An Trần: “Tự hào về mình trước, rồi bố sẽ tự hào thôi!” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

An Trần: “Tự hào về mình trước, rồi bố sẽ tự hào thôi!”

"Bất đồng là chuyện không bao giờ tránh khỏi. Nhưng thành quả cuối cùng mới là cái đích ta cần hướng đến. Bố là thầy của An, nhưng An cũng cho bố rất nhiều bài học."

An Trần: “Tự hào về mình trước, rồi bố sẽ tự hào thôi!”

Nguồn: Đêm nhạc "20 năm nhớ Trịnh Công Sơn"

Với An Trần, bố vừa là bố, là thầy, và cũng là một đồng nghiệp lâu năm. Bố đã bên cô bé từ những ngày thổi hơi saxophone đầu tiên trên sân khấu, đến tận lúc được ưu ái gọi là “nghệ sĩ saxophone trẻ nhất Việt Nam”. 

Giữa nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng An Trần có sợi dây gắn kết đặc biệt - họ có chung một đam mê. Đứng sau những bản saxophone thành công của An Trần là một người bố thấu hiểu và luôn thúc đẩy con phát triển hết mình. Còn đứng cạnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn không chỉ trong nhiều buổi biểu diễn là một An Trần dù chỉ 17 tuổi, nhưng luôn hiểu sự quan trọng của việc giao tiếp và kết nối với gia đình.

Gu âm nhạc của hai bố con có bao giờ ngược nhau không?

Chú Tuấn: Có thể nói là dường như… lúc nào cũng ngược, ngược đến 100%. Nhưng sự trái ngược ấy là một cái lợi, bởi mình có thể học hỏi, chia sẻ và truyền cảm hứng lẫn nhau. 

Bản thân chú cũng cần trải nghiệm và học hỏi những tác phẩm của lớp trẻ. Giới trẻ làm nhạc bây giờ có rất nhiều điều rất hay. Họ táo bạo, âm nhạc cũng văn minh. Tuổi nào cũng cần để tư duy mở. Nếu cứ đóng cửa với tất cả những gì mới thì kiến thức của mình sẽ hạn hẹp lắm.

Thân thiết là thế, chứ hai bố con cũng có nhiều lúc bất đồng trong công việc | Nguồn: Đêm nhạc
Thân thiết là thế, chứ hai bố con cũng có nhiều thứ trái ngược nhau | Nguồn: Đêm nhạc "20 năm nhớ Trịnh Công Sơn"

An Trần: Em thích nhạc trẻ, nhạc pop, US-UK… nhưng nhiều khi vẫn phải nghe nhạc trong thế hệ của bố. Không chỉ để đi diễn với bố, mà còn để học được sự tinh tế trong âm nhạc của người đi trước.

Bố luôn dặn rằng bây giờ em có nhiều điều kiện, nếu có thể, nên học được càng nhiều sự văn minh tiến bộ càng tốt. Tuy vậy, vẫn luôn phải giữ chất Á Đông, chất Việt Nam trong mình để khẳng định sự độc đáo khi ra ngoài thế giới. 

An và bố có từng gặp nhiều bất đồng?

Chú Tuấn & An Trần: Có chứ. Hai bố con cũng có nhiều lúc bất đồng về bản phối. Khả năng thưởng thức và cách tư duy của hai thế hệ khác nhau. Cách chơi của bố thì tinh tế và tối giản, còn An thuộc thế hệ trẻ thì mạnh mẽ hơn. Nhưng ‘loang choang’ một tí rồi cũng tìm được phương án. 

Có bao giờ bất đồng đến mức... cãi nhau không?

Chú Tuấn & An Trần: May mắn là nhà này chưa bao giờ lớn tiếng với nhau cả. Khi có bất đồng, hai bố con tìm cách để giải quyết nó một cách nhẹ nhàng nhất. Tất nhiên ông bố thì lớn tuổi hơn, nên… nhịn giỏi hơn.

Nhiều khi tập đi tập lại, ra bản master rồi mà nghe vẫn thấy chưa ưng. Lúc đấy, bố Tuấn sẽ chia sẻ kinh nghiệm với An. An nghe thì tốt, nếu không, An sẽ… thuyết phục ngược lại bố.

Cả hai đều là người làm trong nghề, nên hiểu rằng hiệu quả cuối cùng luôn là sản phẩm. Tác phẩm cuối cùng có tiếng nói, có rung động hay không mới là điều quan trọng.

An Trần - dự án lớn nhất của bố Trần Mạnh Tuấn | Nguồn: An Trần
An Trần - dự án lớn nhất của bố Trần Mạnh Tuấn | Nguồn: An Trần

Chú Tuấn: Dạy con cũng là một thứ chú cần phải học. May mắn là chú đã có rất nhiều năm làm thầy cho cả người lớn, cả trẻ nhỏ, nên biết cách. Quan trọng không phải là mình làm thế nào, mà là thông điệp mình muốn đưa ra là gì. 

Đôi lúc chú có thể vui một tí, nựng một tí. Nhiều lúc chú lại dùng chiêu bài khích tướng. Chẳng hạn chú sẽ kể vu vơ về một nghệ sĩ trẻ khác, về việc bạn ấy đa tài thế nào và phong cách âm nhạc ấn tượng ra sao. Không cần gì nhiều, bởi vì một học viên tốt sẽ biết lắng nghe và phấn đấu.

Không phải vì chú lớn tuổi nên toàn là An phải đi học hỏi đâu. Bản thân chú cũng có nhiều thứ phải nghiền ngẫm ở con đấy. Bảo chú thời bằng tuổi An làm một dự án như I Wish - tự biểu diễn rất nhiều nhạc cụ, tự thu chỉnh từ A-Z - thì không thể nào làm được.

Cả hai luôn trò chuyện, chứ không bao giờ cãi vã, để biết An cần học gì ở chú, và chú cần học điều gì ở con.

An có bí quyết nào để thuyết phục bố?

Hai bố con đã diễn cùng với nhau nhiều đến mức hiểu rõ về tư duy âm nhạc của đối phương | Nguồn: An Trần
Hai bố con đã diễn cùng với nhau nhiều đến mức hiểu rõ về tư duy âm nhạc của đối phương | Nguồn: An Trần

An Trần: Mỗi lần có ý tưởng và cực kỳ muốn bố chấp nhận ý kiến của mình, cách của em là... nói bằng mọi cách để bố chịu nghe mình. Nói đến khi nào bố chịu, không chịu thì sẽ nói tiếp. Những khi bí quá, thậm chí em sẽ làm thử cho bố nghe, để bố hiểu thứ mình muốn làm. 

Chỉ cần vững tin vào ý tưởng của mình, và chịu khó trao đổi với bố, thể nào cũng đến lúc bố xiêu lòng thôi.

Với An, bố Tuấn là một người bố thế nào?

An Trần: Khi bố là một người thầy thì rất khắt khe. Nhưng khi là bạn diễn, bố rất dễ thương và hay giúp đỡ em.

Chú Tuấn: Không phải là giúp đỡ, mà là… sợ sệt, nên toàn phải nhường (cười).

Là “dự án lớn nhất” của bố, có bao giờ An bị áp lực phải làm bố tự hào?

An Trần: Muốn làm bố tự hào, mình phải tự hào về mình trước. Khi bản thân đạt được những thành tựu nhất định và hài lòng với những gì mình làm được, bố mẹ cũng sẽ tự hào thôi.

Để đạt được mục tiêu thì chuyện phải mệt là không thể tránh khỏi. Nhưng em không gọi đây là áp lực, em thấy nó là động lực nhiều hơn. 

Khoảnh khắc nào chú Tuấn nhận ra “con mình đã lớn”?

"Trên sân khấu, chị ấy bé tí bé teo. Mình nhìn còn sợ chết khiếp. Thế mà chị ấy chẳng sợ sệt gì." | Nguồn: Đêm nhạc "Dấu Ấn"

Chú Tuấn: Có một lần "chị ấy" suýt làm chú vỡ tim, là khi diễn chương trình Dấu Ấn. Cả một đêm nhạc để kỷ niệm hành trình của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn được phát trên tận 11 đài. "Chị ấy" vẫn chưa tập luyện saxophone gì nhiều, mà chương trình thì lớn như thế, chú vừa chuyên tâm luyện cho An thật tốt bài Bèo Dạt Mây Trôi mà vừa run.

Lúc đứng trên sân khấu, "chị ấy" trông bé tí bé teo. Chú đứng trong cánh gà nhìn còn thấy hãi. Vậy mà "chị ấy" lỳ lắm, chẳng sợ sệt gì cả, thổi tốt biết bao nhiêu.

An bây giờ với An thời “suýt làm chú vỡ tim” có gì khác biệt?

Chú Tuấn: Trong cách chơi nhạc, chú thấy con đã lớn hơn rất nhiều. An có những nước đi táo bạo hơn, cũng rất dạn dĩ. 

Trong công việc thì đã trưởng thành lắm rồi. Nhưng nhiều mặt trong đời sống thì vẫn còn nhỏ và vô tư lắm. Tuổi 17 hay thích cho là mình già, mình cao thủ, đôi khi nghĩ cái gì của mình cũng đúng, thường… không nghe lời bố. 

Chú thì có chất thiền trong người (cười). Những việc như thế không làm mình bực. Mình chỉ cần kiên nhẫn và chờ con trưởng thành hơn về cảm xúc thôi. Cái gì cũng cần thời gian mà! 

An đã kết nối với gia đình ra sao, có phải một phần nhờ những lúc 'nghiệm' lại lời dạy của bố?

An Trần luôn giữ chặt sợi dây kết nối với gia đình | Nguồn: An Trần
An Trần luôn giữ chặt sợi dây kết nối với gia đình | Nguồn: An Trần

An Trần: Em không nhớ có một khoảnh khắc nhất định nào mình nhận ra lời bố từng nói là đúng, và mình đã cãi sai. Nhưng theo thời gian, dần dần bản thân em cũng tự điều chỉnh mình để hiểu thêm về những lời khuyên của bố. 

Thời em đi Mỹ, cứ mỗi dịp nghỉ là sẽ được về nhà. Lúc nào rảnh cũng nhấc điện thoại lên để FaceTime với bố mẹ. Bố bảo, ngày bố còn đi học xa nhà, gửi một email phải chờ mất mấy ngày. Em luôn ghi nhớ điều ấy để hiểu mình may mắn thế nào, và luôn giữ chặt sợi dây kết nối với gia đình.

Là điểm tựa vững chắc của con gái, chú Tuấn có bao giờ thấy An cũng là điểm tựa của mình?

Chú Tuấn: Khoảnh khắc nhìn An sải cánh bước ra ngoài thế giới và dần khẳng định bản thân, là lúc con mình đã trở thành một điểm tựa, khiến chú hài lòng và vô cùng tự hào rồi.

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu từ Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.