Yêu/ ghét Nữ hoàng Anh: Truyền thông đã sản xuất ra cảm xúc của bạn như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
12 Thg 09, 2022
Truyền ThôngOpinion

Yêu/ ghét Nữ hoàng Anh: Truyền thông đã sản xuất ra cảm xúc của bạn như thế nào?

Dù than khóc hay chia sẻ nội dung chống thuộc địa, không thể phủ nhận rằng chúng ta đều trở thành công nhân bất đắc dĩ trong một đại công xưởng sản xuất nội dung.
Yêu/ ghét Nữ hoàng Anh: Truyền thông đã sản xuất ra cảm xúc của bạn như thế nào?

Nguồn ảnh: The Telegraph

Có nhiều lý do để sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II băng hà gây tốn kém nhiều giấy mực và thời gian chú ý vào màn hình của báo giới, truyền thông và các công dân mạng. Bà là quân vương tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, từ cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, cuộc chiến tranh Lạnh, sự chuyển đổi của nước Anh từ Đế chế thành Khối thịnh vượng chung, hay sự gia nhập và chia tách giữa Anh và Liên Minh Châu Âu…

Cái chết của Nữ hoàng đã tạo ra những cuộc tranh cãi lớn ở Việt Nam và trên toàn cầu về sự liên quan của bà đối với chủ nghĩa thực dân Anh Quốc. Những cảm xúc này một phần nhỏ đến từ nhiều luồng tư duy phản biện của độc giả, một phần lớn đến từ sự khuếch tán thông điệp vô cùng hiệu quả của truyền thông về sự kiện Nữ hoàng băng hà.

Với dung lượng chữ và kiến thức có phần hạn hẹp, bài viết xin nhường lại sự đánh giá Elizabeth II cho lịch sử. Tôi quan tâm hơn tới việc sức mạnh của truyền thông đã góp phần sản xuất ra cảm xúc yêu/ghét Nữ hoàng như thế nào, thứ ta vốn tưởng là thuộc về thế giới đầu góc riêng tư của mình.

httpsvietceteracomuploadsimages12sep2022queenelizabethbuckinghampalacebalconycoronationjpeg
Lễ tấn phong của Nữ hoàng Elizabeth II | Nguồn: The Royal Family

Khi đất nước là ekip truyền thông, còn nguyên thủ là người trình diễn

Ở Mỹ và các quốc gia Tây Âu, các thiết chế chính trị đang được tổ chức ngày càng giống các ekip sản xuất chương trình vô tuyến, còn các hoạt động chính trị thì xuất hiện trước công chúng như các chương trình thực tế. Xu hướng giải trí hoá chính trị này là tất yếu trước sự phát triển của vô tuyến, và sau này là mạng xã hội. Nó đáp ứng được nhu cầu lan toả ảnh hưởng chính trị của các đảng phái, và nhu cầu tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề vĩ mô của người dân. Đây là điều kiện cho phép truyền thông "chế tác" cảm xúc của chúng ta.

Một trong những ví dụ tiêu biểu của xu hướng này là sự ra đời của The Real World - chương trình được mệnh danh là chương trình thực tế (reality show) đầu tiên của nền giải trí Mỹ - trên kênh MTV. The Real World được phát sóng lần đầu vào ngày 21 tháng 5 năm 1992, với chủ đề của season đầu tiên là về chính trị. Format của chương trình là về 7 người trẻ đến từ mọi nơi ở nước Mỹ, sống chung trong một căn nhà ở New York và cùng quay những thước phim về các chủ đề người trẻ Mỹ quan tâm như tình dục, định kiến, tôn giáo, phá thai, đảng phái… Thập niên 90 của thế kỷ trước cũng là thời điểm các cuộc đối thoại về sự đa dạng và chính trị căn tính (identity politics) được bàn thảo rộng rãi qua truyền thông đại chúng, vì thế season đầu của The Real World nhấn mạnh vào chủ đề này.

httpsvietceteracomuploadsimages12sep2022celebrityapprentice2015jpg
Gia đình tổng thống Donald Trump trên show thực tế The Apprentice | Nguồn: TV Insider

Năm 1997, trên show The Apprentice, Nghị sĩ Sean Duffy là chính trị gia đầu tiên xuất hiện trong một chương trình thực tế. Từ đó, thể loại này dần trở thành kênh truyền quen thuộc đối với các chính trị gia muốn quảng bá “brand name” và các quyết định chính sách của mình. Họ xuất hiện trên các show giải trí trong các dịp bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống. Bản thân các trận tranh biện từ trong nội bộ đảng phái cho đến thềm bầu cử cũng đồng thời là các show thực tế. Năm 2012, Barack Obama được xem vừa là một chính trị gia, vừa là một trong những "ngôi sao" lớn nhất nước Mỹ. Tương tự đối với Donald Trump.

Học giả John Hartley gọi sự len lỏi của truyền thông và giải trí vào nền chính trị phương Tây là “democratainment” - từ ghép giữa “dân chủ” (democracy) và “giải trí” (entertainment). Ông cho rằng để truyền thông “dân chủ” hơn, tức là để người dân tham gia vào các đối thoại trên truyền thông, thì nó phải được bình dân hoá qua màu sắc giải trí. Bên cạnh việc tầng lớp bình dân được lên sóng, thì các chính trị gia lão làng nhất cũng là những nhà giải trí tài ba. Học giả Graeme Turner thì cho rằng tính dân chủ ở đây chỉ là “dân dã” (demotic), tức là sự tham gia của công chúng chỉ là bình phong của tính giải trí thương mại.

Hoàng gia như một ekip truyền thông: Từ Nữ hoàng Anh đến Vua Charles III

Tuy không có quyền lực chính trị thực tế, Hoàng gia Anh nắm giữ quyền lực truyền thông và văn hoá khổng lồ, có tầm ảnh hưởng ở Anh và toàn thế giới. Cây bút của tờ The Atlantic, Sophie Gilbert, nhận định rằng hình ảnh truyền thông của Hoàng gia Anh, đến từ báo giới ở nước này, cũng như các công ty truyền thông được sở hữu bởi các thành viên trong hoàng tộc, đã định nghĩa phần lớn “tính Anh” (Britishness) mà thế giới đang hiểu.

Tính Anh này có đại diện là “truyền thống” (tradition), khác với “tự do” (freedom) của tính Mỹ. Chính vì thế, hình tượng báo giới của Nữ hoàng Anh, Vua Charles III, hay các chương trình được sản xuất bởi một công ty của Vương tử Edward và hợp đồng giải trí được ký với Netflix của Hoàng tử Harry và Công nương Meghan đều xoay quanh các câu chuyện Hoàng gia.

Đơn cử, công ty Ardent Productions của Vương tử Edward, con út của Nữ hoàng Elizabeth II và em út của Vua Charles III từng sản xuất show Edward On Edward, nói về ông bác của mình - Quốc vương Anh và các quốc gia tự trị của Anh và Hoàng đế Ấn Độ Edward VI. Vương tử Edward từng bị phê phán mạnh mẽ vì đã sử dụng liên kết hoàng tộc của mình để kiếm tiền qua công ty, dù ông không có nhiều năng lực trong lĩnh vực truyền thông. Đơn cử, vào năm 1995, trên danh thiếp công ty của mình, ông đã sử dụng tên Edward Windsor để khẳng định nguồn gốc hoàng tộc.

Trong cuộc đời mình, Vua Charles III cũng tham gia vào nhiều hoạt động truyền thông, vốn có liên kết với những hoạt động khác của ông như từ thiện và gây quỹ, kiến trúc, và vận động bảo vệ môi trường. Ông xuất bản sách về các chủ đề mình quan tâm, viết lời đề tựa cho các tác giả khác, cũng như xuất hiện trong rất nhiều phim tài liệu như HRH The Prince Of Wales: A Vision of Britain, Harmony, The Prince And The Composer, Modern TV: The Princes Welsh Village.

httpsvietceteracomuploadsimages12sep2022s32ktjvijk722hatmfinoc5vvejpeg
Lễ tấn phong Vua Charles III được phát trực tiếp | Nguồn: The Boston Globe

Nhưng người có quan hệ với truyền thông chặt chẽ nhất là Nữ hoàng Elizabeth II. Vào năm 1963, tờ TV Guide Magazine đã đưa Nữ hoàng Elizabeth II lên trang bìa và mệnh danh lễ tấn phong của bà là lễ tấn phong hoàng tộc đầu tiên được chiếu trực tiếp trên vô tuyến (the first televised coronation of a monarch).

Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử truyền thông đại chúng thế giới, dù ngày nay việc truyền thông chiếu trực tiếp các lễ nhậm chức của nguyên thủ quốc gia đã trở thành điều bình thường. Sự kiện này đánh dấu việc Nữ hoàng trở thành biểu tượng văn hoá đại chúng của nước Anh bên cạnh điệp viên James Bond, Gấu Paddington, và nhà tự nhiên học David Attenborough.

Tầm ảnh hưởng về văn hoá của Hoàng gia Anh tiếp tục với bộ phim tài liệu về cuộc sống đời thường của Nữ hoàng và các thành viên hoàng tộc, được đài BBC thực hiện vào năm 1969. Những thước phim này xoá nhoà hình ảnh hoàng gia như một nơi có quyền lực khép kín, thay vào đó, hình ảnh của nó len lỏi vào những góc riêng tư nhất của đời sống gia đình Anh Quốc.

httpsvietceteracomuploadsimages12sep2022royalfamily33jpeg
Hình ảnh đời thường của Hoàng gia Anh trong bộ phim tài liệu năm 1969 của BBC | Nguồn: Hulton Archive/Getty

Cây bút Sophie Gilbert ví von rằng nước Anh giống như một studio truyền thông khổng lồ, còn Nữ hoàng là nhân vật truyền thông chính yếu của nó. Bà đã định hình hình ảnh một nước Anh hậu thuộc địa đầy khắc kỷ, trung thành với bốn phận, và thận trọng trong từng cảm xúc, dù là vụng về. Đó chính là hình ảnh Nữ hoàng trên truyền thông trong toàn bộ triều đại của bà. Nữ hoàng Elizabeth đã khẳng định tầm quan trọng của quyền lực mềm trong thời đại nước Anh chuyển mình từ đế chế trải rộng 1/4 quả địa cầu thành khối thịnh vượng chung.

Cảm xúc dành cho nguyên thủ quốc gia không thực sự là của bạn

Trong cuộc đời, và tất nhiên là sau cái chết của Nữ hoàng, bà là tâm điểm của các cuộc phê phán có liên quan đến vị trí và vai trò của bà đối với quá trình thuộc địa hoá và giải phóng thuộc địa thế kỷ 20. Từ than khóc cho đến phủ định, buộc tội, và fact-check các thông tin về cuộc đời Nữ hoàng là những gì chúng ta có thể bắt gặp trên News Feed của Facebook, các thread trên Twitter, và hầu hết các tờ báo phương Tây. Những bình phẩm hiện có đã là đủ, còn bài viết này muốn nhấn mạnh vị trí của Nữ hoàng như một nhân vật truyền thông. Cảm xúc yêu/ghét dành cho bà và mọi nguyên thủ quốc gia lẫn người nổi tiếng khác là những điều hiển nhiên sẽ có.

Nhưng bàn xa hơn, những cảm xúc này tưởng như có nguồn gốc từ đầu óc và thế giới nội tâm của cá nhân khán giả truyền thông, song thực tế, chúng là sản phẩm do truyền thông tạo ra. Nhà nghiên cứu truyền thông Sara Ahmed cho rằng cảm xúc không phải thứ cô đọng ở từng cá nhân, mà nó lan truyền và hình thành giữa cơ thể với cơ thể. Vì thế, sự đau buồn, giận dữ, tuyệt vọng, bất mãn, hoài nghi… đều là những trạng thái tập thể, giúp lan truyền thông điệp truyền thông hiệu quả hơn.

httpsvietceteracomuploadsimages12sep2022pearsonnegativeemotions1290x8601jpg
Thị trường duy cảm | Nguồn: MIT Sloan Management Review

Học giả Anh Quốc Raymond Williams nhìn cách truyền thông đại chúng tổ chức cảm xúc của công chúng giống như cách họ xem một vở kịch hoặc phim ảnh. Các hình thức nghệ thuật này có cách đóng khung một số nhân vật là chính diện, còn một số là phản diện, từ đó, điều khiển cảm xúc của khán giả đối với nhân vật. Ông gọi những cụm cảm xúc này là “cấu trúc cảm xúc” (structure of feeling). Trong thực tế, khi đối diện với các nhân vật nổi tiếng, cảm xúc của công chúng cũng thuộc về những cấu trúc cảm xúc do báo giới tạo ra.

Bạn thuộc nhóm khách hàng có thiện cảm với Nữ hoàng và Hoàng tộc, bạn sẽ được bán cho các bài viết chia buồn, tưởng niệm… vốn tạo ra cảm xúc tích cực. Ngược lại, nếu bạn thuộc nhóm phản đối, phê bình, sản phẩm truyền thông bạn nhận được là phê bình thuộc địa. Là công chúng của thời đại truyền thông cảm xúc, chúng ta bất đắc dĩ biến thành “công nhân” của các studio khổng lồ, trong đó tình yêu, lòng nhiệt thành và sự giận dữ được tận dụng để phục vụ “thị trường duy cảm” (emotional economy).

Kết luận: Trung dung để nhìn rộng hơn

Đến đây, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy bẽ bàng khi nhận ra bản thân vấn đề hệ trọng của cuộc sống như chính trị được đối xử như tin tức giải trí. Giải pháp ở đây để sống chung với truyền thông, cũng như để nhìn vấn đề vĩ mô như cái chết của Nữ hoàng Anh rộng hơn là yêu/ghét, đó là giữ thái độ trung dung khi tiếp nhận thông tin.

Trung dung ở đây không có nghĩa là ba phải, mà nó là nhìn ra bối cảnh xã hội bó buộc chúng ta chỉ có thể tôn sùng hoặc ghét bỏ một nhân vật truyền thông. Một người trung dung nhìn thấy vị trí xã hội của mình khi lên tiếng. Họ tìm hiểu kỹ càng các thông tin sẵn có, trước khi ca ngợi hoặc lên án thông qua một thứ gì đó trôi nổi trên News Feed. Quan tâm đến thuộc địa? Hãy tìm hiểu về những cuộc điều tra mà giới chức Anh đã thực hiện để kiểm kê các cổ vật thuộc về các nước thuộc địa mà Hoàng tộc Anh đang sở hữu.

Một khán giả truyền thông trung dung thậm chí từ chối việc phải bộc lộ ngay lập tức một cảm xúc, hoặc thể hiện ngay lập tức một chính kiến. Họ lùi ra sau để nhìn rộng hơn. Đôi lúc, sự lưỡng lự là cách hợp lý để kháng cự sự kiềm toả của truyền thông trong cuộc sống.