Khi được một phóng viên đặt câu hỏi về việc viết sách từ trải nghiệm, nhân vật Sandra (Sandra Hüller) đã thẳng thắn nói rằng: “Trải nghiệm chỉ dẫn tôi tới một câu chuyện thú vị và tôi quyết định đưa nó vào trong cuốn sách của mình. Không gì hơn".
Thế nhưng, chỉ ít phút sau, ta thấy xác chết của chồng cô - Maleski - một người đam mê viết văn nhưng chưa bao giờ được công nhận - rơi từ tầng 3 ngôi nhà gỗ. Đứa con trai mù 11 tuổi, người có mặt khi cái chết của bố mình xảy ra, vô tình trở thành nhân chứng duy nhất của vụ án.
Càng đi sâu tìm hiểu, người xem của Anatomy of a Fall càng khám phá ra những bí mật đen tối mà Sandra che giấu. Khán giả được đặt vào một ranh giới mơ hồ, lẩn khuất giữa vô vàn câu hỏi: Sandra thực sự đã giết chồng? Ai nói thật, ai nói dối và ai đứng sau dàn dựng tất cả mọi chuyện?
Với bầu không khí bí ẩn, căng thẳng, bộ phim về hành trình chứng minh bản thân vô tội của nữ đạo diễn người Pháp Justine Triet nhận hàng loạt lời khen ngợi từ giới phê bình. Tác phẩm giúp cô trở thành người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử có phim giành giải cao nhất của Cannes sau Jane Campion (phim The Piano - 1993) và Julia Ducournau (phim Titane - 2021).
Xem Anatomy of a Fall, người xem có thể nhìn thấy nhiều nét tương đồng với một tác phẩm giật gân hấp dẫn ăn khách trước đó - Gone Girl (2014). Bộ phim khai thác những mặt tối của hôn nhân thông qua câu chuyện về một người vợ đột nhiên mất tích vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Mọi nghi ngờ đổ dồn vào người chồng.
Trong cuốn sách Save the Cat về nghề biên kịch có một câu nói thú vị: “Để không sa vào lối mòn và tìm ra những hướng đi mới, bạn cần phải nắm rõ những con đường đã in sẵn dấu chân. Một cái gì đó hao hao nhưng khác khác”. Và Anatomy of a Fall chính là một phiên bản “hao hao nhưng khác khác” của Gone Girl.
Tình yêu như mơ, hôn nhân như ác mộng?
Nếu đã từng xem Gone Girl, chắc hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng vì sự thật đầy phũ phàng của cuộc sống hôn nhân. Nick (Ben Affleck) và Amy (Rosamund Pike) cũng giống như bao người đàn ông và đàn bà khác trên thế giới. Họ gặp nhau, bị thu hút bởi nhau, trải qua thời gian yêu đương nồng nàn rồi quyết định tiến đến hôn nhân.
Nhưng, đời sống vợ chồng không như là mơ. Sau thời gian sống chung, cả hai bị thử thách bởi vô vàn áp lực cuộc sống, từ vật chất, danh tiếng, bạo lực, sự chung thuỷ đến cả nỗi cô đơn. Bầu không khí nặng nề tràn ngập khiến Amy thậm chí đã viết trong nhật ký của cô rằng: "Đôi khi, tôi cảm thấy như mình có thể biến mất bất kỳ lúc nào".
Còn trong Anatomy of a Fall, phim không kể nhiều về những khoảnh khắc trước khi tiến tới hôn nhân của cặp vợ chồng, mà chỉ lướt qua bằng một vài câu thoại. Maleski từng nói rằng anh chọn Sandra là một nửa đồng hành cùng mình trong cuộc sống và chấp nhận gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình hơn để ủng hộ cho ước mơ của cô.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp của Sandra ngày một thành công, còn bản thân ngày càng thất bại, Maleski cũng đổi tính đổi nết. Hai người hay gắt gỏng, cãi nhau, thậm chí động tay động chân. Người này chỉ trích người kia và ai cũng tự cho rằng mình đúng đắn.
Anatomy of a Fall hạn chế sử dụng âm nhạc. Điều này khiến bộ phim mang đến cảm giác khô khốc, như chính tình yêu đang nguội lạnh và đi vào bế tắc của vợ chồng nhà văn. Bằng ngôn ngữ điện ảnh xen lẫn không khí căng thẳng, bí ẩn và cái kết nhiều suy ngẫm, phim để lại cho người xem dấu hỏi lơ lửng với một câu hỏi tu từ: “Liệu hôn nhân có phải là mồ chôn của tình yêu?”.
Phụ nữ là “kèo trên” trong cuộc chiến gia đình?
Trong Gone Girl, ta thấy hình ảnh một Amy luôn nắm thế chủ động. Có cảm giác cô giống như một nữ nhà văn đang tự viết nên cuốn tiểu thuyết của cuộc đời mình.
Từ đầu đến cuối phim, Nick không hề hiểu gì về vợ. Khi bị cảnh sát thẩm vấn, anh mới nhận ra rằng mình không biết bạn thân vợ là ai, không biết nhóm máu của vợ, không biết hàng ngày cô thường đi đâu làm gì. Trong khi đó, Amy lại quá hiểu về Nick, để từ đó lên kế hoạch cho một cuộc trả thù tàn khốc.
Anatomy of a Fall cũng hoán đổi vai trò quyền lực của hai giới tính, khi để nhân vật Sandra là người có vị thế cao hơn trong xã hội. Điều này vô tình kích thích lòng tự ái của Maleski - người cũng đam mê văn chương nhưng không được coi trọng.
Để rồi, anh buộc tội cô chỉ biết tập trung cho sự nghiệp mà bỏ bê gia đình. Anh cho rằng cô đánh đổi hạnh phúc hôn nhân, tình cảm với con cái chỉ để chạy theo danh tiếng trong nghệ thuật.
Nỗi ấm ức của Maleski cũng thể hiện mặt trái của một xã hội nam trị, khi người đàn ông không bao giờ muốn mình đứng sau phụ nữ. Và người phụ nữ, bất kể trong xã hội nào, ở thời đại nào, vẫn luôn phải gánh vác hai chữ trách nhiệm trên vai. Họ phải làm vợ, làm mẹ, làm nhân vật “phụ” trong cuộc đời của chính mình.
Trong phiên tòa xét xử Sandra, có một chi tiết đắt giá là khi công tố viên đọc một đoạn văn trong chính tác phẩm của cô, lấy tâm thức một nhân vật phụ bị cuồng loạn để suy diễn tâm thức của Sandra.
Hành vi này cũng là dấu hiệu cho sự áp đặt, trịch thượng của một bộ phận “nam quyền” – những người tự coi mình là “quan trọng”, là mạnh mẽ, thẳng thắn và có quyền phán xét người khác.
Nghệ thuật hư cấu tạo nên những án mạng thương tâm
Ở Gone Girl, bên cạnh việc khai thác mặt tối trong đời sống hôn nhân, tác phẩm còn đưa ra lời giễu nhại về một bộ phận truyền thông “lá cải” - những “con thú săn mồi” nhân danh quyền tự do thông tin.
Chưa có bằng chứng rõ ràng, chưa bị xét xử công khai, nhưng trong mắt giới truyền thông, Nick đã trở thành kẻ máu lạnh, giết vợ một cách tàn nhẫn. Nhân vật luật sư Tanner Bolt - người bào chữa cho Nick, thậm chí còn thẳng thắn bày tỏ rằng muốn chứng minh sự vô tội, anh cần phải thắng trên mặt trận truyền thông trước đã.
So với Gone Girl, Anatomy of a Fall không quá nhấn mạnh về chủ đề này. Song, đâu đó trong tác phẩm, ta vẫn thấy hiện lên gương mặt “méo mó” của một bộ phận truyền thông. Sandra gặp bất lợi và trở nên suy sụp tinh thần khi truyền thông không ủng hộ cô. Tưởng như thông minh và mạnh mẽ, nhưng họ thực chất lại là những người dễ dàng bị thao túng chỉ bằng những lời khai chưa xác thực hay sự suy đoán cá nhân.
Không phải ngẫu nhiên mà nữ đạo diễn Justine Triet lại chọn nhà văn làm nghề nghiệp chính cho nhân vật của mình. Nhà văn - người thường chìm đắm trong những thế giới tưởng tượng, viết nên những câu chuyện hư cấu.
Từ đầu đến cuối phim, đặc tính nghề nghiệp của Sandra khiến người xem dễ bị lẫn lộn giữa hư cấu và hiện thực. Người ta tự hỏi liệu cô có thể bịa đặt mọi chuyện để minh oan cho bản thân, hay do quá nhập tâm vào cuốn sách, cô sẵn sàng giết chồng để đi sâu vào tâm lý nhân vật?
Nhưng điều hài hước là trong bộ phim, đối lập với Sandra là những người làm nghề báo - người tôn trọng sự thật và nói chuyện bằng dẫn chứng, cũng thường xuyên để cái đầu bay bổng và thêu dệt nên những câu chuyện giả tưởng, có thể gây tổn thương đến cuộc đời một con người.