Biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ tổ quốc: Ai đã đặt cọ vẽ đầu tiên? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ tổ quốc: Ai đã đặt cọ vẽ đầu tiên?

Bạn có trả lời được câu hỏi này?
Biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ tổ quốc: Ai đã đặt cọ vẽ đầu tiên?

Nguồn: TikTok @zoloit

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Những ngày qua trên mạng xã hội đã nổi lên xu hướng “biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ tổ quốc” nhận về rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ. Hiện chưa rõ người đầu tiên thực hiện hoạt động vẽ cờ đỏ sao vàng lên mái nhà là ai, nhưng video tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ cho trào lưu này thì đến từ kênh TikTok Lê Quang Vũ (@zoloit).

Trong quá trình xây dựng căn nhà tặng bố mẹ, Quang Vũ vô tình xem được video về một cô gái vẽ quốc kỳ lên mái nhà. Ấn tượng bởi ý tưởng này anh đã làm một phiên bản tương tự trên mái nhà mình, với tổng diện tích 150m2. Video ghi lại quá trình thực hiện này sau đó nhanh chóng thu hút tới 3,3 triệu lượt xem và 119 nghìn lượt thả tim.

2. Trào lưu này có gì đáng chú ý?

So với những xu hướng giải trí chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng nhất định, sớm nở chóng tàn thì một trào lưu tôn vinh lòng tự hào dân tộc có điểm chạm lớn tới đông đảo người dân Việt Nam. Cộng thêm đúng thời điểm hiện tại cả nước cận kề dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh Việt Nam 2/9, nên trào lưu này càng được hưởng ứng mạnh mẽ để lan tỏa tinh thần yêu nước.

Không ít người đã nhận xét đây chính là trend ý nghĩa nhất hiện nay. Không chỉ dừng lại ở việc vẽ cờ lên mái nhà, quốc kỳ giờ còn được tô điểm lên cả ban công, tường nhà… và lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, tạo nên những hình ảnh ý nghĩa hướng về ngày lễ lịch sử của dân tộc.

3. Ai đã đặt cọ vẽ cờ đỏ sao vàng đầu tiên?

Câu hỏi ai là người đầu tiên thiết kế, vẽ nên quốc kỳ trong lịch sử đến giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Hiện có hai luồng thông tin, một bên cho rằng tác giả quốc kỳ là đồng chí Lê Quang Sô dựa trên hồi ký năm 1968 của ông và lời kể lại của người con trai.

Bên còn lại đi đến kết luận là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Thông tin này do nhà văn Sơn Tùng đưa ra sau khi nghe lời kể trong rừng của ông Năm Thái (một vị lão thành Cách mạng từng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ) kết hợp cùng việc dày công thu thập tài liệu và tìm hiểu.

Toàn bộ quá trình này đã được tổng hợp và viết lại trong cuốn Nguyễn Hữu Tiến xuất bản năm 1981. Nhà văn Sơn Tùng còn thuật lại câu chuyện với nhạc sĩ Văn Cao. Và sau đó, tác giả của Quốc ca đã vẽ nên một bức tranh chân dung về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đặt tên là Người vẽ cờ Tổ quốc.

alt
Bức tranh “Người vẽ cờ Tổ quốc” do nhạc sỹ Văn Cao thực hiện.

Dẫu vậy, cả hai ý kiến trên đều chưa có một cơ sở vững chắc để khẳng định. Thông tin duy nhất được công nhận đến nay là quá trình xây dựng lá cờ được Xứ ủy Nam kỳ chỉ huy. Và khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra, lá cờ đỏ sao vàng đã lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/1940 ở tỉnh Mỹ Tho, sau được dùng cho cả Mặt trận Việt Minh ở Bắc Kỳ.

4. Quốc kỳ Việt Nam được chọn thế nào?

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương vào ngày 9/3/1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thành lập Đế quốc Việt Nam nằm dưới quyền kiểm soát của Đế quốc Nhật Bản. Trong giai đoạn này các nhà tri thức đã có những cuộc thảo luận sôi nổi trên báo chí về việc thiết kế quốc kỳ. Chỉ riêng việc chọn màu sắc đã có rất nhiều ý kiến đưa ra: “đỏ, sao vàng; đỏ viền vàng; xanh và đỏ, hay xanh, đỏ viền vàng?”

alt
Ý kiến đóng góp của nhà văn Vũ Bằng cho việc thiết kế Quốc kỳ | Đăng trên Trung Bắc Tân Văn, Số 245, 20/5/1945.

Kết quả là sau khi vua Bảo Đại thoái vị, Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 5-SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng. Tuy nhiên, trong cuộc họp Quốc hội lần thứ nhất, thảo luận một lần nữa nổi lên. Một số đại biểu đã có ý kiến muốn thay đổi màu cờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết trả lời: "Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn, bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào còn ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó". Nhân dân cả nước cũng một lòng đồng tình quyết giữ lá cờ đỏ sao vàng lịch sử.

Để rồi đến ngày 9/11, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 được thông qua, chính thức công nhận: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”.

5. Quốc kỳ đã có lúc biến hình?

Trong phiên bản chính thống đầu tiên vào năm 1945, Quốc kỳ chưa có hình dạng giống như chúng ta thấy bây giờ. Theo Sắc lệnh số 5-SL “ngôi sao vàng sẽ có 5 góc lồi và 5 góc lõm” tạo nên tổng thể hình dạng sao cánh cong cong mà sau này thường được gọi vui là “cờ sao béo”.

alt
Sắc lệnh số 5-SL ngày 5/9/1945 | Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
alt
Hình ảnh lá cờ "sao béo" trong cuộc họp lần thứ nhất Quốc Hội khóa I.

Cho đến năm 1955, Quốc kỳ có một vài thay đổi nhỏ do nhu cầu chuẩn hóa biểu tượng quốc gia. Một ngôi sao cong sẽ khó vẽ, và khó thống nhất tiêu chuẩn cụ thể hơn ngôi sao có cánh thẳng. Do đó "những cánh sao vàng từ nay không làm theo đường cong như trước mà làm theo đường thẳng" tạo nên phiên bản Quốc kỳ đại diện cho đất nước từ đó đến nay.

alt
Phụ lục hình ảnh Quốc kỳ có chỉnh sửa về hình thức theo Sắc lệnh số 249-SL ngày 30/11/1955. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)