đang “học” về thế giới của người lớn, thụ động tiếp nhận các hình mẫu trong xã hội.

Vì thế, việc đa dạng màu da, kiểu dáng, cung cấp thêm các hình tượng như bác sĩ, người ngoại quốc hay chuyển qua bán phụ kiện (quần áo, vật dụng thay vì chỉ búp bê)... là để phục vụ cho người lớn, thay vì trẻ em.

Nói cách khác, chơi búp bê là một cách học làm người lớn khi còn bé của trẻ em? Những loại đồ chơi mô phỏng này là muốn tạo ra những đứa trẻ sử dụng chứ không phải những đứa trẻ sáng tạo.

Roland Barthes đã từng tiên tri rất đúng, “Đồ chơi từ nay có tính chất hóa học, cả về chất và màu sắc: Ngay cả vật liệu của nó cũng toàn đem lại cảm giác sử dụng, chứ không phải cảm giác thích thú.”

“Những đồ chơi ấy rất mau chóng chết đi, và khi đã chết rồi, chúng sẽ không còn lưu lại ở đứa trẻ bất kỳ dấu vết gì cả.”