Biểu tình ở lễ đăng quang: Thách thức đón chờ tân vương Charles III | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Biểu tình ở lễ đăng quang: Thách thức đón chờ tân vương Charles III

Nữ Hoàng Elizabeth II là biểu tượng của Hoàng gia Anh. Nhưng cái bóng bà để lại có thể khiến con trai bà - Vua Charles III - bị phản đối bởi một số người.
Biểu tình ở lễ đăng quang: Thách thức đón chờ tân vương Charles III

Nguồn: Rogue Rocket

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 6/5 tại Anh, lễ đăng quang của Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla đã diễn ra trong sự theo dõi của hàng triệu người. Trong khi phần lớn khán giả chọn theo dõi từ xa qua màn hình vô tuyến hoặc nắm tin tức qua các thiết bị cá nhân, một số người đã tới Cung điện Buckingham và Nhà thờ Westminster để tận mắt chứng kiến khoảnh khắc Thái tử Charles trở thành Vua Charles III.

Thế nhưng, không phải ai cũng làm điều này với sự ủng hộ. Trái lại, một bộ phận người đổ ra đường vào ngày đăng quang không phải để chúc mừng vị vua mới, mà là để biểu tình chống lại Hoàng gia Anh.

Hoạt động biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Trafalgar ở London dù không thể đọ về số lượng với dòng người ủng hộ Hoàng gia, nhưng chắc chắn là một cảnh tượng mà Vua Charles III và lực lượng chức năng không thể tảng lờ.

10may202306charlescoronationprotestersarrestedcqjvsuperjumbo1jpg
Cảnh sát lục soát một số người biểu tình trước lễ đăng quang. | Nguồn: The New York Times

Trùng hợp là chính phủ Anh mới thông qua một luật mới về việc biểu tình, cho phép cảnh sát có nhiều cơ sở để bắt giam và phạt người biểu tình hơn. Trong thời gian tổ chức lễ đăng quang, đã có ít nhất 7 người bị bắt, trong đó có cả Graham Smith - người đứng đầu tổ chức chống Hoàng gia mang tên Republic, cũng là người lên kế hoạch biểu tình.

2. Làn sóng phản đối Hoàng gia Anh và Charles III lớn tới đâu?

Kể từ sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối người kế vị. Sự phản kháng không quá lớn, nhưng hiện hữu rõ ràng và có phần hung hăng: Charles III từng bị ném trứng khi đang tới thăm thành phố York ở miền Bắc nước Anh vào tháng 11 năm ngoái.

Những người biểu tình đã theo chân Charles III khi ông cùng vợ thực hiện một số hoạt động cộng đồng tại thành phố Colchester hồi tháng 3 năm nay. Họ mang theo những tấm biểu ngữ ghi “Not my King” (không phải vị Vua của tôi).

10may2023antimonarchyprotesthpembed202303080521323x2992jpg
Người biểu tình tại thành phố Colchester. | Nguồn: Reuters

Có lẽ với Vua Charles III và Hoàng gia Anh, những người này không đáng quan tâm bởi họ luôn lép vế về số lượng so với những người ủng hộ. Nhưng bất chấp sự ủng hộ của phần đông dân chúng, làn sóng phản đối đang lớn dần, với sự tham gia của cả những thế hệ mới lẫn những cộng đồng vốn đã không ưa Hoàng gia.

Thống kê từ công ty YouGov cho thấy, tới thời điểm tháng 4 năm nay, 62% người được hỏi thể hiện sự ủng hộ với Hoàng gia. Con số khá lớn nhưng là một sự suy giảm đáng kể nếu so với con số 75% của giai đoạn 2012-2013. Đặc biệt, YouGov chỉ ra rằng thế hệ trẻ trong độ tuổi 18-24 đang mất niềm tin vào ngai vàng, với chỉ 36% người được hỏi cho rằng nên tiếp tục chế độ quân chủ. Con số này trong giai đoạn 2012-2013 là 72%.

Trong khi đó, người dân tại Scotland và Ireland - hai láng giềng của nước Anh trong Vương quốc Anh - thì không ngần ngại bày tỏ sự phản đối với Hoàng gia theo những cách… thô thiển nhất. Trước lễ đăng quang một tuần, cổ động viên câu lạc bộ bóng đá Celtic tại Ireland đã cùng hô vang khẩu hiệu “You can shove your coronation up your arse” với sự hả hê tương tự khi người Scotland mỉa mai rằng “Lizzie’s in a box” lúc Nữ hoàng băng hà.

3. Tại sao họ lại phản đối Hoàng gia Anh và Charles III?

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới biểu tình vào lễ đăng quang là sự tốn kém của buổi lễ. Tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến Anh trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ lạm phát. Việc tổ chức một nghi lễ tốn kém trong khi người dân đang gặp khó khăn khiến nhiều người phản đối.

Mặt khác, có những sự tiêu cực nhắm trực tiếp vào Vua Charles III. Theo Graham Smith - người đứng đầu tổ chức Republic với tư tưởng chống Hoàng gia - thì “Charles đã không kế thừa được sự tôn trọng, sự khiêm nhường, và sự phục tùng [của dân chúng] mà Nữ hoàng từng tận hưởng.”

10may2023rxozsrfvsvlrjonum32ijqyieejpg
Graham Smith trong một sự kiện biểu tình tại London vào tháng 3/2023. | Nguồn: Reuters

Bên ngoài địa hạt nước Anh, các quốc gia cựu thuộc địa phản đối Hoàng gia Anh vì họ coi đó là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân. Đây chính là góc nhìn đã khơi dậy những thảo luận trái chiều về Nữ hoàng và vai trò của bà, cũng như của Hoàng tộc, trong hai cuộc thế chiến và quá trình đô hộ nhiều quốc gia trên thế giới.

4. Những người ủng hộ nói gì?

Phần đông người dân Anh cũng như nhiều nơi trên thế giới không phản đối Hoàng gia Anh. Họ hoặc thể hiện sự ủng hộ bằng lời nói và hành động, hoặc đơn giản là… không quan tâm.

Đối với những ai ủng hộ và yêu thích Hoàng gia Anh, thì lễ đăng quang là một sự kiện lịch sử, tại đó họ tìm thấy niềm hạnh phúc trong việc được chứng kiến một thời khắc lịch sử của thần tượng mà mình yêu thương. Những người này sẵn sàng cắm trại xung quanh Cung điện Buckingham từ 2 tới 5 ngày, chỉ để nhìn thấy Vua và Nữ hoàng.

Nhiều người cũng đã lên tiếng bảo vệ sự kiện đăng quang trước làn sóng phản đối. Họ vừa lập luận đây là một sự kiện truyền thống mà tính thiêng liêng của nó buộc ta phải thực hiện, vừa có khả năng kích cầu kinh tế và tạo dựng thương hiệu cho nước Anh.

5. Lễ đăng quang có lợi và hại gì cho nền kinh tế Anh?

Sự kiện Charles III lên ngôi không chỉ là một sự kiện chính trị và văn hóa, mà còn là cơ hội làm giàu cho ngành du lịch, nhà hàng, lữ hành tại Anh. Đây cũng là một cơ hội marketing thực thụ dành cho các nhãn hàng và cho chính phủ Anh. Theo ước tính của CEBR, lượng khách du lịch mà sự kiện đăng quang thu hút có thể mang lại 337 triệu bảng Anh cho nền kinh tế.

Rất nhiều mặt hàng lưu niệm gắn với Hoàng gia Anh đã và đang được bán ra. Nhiều người đã mua vé máy bay và đặt khách sạn nhiều tuần trước lễ đăng quang để có thể có mặt tại sự kiện lịch sử. Nắm bắt được tâm lý tò mò và háo hức này của nhiều người, hàng loạt dịch vụ ăn theo đã ra đời với đủ mọi hoạt động cho tất cả các phân khúc khách hàng.

Những ai không có nhiều tiền có thể an lòng với việc mua đồ lưu niệm và cắm trại. Trong khi đó, những người giàu có sẵn sàng chi hơn 10 ngàn bảng Anh để trải nghiệm một phần cuộc sống Hoàng gia. Họ được qua đêm trong Phòng Hoàng gia tại khách sạn 5 sao Hotel Cafe Royal, được đi xe limousine tới tham quan Tháp London, tại đó họ được chiêm ngưỡng chiếc vương miện hoàng gia.

Tuy nhiên, sự khởi sắc trong nhóm ngành du lịch, nhà hàng, và lữ hành không đồng nghĩa rằng sự kiện có lợi cho toàn bộ nền kinh tế nói chung. Một trong những nguyên nhân nằm ở việc buổi lễ kéo dài kỳ nghỉ lễ ở Anh, làm giảm động lực làm việc của nhiều người, từ đó kéo động lực tăng trưởng của Anh chậm lại, theo Bloomberg đưa tin.