Lập trình ngôn ngữ thị giác cho e-commerce cùng Châu Võ | Vietcetera
Billboard banner

Lập trình ngôn ngữ thị giác cho e-commerce cùng Châu Võ

Trong số tiếp theo của Ask A Senior, cùng tìm hiểu về công việc của một Head of Production qua lời kể của chị Châu Võ, Trưởng Bộ phận sản xuất hình ảnh và nội dung tại Leflair.

Lập trình ngôn ngữ thị giác cho e-commerce cùng Châu Võ

Ask A Senior: Lập trình ngôn ngữ thị giác cho e-commerce cùng Châu Võ

presented by Lelair



“Nếu điện thoại thông minh sinh ra để thay đổi cách con người giao tiếp, thì thương mại điện tử (e-commerce) sinh ra để thay đổi cách chúng ta mua sắm.” Đó là chia sẻ từ chị Châu Võ, Trưởng Bộ phận sản xuất hình ảnh và nội dung (Head of Production) tại Leflair.

Là một trang thương mại điện tử với định hướng phát triển riêng biệt–chuyên cung cấp sản phẩm từ thương hiệu cao cấp ở mức giá phải chăng, xen kẽ với những chiến dịch giảm giá ngắn hạn–vì thế, chúng tôi tin rằng hình ảnh cũng là một trong những yếu tố được Leflair đầu tư hàng đầu.

Để dành những con số ấn tượng mà đội ngũ của chị làm được cho phần sau câu chuyện, chúng tôi ngồi xuống cùng chị Châu để tìm hiểu đặc tính của công việc Head of Production cho một e-commerce. Nó khác gì so với công việc Production tại một agency hay một production house? Và hình ảnh đóng vai trò như thế nào trong quá trình mua sắm trực tuyến của khách hàng?

Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết Ask A Senior này.

Chị Châu Võ Head of Production tại Leflair
Chị Châu Võ, Head of Production tại Leflair.

Cơ duyên nào đưa chị đến với công việc hiện tại?

Thật ra mình tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, chuyên ngành vi sinh, nhưng do sức khỏe bản thân không phù hợp với môi trường làm việc tại nhà máy, nên mình quyết định làm trái ngành tại một công ty nhỏ chịu trách nhiệm gia công theo đơn hàng từ Mỹ.

Vào thời điểm những năm 2012-2013, mình được mời tham gia vào một dự án phát triển trang thương mại điện tử tại Mỹ. Vốn là một người thích mua sắm hàng qua mạng, mình vui vẻ nhận lời. Từ đó, mỗi ngày 8 tiếng, công việc của mình là tham khảo các e-commerce thịnh hành như Amazon, xem cách họ làm hình ảnh, thông tin quảng bá sản phẩm, chiến thuật khuyến khích mua hàng…

Sau một thời gian, do ở xa, không nắm rõ hành vi tiêu dùng và tệp khách hàng ở Mỹ, dự án này không thành hiện thực, nhưng mình dắt túi được khá nhiều kiến thức hay ho về e-commerce. Đến năm 2014, mình mới chính thức bén duyên với e-commerce khi vào làm tại Zalora, một trong những e-commerce quy mô nhất tại Việt Nam ở thời điểm đó. Tại đây, mình bắt đầu thử sức ở vị trí Trưởng nhóm nội dung (Content leader) rồi sau đó là Head of Production trước khi rồi đi vào năm 2017.

Trong khoảng thời gian đảm nhận vị trí Trưởng nhóm nội dung (content leader) thuộc bộ phận Sản xuất (production), mình được trau dồi thêm nhiều kiến thức, từ cơ bản đến chuyên sâu, xoay quanh mô hình thương mại điện tử. Song song với đó là những bài học kinh nghiệm mà mình tự đúc kết được từ các dự án mình tham gia.

Đến năm 2018, mình may mắn được Leflair mời đảm nhận vị trí Trưởng bộ phận Sản xuất hình ảnh và nội dung (Head of Production), tính đến nay đã hơn một năm.

“Với trang thương mại điện tử hình ảnh chính là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất”
“Với trang thương mại điện tử, hình ảnh chính là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất.”

Chị có thể miêu tả công việc của một Head of Production tại Leflair?

Công việc chính của mình là đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch dẫn dắt đội ngũ sản xuất hình ảnh và nội dung. Sau khi lắng nghe các bạn trình bày ý tưởng và được thuyết phục bởi tính khả thi của nó, với cương vị là người đứng đầu, mình sẽ đại diện trình bày với cấp trên. Không chỉ là về hình ảnh, mình còn phải trình bày cho họ nghe những đáp án thoả đáng về các bài toán KPI và lợi nhuận.

Với tư cách là Head of Production của Leflair, mình chịu trách nhiệm dẫn dắt đồng đội của mình trong công việc hàng ngày, quan trọng nhất là định hướng, đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch để cả đội cùng nhau đạt được mục tiêu đó.

Cơ bản thì phòng Production bao gồm nhiều đội nhỏ: Studio, Retouch, Graphic Design và Content. Nó tương tự như một production house, nhưng ở đây khách hàng khó tính nhất chính là mình. Vì mình sẽ phải thay mặt cả đội trả lời với sếp về KPI, hiệu quả công việc, và chất lượng hình ảnh, các dự án mới…

Tuy nhiên, mình cũng đòi hỏi cả đội không ngừng sáng tạo và giữ phong độ. Vừa phải đảm bảo được áp lực về mặt thời gian, về số lượng nhưng đồng thời vẫn phải đẹp và hợp lý.

Chị có thể chia sẻ cụ thể về quá trình làm việc của bộ phận Production?

Vì đặc trưng của Leflair là nền tảng mua sắm với những chương trình giảm giá ngắn hạn, nên tiến độ công việc của mọi người cũng buộc phải nhanh chóng và chuẩn xác.

Đối với chụp sản phẩm, thời gian để cả nhóm chuẩn bị đầy đủ cho buổi chụp thường chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Đối với những buổi chụp người mẫu, mọi người chỉ có khoảng một ngày để liên hệ ekip gồm người mẫu, chuyên viên trang điểm… Với tốc độ làm việc này, trung bình mỗi tháng studio sẽ chụp hơn 4.000 sản phẩm.

Thêm vào đó, với thành phẩm của nhóm retouch – chỉnh sửa từ hình chụp studio đến những bức ảnh được gửi từ nhà cung cấp, cùng các sản phẩm nhập khẩu – trong một tháng, toàn bộ phận sản xuất cho ra khoảng 10.000 sản phẩm.

Ngoài ra, mình còn làm việc chung với bộ phận mua hàng (buyer), marketing, và chăm sóc khách hàng. Họ là người trực tiếp lắng nghe những ý kiến từ khách hàng, từ đó, phản hồi cho bộ phận Production để đưa ra định hướng hình ảnh phù hợp hơn.

“Không chỉ là về hình ảnh Head of Production còn phải trình bày cho cấp trên nghe những đáp án thoả đáng về các bài toán KPI và lợi nhuận”
“Không chỉ là về hình ảnh, Head of Production còn phải trình bày cho cấp trên nghe những đáp án thoả đáng về các bài toán KPI và lợi nhuận.”

Hình ảnh đóng vai trò như thế nào đến việc lựa chọn mua sắm trực tuyến của khách hàng?

Khác với mua sắm truyền thống, khách hàng có thể tự mắt nhìn, tự tay cảm nhận chất lượng sản phẩm và lắng nghe tư vấn từ nhân viên bán hàng, thì ở các trang thương mại điện tử, hình ảnh chính là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất.

Nó giới thiệu cá tính, truyền tải thông điệp của cả công ty đến công chúng. Nếu khách hàng thích phong cách và cảm thấy thương hiệu đáp ứng được nhu cầu của mình, họ sẽ ghé đến website. Vào đến website, khi nhìn thấy hình ảnh chỉn chu, thông tin đầy đủ, khách hàng sẽ ở lại lâu hơn. Theo thời gian, từ lòng tin và cảm tình xây dựng được, khách hàng sẽ bắt đầu có những quyết định mua hàng trên nền tảng công ty đó.

Nhưng với sự cạnh tranh của thị trường e-commerce hiện tại, hai tiêu chí cơ bản là ‘đúng và đủ’ vẫn chưa đủ, chúng mình cần phải tạo dấu ấn riêng, tức là hình ảnh phải đẹp và truyền tải được câu chuyện mà khách hàng quan tâm. Ở Leflair, đối tượng khách hàng là những người có phong cách sống đơn giản, tinh tế và toát lên sự tự tin từ bên trong. Nên nhiệm vụ của đội ngũ Production chính là khắc họa ra phong cách sống này.

Với vị trí Trưởng bộ phận, chị làm thế nào để cân bằng giữa KPI và khoảng tự do sáng tạo cho nhóm của mình?

Mục tiêu và thời hạn là hai yếu tố buộc phải ưu tiên khi trình bày với cấp trên. Làm việc với bộ phận sáng tạo cũng tương tự, mình luôn yêu cầu các bạn phải sáng tạo theo logic và thực hiện dựa trên quy trình đặt sẵn. Tuy nhiên, vì không muốn đóng khung khả năng của mọi người, mình không đặt ra bất kỳ tiêu chuẩn nào, thay vào đó, mình cố gắng tạo cho họ một không gian để tự do sáng tạo.

“Mình rất thích làm việc tại môi trường khởi nghiệp startup bởi nó mang tới cho mình cảm giác mới mẻ năng động và được thay đổi mỗi ngày”
“Mình rất thích làm việc tại môi trường khởi nghiệp (start-up) bởi nó mang tới cho mình cảm giác mới mẻ, năng động và được thay đổi mỗi ngày.”

Đâu là lợi thế và yếu điểm mà chị cần cải thiện để chinh phục vị trí này?

Thật ra mình không giỏi chuyên môn hơn bất cứ bạn nào trong đội của mình hết. Trong đội có art director, photographer, stylist, retoucher, content writer… ai cũng giỏi chuyên môn cả. Mình chỉ cần ở bên quan sát và hướng các bạn trên chung một mục tiêu.

Trước đây, giao tiếp từng là một nhược điểm lớn vì bản tính mình hướng nội. Thế nhưng khi đảm nhận vị trí này, việc giao tiếp và thuyết trình đã trở thành một phần trách nhiệm. Vì thế, theo thời gian, mình phải học cách khắc phục nhược điểm này. Tuy bây giờ cảm giác hồi hộp, lo lắng vẫn chưa hoàn toàn vơi đi, mình vẫn lựa chọn bước lên. Với mình, chỉ cần thực hiện được bước đầu tiên, mọi thứ sau đó sẽ tự đâu vào đấy.

Làm việc tại một e-commerce mang lại những niềm vui và thử thách gì?

Mình rất thích làm việc tại môi trường khởi nghiệp (start-up) bởi nó mang tới cho mình cảm giác mới mẻ, năng động và được thay đổi mỗi ngày. Thế nhưng chính guồng quay công việc này cũng là một loại áp lực.

Dĩ nhiên, như bao cuộc chinh phục, cảm xúc sau khi ta vượt qua khó khăn và chạm tới được đỉnh núi lúc nào cũng tuyệt vời vô cùng. Một điều chắc chắn rằng tại Leflair, vòng lặp thử thách và niềm vui này vốn chưa bao giờ ngừng lại.

“Mỗi người chúng ta đều có khả năng tự nuôi dưỡng cảm hứng và sáng tạo mà những điều đó đều xuất phát từ sự cộng hưởng của một tập thể”
“Mỗi người chúng ta đều có khả năng tự nuôi dưỡng cảm hứng và sáng tạo, mà những điều đó đều xuất phát từ sự cộng hưởng của một tập thể.”

Bí quyết nào giúp chị giữ được tinh thần mới mẻ khi làm việc tại môi trường áp lực cao này?

Mình cố gắng duy trì tinh thần tích cực bằng cách đơn giản hóa suy nghĩ của bản thân. Mình không nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều có khả năng tự nuôi dưỡng cảm hứng và sáng tạo, mà những điều đó đều xuất phát từ sự cộng hưởng của một tập thể.

Mỗi ngày dù ít hay nhiều, tôi luôn cố gắng truyền lửa cho nhân viên của mình, để rồi từ nguồn năng lượng tích cực các bạn nhận được, theo một cách tự nhiên nào đó, sẽ ‘chuyển hoá’ thành nhiều hình dạng và quay ngược về với tôi.

Là một người có thâm niên trong lĩnh vực e-commerce, chị dự đoán như thế nào về sự phát triển của e-commerce trong những năm tới?

Hiện tại thị trường e-commerce ở Việt Nam đang từng bước triển khai mảng nhập khẩu, và trong tương lai, xu hướng này sẽ có những bước tiến vượt bậc hơn nữa. Sự phát triển này nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu mua hàng nước ngoài của khách hàng trong nước với giá cả hợp lý và chất lượng đáng tin cậy.

Đương nhiên, không nằm ngoài xu hướng, Leflair hiện tại đang tập trung thực hiện dự án nhập khẩu, làm việc trực tiếp với các thương hiệu toàn cầu và nhập hàng trực tiếp từ Kho Hàng Quốc Tế của Leflair tại Singapore.