Ảnh của người bị buộc tội và vấn đề nhân phẩm | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 10, 2022
Truyền ThôngOpinion

Ảnh của người bị buộc tội và vấn đề nhân phẩm

Cảm giác thiện cảm từ công chúng bị tước đi trên các tấm mugshot gắn liền với phần đời còn lại của bị can.
Ảnh của người bị buộc tội và vấn đề nhân phẩm

Nguồn: NBC

Nhiều hơn một người từng tự hỏi, vì sao ảnh mugshot (ảnh chụp khi bị bắt) của các bị can được công khai trên truyền thông thường xấu thế? Đặc biệt là với hình ảnh của người nổi tiếng, nếu được đặt cạnh các bức hình chụp họ trước khi bị buộc tội, sẽ tạo cho công chúng cảm tưởng rằng đó là những con người khác nhau.

Câu hỏi này thoắt ẩn thoắt hiện trong đầu nhiều độc giả trong hai vụ bắt giữ hai nữ doanh nhân xảy ra gần đây, gây xôn xao dư luận - bà Nguyễn Phương Hằng và bà Trương Mỹ Lan. Tạm thời chưa bàn đến tội danh của những người này, song dường như sự thiếu hoàn hảo, hay thậm chí là tương phản với hình ảnh quần là áo lượt của các nhân vật khi họ bị bắt đã tạo cho khán giả truyền thông ấn tượng về sự “đúng người, đúng tội.”

Từ đây xuất hiện một vấn đề lớn: Việc chúng ta hả hê khi ai đó bị bắt giữ có thể không xuất phát từ sự hiểu biết đối với pháp luật và niềm tin vào công lý. Cảm xúc của ta chỉ xuất phát từ ấn tượng rất cá nhân khi đối diện với những tấm mugshot không đẹp.

Đi xa hơn cảm nhận chủ quan về các tấm chân dung xấu xí, ta cần đặt ra vài câu hỏi nghiêm túc hơn sau đây: (1) Kỹ thuật chụp hình bị can được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào? (2) Hình chụp can thiệp ra sao vào cách công chúng nhìn nhận một sự kiện thực thi pháp luật? (3) Truyền thông cần cân nhắc những gì trước khi xuất bản những tấm mugshot?

Khi ảnh chụp là phiên bản chính xác hơn cả đối tượng

Nhiếp ảnh và truy bắt tội phạm có quan hệ khăng khít trong lịch sử. Chỉ khoảng 10 năm sau sự ra đời của nhiếp ảnh, kỹ thuật này đã được sử dụng để chụp hình tội phạm. Hình chụp cho phép cảnh sát và các nhà thực thi luật pháp nắm bắt được chân dung “chân thật” (real) nhất của kẻ bị buộc tội và cần bị theo dõi. Sau này, kỹ thuật mugshot được áp dụng đối với toàn bộ công dân và được in trên căn cước vì nhu cầu quản lý của các thể chế hành pháp.

Triết lý “chân thật” đằng sau từng tấm ảnh mugshot được thiết kế bởi một nhà dân tộc học Pháp tên là Alphonse Bertillon. Cựu giám đốc của Cơ quan Nhân dạng Tư pháp (Judicial Identification Services) Pháp, danh hiệu thứ hai của Bertillon, tạo ra định dạng mugshot quen thuộc hiện nay, với toàn bộ đầu và thân trên, được chụp ở hai góc trực diện và nghiêng.

httpsvietceteracomuploadsimages14oct2022theoriginsofthemugshot1050x700jpeg
Alphonse Bertillon xuất hiện trong một hình mugshot | Nguồn: Jstor

Những thông tin thêm về đối tượng mà Bertillon cho là quan trọng bao gồm chiều rộng của sải tay, chiều dài của bàn chân và kích thước tai, vì ông cho rằng đây là những thứ phân biệt chặt chẽ sự độc nhất của một con người với những con người khác.

Hình chụp là công cụ lưu trữ căn tính bạo lực hơn rất nhiều so với tranh vẽ ở thời điểm nó ra đời. Trong hội hoạ, các yếu tố ánh sáng, bố cục, thần thái… có nhiều phần hư cấu. Trong khi đó ảnh chụp đóng đinh chủ thể được chụp trong một bối cảnh không gian, thời gian, với sự phơi lộ chính xác từng đường nét, nốt ruồi, tướng mạo.

Bức ảnh vì thế còn được coi là phiên bản chính xác hơn cả sự tồn tại của đối tượng. Một phạm nhân hay một đối tượng bị truy nã không thể chạy khỏi… chính những yếu tố nhân trắc không thể thay đổi của họ trên ảnh. Vì vậy, kỹ thuật mugshot không sao chép lại hình dạng chân thật của một người, nó định nghĩa thế nào là chân thật.

Tấm hình trở thành cáo trạng gắn liền với cuộc đời bị can

Công dụng lý tưởng của chụp ảnh tội phạm là lưu trữ lại phiên bản “chính xác” nhất của đối tượng. Lý tưởng này khó có thể được đạt tới vì các lý do hầu hết là chủ quan, như tướng mạo và trạng thái thể chất-tinh thần của đối tượng khi được chụp lại, cũng như kỹ thuật hậu kỳ các tấm ảnh.

Có một điều gần như là hiển nhiên là các bị can khi bị chụp hình không ở trong trạng thái thể chất và tinh thần tốt nhất. Họ xuất hiện dưới tư cách người đang bị cáo buộc nhiều tội danh. Họ cũng hoàn toàn trong trạng thái dễ tổn thương, vì số phận và danh dự đang nằm trong tay của người khác. Hai nữ doanh nhân xuất hiện trên hình mugshot gần đây bị xoá đi hoàn toàn thế mạnh về ngoại hình của họ.

Nhưng yếu tố hậu kỳ tấm ảnh được cho là đáng lo ngại hơn, được chỉ ra bởi các nhà nghiên cứu truyền thông. Vụ việc gây tranh cãi nhất liên quan đến hậu kỳ ảnh mugshot là cách truyền thông đưa tin về vụ án cầu thủ bóng bầu dục Mỹ O. J. Simpson giết vợ cũ vào năm 1994.

Khi nhận được hình mugshot của O. J. Simpson từ phía cảnh sát, người minh hoạ hình ảnh của tờ Time, Matt Mahurin nhận được yêu cầu là hãy tái hiện lại nó một cách nghệ thuật. Anh đã làm tối bức ảnh đi và thu nhỏ dãy số I.D. phạm nhân. Bức ảnh xuất hiện trên trang bìa của Time bị phê bình không thương tiếc vì cố tình hậu kỳ nhấn mạnh vào màu da nhằm ác quỷ hoá O. J. Simpson. Đối thủ của Time lúc đó, tờ Newsweek, đã in bức ảnh gốc lên trang bìa nhằm nhấn mạnh sự chỉnh sửa thiếu đạo đức này.

httpsvietceteracomuploadsimages14oct2022downloadjpeg
So sánh mugshot của Time và Newsweek trong vụ O. J. Simpson | Nguồn: KPCC

Khi tính “chính xác” của ảnh mugshot còn phải bàn cãi, thì sự tồn tại của nó phủ bóng lên cuộc đời của toàn bộ một con người. Một cá nhân, có thể là người của công chúng hoặc không, có nhiều tấm ảnh trong cuộc đời: ảnh ấu thơ, ảnh thẻ học sinh, ảnh cưới… Chúng đều định nghĩa một phần cuộc đời nhân vật, nhưng mugshot thì có quyền năng lớn hơn. Nó tuyên bố, trong giờ này, ngày này, tháng này, năm này, ở một địa điểm cụ thể, ai đó đã chính thức trở thành tội phạm.

Biểu cảm, ánh mắt, và các filter hậu kỳ của cơ quan có thẩm quyền và truyền thông đều chứng minh rằng cuộc đời của nhân vật đã đến ngã rẽ. Đáng sợ hơn, tính “chính xác” (dù còn gây tranh cãi) của bản thân tấm mugshot có quyền năng thay thế bản cáo trạng, và chính thức tước đi danh dự của đối tượng.

Có nên lan truyền mugshot trên truyền thông?

Là một “hồ sơ công khai” (public record), vào thời điểm kỹ thuật chụp ảnh khi bị bắt mới ra đời, ảnh bị can được in ra và đặt ở nơi công cộng như một “điểm neo,” để nếu người bị chụp vô tình chạy thoát khỏi nơi giam giữ, thì tất cả mọi người đều biết kẻ phạm tội trông như thế nào. Nhưng lý do quan trọng hơn cho việc công khai những bức hình này là tiêu khiển.

Khoảnh khắc bị chụp lại hình mugshot trong hồ sơ buộc tội đã là một bước loại bỏ danh dự của một người, thì sự lan truyền những tấm mugshot qua truyền thông là bước thứ hai, xoá bỏ toàn bộ nhân phẩm của cá nhân. Một người khi đó sẽ mãi mãi bị nhìn nhận là tội phạm, kể cả khi họ đã hoàn thành xong toàn bộ án tù và các hình phạt cho tội danh của mình.

Sự lan truyền hình mugshot của một cá nhân qua truyền thông là một hình thức làm nhục. Người có tiền án tiền sự, vì thế, khó có thể tái hoà nhập với xã hội, khi hình ảnh bị buộc tội của họ mãi mãi bị trình diện trước công chúng, dù trong các tập hồ sơ giấy, hay trong các kho tư liệu số.

Vì thế, gần đây một số cơ quan truyền thông đã tuyên bố, họ sẽ mãi mãi không đăng tải hình mugshot của bị can, để không huỷ hoại nhân phẩm của những người này. Sự huỷ hoại đó không đem lại bất cứ lợi ích gì cho xã hội. Ở nhiều nơi tại phương Tây, các thể chế luật pháp cũng luật hoá việc cấm truyền thông sử dụng các bức ảnh mugshot của người bị buộc tội, tới từ cơ quan cảnh sát.

Điều đó đặt cho chúng ta câu hỏi lớn hơn: điều sai trái có thể được loại bỏ hay không khi ta cố gắng loại bỏ phẩm giá của người vi phạm, thay vì thuyết phục họ hướng về điều đúng đắn?